Ngân hàng và cuộc cạnh tranh 'miếng bánh' tín dụng
(DNTO) - Mức tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng không đều, có sự “vênh” nhau khá lớn. Đây sẽ là động lực cho các ngân hàng trong cuộc đua giành room tín dụng và thị phần. Để duy trì NIM trong những tháng cuối năm, nhà điều hành phải xem xét tăng cung ở thị trường nội địa như khu vực công, tư để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.
Bài toán duy trì NIM đến cuối năm
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dữ liệu tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 28/8 tăng 6,63% so với cuối năm 2023, trong khi trước đó đến hết tháng 7, tổng dư nợ toàn nền kinh tế tăng 5,66%, thấp hơn con số ghi nhận vào cuối tháng 6 là 6,1%.
Như vậy, sau những ngày tăng tốc mạnh mẽ về cuối tháng 6/2024 để đạt mục tiêu Chính phủ đề ra trong 6% cho nửa đầu năm 2024, tín dụng đã có bước chậm tháng 7 và mới chỉ phục hồi trở lại đây.
Việc tín dụng cải thiện rõ nét trong thời gian qua, theo đánh giá của giới chuyên môn, ngoài việc giữ lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp, còn đến từ việc nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tăng trưởng ấn tượng trong quý 2. Từ đó, tạo nên sự lạc quan cho cả thị trường, thúc đẩy nhu cầu tín dụng, khi các doanh nghiệp và cá nhân tìm kiếm các cơ hội đầu tư và mở rộng sản xuất.
Theo kết quả khảo sát từ Vụ Dự báo thống kê (NHNN), nhu cầu vay vốn được dự báo tăng mạnh hơn so với nhu cầu gửi tiền và thanh toán trong quý 3 này. Điều này đã được chứng minh khi Tổng cục Hải quan vừa thống kê cho thấy tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ nửa đầu tháng 8/2024 đạt ấn tượng 32,93 tỷ USD. Điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ có nhu cầu vay vốn ngân hàng nhiều hơn để phục vụ các đơn hàng mở rộng sắp tới.
Đặc biệt, động lực tăng trưởng tín dụng có thể đến từ lĩnh vực bất động sản. Đây là lĩnh vực hoạt động quan trọng và hấp dẫn đối với việc cho vay của các nhà băng, do nhu cầu cao và ổn định, tài sản thế chấp mạnh, giúp giảm rủi ro nợ xấu.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 15%, từ nay tới cuối năm 2024 các tổ chức tín dụng cần phải “bơm” hơn 1 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế, đây là một trong các thách thức không nhỏ. Vì từ nay đến cuối năm, thời gian không còn nhiều, trong khi đó, sức cầu tín dụng được các ngân hàng cho hay chưa thể đột phá.
Để duy trì NIM (biên lãi ròng của ngân hàng) ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường đại học Nguyễn Trãi) cho rằng, cần phải xem xét nhiều yếu tố. Đầu tiên là chính sách tiền tệ và lãi suất. Nếu NHNN tiếp tục duy trì hoặc cắt giảm lãi suất điều hành. Cơ cấu lãi suất huy động và cho vay trong bối cảnh lãi suất ổn định hoặc giảm sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng duy trì chênh lệch lãi suất tốt.
"Nếu các nhà băng tiếp tục thu hút được nhiều tiền gửi không kỳ hạn (CASA) với chi phí thấp, chi phí vốn sẽ giảm, góp phần cải thiện NIM. Đồng thời, ngân hàng có thể giảm sự phụ thuộc vào tiền gửi có kỳ hạn lãi suất cao bằng cách đa dạng hóa nguồn vốn, ví dụ như phát hành trái phiếu, thu hút vốn nước ngoài với chi phí thấp", ông Huy nhận định.
Đồng thời nhấn mạnh, phải xem xét để tăng nguồn cung ở thị trường nội địa như khu vực công, tư để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Nếu tín dụng tiếp tục tăng trưởng mạnh trong các lĩnh vực có tỷ suất sinh lời cao như sản xuất, dịch vụ, xuất khẩu, NIM có thể được duy trì hoặc cải thiện. Việc kiểm soát tốt nợ xấu và tăng cường cho vay ở các lĩnh vực có rủi ro thấp sẽ giúp giảm thiểu chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, góp phần giữ cho NIM ổn định hoặc tăng.
"Sự ổn định của chính sách tiền tệ, tài khóa và các quy định ngành ngân hàng sẽ tạo môi trường thuận lợi để các ngân hàng duy trì và cải thiện NIM", vị chuyên gia nhận định.
'Miếng bánh' không đều cho các ngân hàng
Tuy nhiên, mức tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng không đều, có sự “vênh” nhau khá lớn. Thông tin từ NHNN, một số ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao hơn mức tăng chung của hệ thống, nhưng cũng có ngân hàng có mức tăng khiêm tốn hơn nhiều.
Từ sự lệch pha này, ngày 28/8, NHNN quyết định phân bổ lại chỉ tiêu tăng trưởng từ ngân hàng thừa sang nhà băng thiếu. Cụ thể, 4 cái tên đã hoàn thành khoảng 80% chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trở lên bao gồm HDBank, Techcombank, LPBank và ACB sẽ được nhận mức tăng thêm dao động từ 2% - 2,5% tùy từng ngân hàng. Sau khi tăng, "room" tín dụng mới của 4 ngân hàng này nằm trong khoảng 18% - 18,7%.
"Đây sẽ là động lực cho các ngân hàng cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong việc giành room tín dụng và thị phần", VPBankS nhận định.
Tổng hợp số liệu báo cáo tài chính quý II/2024 của 27 ngân hàng thương mại niêm yết cho thấy, hoạt động tín dụng ngân hàng nhỏ đang đối mặt với nhiều thách thức, kể cả về việc tăng trưởng và vấn đề nợ xấu. Xét về nguồn lực, chỉ với 7 ngân hàng đứng đầu, quy mô tài sản đã gần gấp đôi quy mô của 20 ngân hàng. Sự chênh lệch về nguồn lực và thị phần này đã đặt các ngân hàng nhỏ vào thế yếu trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Giới phân tích cho hay, với vị thế "mâm trên", các ngân hàng lớn, đặc biệt là nhóm quốc doanh có thể huy động nguồn vốn tiết kiệm từ nền kinh tế với chi phí thấp nhất, trung bình lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của nhóm này dao động khoảng 5%. Các ngân hàng nhỏ phải huy động với mức lãi suất dao động 5.5%. Một khoảng chênh lệch 0.5% có ảnh hưởng rất lớn đến chi phí vốn, nhất là với các ngành có đòn bẩy cao như ngành ngân hàng.
"Sự cạnh tranh về chi phí vốn khiến cho NIM của các ngân hàng "top dưới" dễ bị ảnh hưởng. Số liệu NIM có sự phân hóa rõ rệt giữa các nhà băng, nhóm ngân hàng có quy mô lớn nhất có NIM cao hơn hẳn với dao động từ 2.5% - 4.5%, trong khi các ngân hàng nhóm nhỏ bị ăn mòn thu nhập do chi phí lãi trả cho các khoản tiền gửi", PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế cho hay.
Chưa kể, chi phí lãi chiếm khoảng 60-75% tổng chi phí của các ngân hàng nhỏ, điều này đòi hỏi lãi suất đầu ra phải cao để duy trì lợi nhuận. Do đó, các ngân hàng nhỏ khó có thể cạnh tranh lãi suất cho vay với các ngân hàng lớn, từ đó làm giảm khả năng chọn lọc các khách hàng tốt. Đặc biệt, khi gặp khó khăn trong việc huy động tiền gửi, các ngân hàng nhỏ với tỷ lệ LDR (tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tiền gửi), cao phải dựa vào các khoản vay ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng để hỗ trợ tăng trưởng cho vay và duy trì tỷ lệ an toàn vốn, dẫn đến gia tăng áp lực thanh khoản.
"Trong bối cảnh cạnh tranh tín dụng ngày càng khốc liệt, các ngân hàng quy mô nhỏ phải đối mặt với một bài toán đầy thách thức khi phải cân bằng giữa tăng trưởng và quản lý rủi ro. Khả năng duy trì sự ổn định và phát triển của họ đang bị đe dọa bởi những áp lực cạnh tranh, nợ xấu gia tăng và chi phí vốn cao. Nếu không có các biện pháp quản lý rủi ro hiệu quả và chiến lược kinh doanh phù hợp, các ngân hàng này sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc duy trì đà tăng trưởng và thậm chí là tồn tại trong môi trường đầy biến động hiện nay", giới phân tích nhận định.