Chuyên gia: 'Tăng trưởng huy động và cung tiền đang thấp hơn tín dụng, tiềm ẩn rủi ro cho lãi suất'
(DNTO) - Rủi ro từ chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và huy động vẫn là vấn đề mà ngành ngân hàng và nền kinh tế phải quan tâm. Hiện nay, cung tiền chỉ tăng 12% so với cùng kỳ. Chuyên gia cho rằng, nếu không đẩy mạnh tăng cung tiền thì lãi suất sẽ có xu hướng nhích lên chứ không phải giảm đi.
Nửa cuối tháng 9, NHNN bơm ra nền kinh tế hơn 200.000 tỷ
Tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2024, chiều 17/10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho hay trong 9 tháng đầu năm và quý III, tín dụng toàn hệ thống đến nay tăng khoảng 9% so với cuối năm 2023, tương đương với mức tăng trưởng cuối tháng 9.
"Thông thường, tín dụng sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm, vì vậy năm nay mục tiêu tăng 15% là hoàn toàn khả thi", ông Tú nhấn mạnh.
Trước đó, theo số liệu của NHNN, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tính đến ngày 17/9 đạt 7,38% so với cuối năm 2023 và mới chỉ đạt 6,63% vào cuối tháng 8. Như vậy, trong tháng 9, tăng trưởng tín dụng đã tăng thêm gần 2,4 điểm %, tương đương với quy mô là khoảng 300.000 tỷ đồng. Riêng trong nửa cuối tháng 9, lượng tín dụng được hệ thống ngân hàng bơm ra nền kinh tế là gần 220.000 tỷ đồng.
Phó Thống đốc cho biết trong thời gian tới NHNN sẽ có quan điểm điều hành chính sách tiền tệ cởi mở hơn cho vấn đề tăng trưởng hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi.
Cụ thể, NHNN đảm bảo thanh khoản và vốn cho các ngân hàng thương mại, điều hành lãi suất ổn định. NHNN tiếp tục để ngỏ câu chuyện quan điểm về điều hành lãi suất là tiếp tục duy trì hay giảm lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ cung ứng vốn cho nền kinh tế, không phải chỉ trong ngắn hạn mà trong trung hạn, dài hạn.
Hiện tại, lãi suất tái cấp vốn của NHNN đang duy trì ở mức 4,5%/năm. Trước đó, nhiều tổ chức tài chính quốc tế đã dự báo NHNN sẽ duy trì mức lãi suất điều hành này cho đến hết năm.
Về điều hành tỷ giá, NHNN cho biết sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, góp phần hấp thu các cú sốc bên ngoài; đồng thời phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ. NHNN sẽ đáp ứng hết nhu cầu ngoại tệ, kể cả với những nhà đầu tư nước ngoài.
"Trước đây, có thời điểm Đồng Việt Nam mất giá 5-6% so với USD, nhưng trong quý III, sức nóng tỷ giá giảm dần đến hiện tại chỉ còn khoảng 1-2%. Điều đó tạo niềm tin cho thị trường, cho nhà đầu tư nước ngoài, không tạo tâm lý găm giữ ngoại tệ", ông Tú cho hay.
Lo ngại chênh lệch giữa tăng trưởng cung tiền và tín dụng
Đáng chú ý, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh: Huy động tăng trưởng 5,28% so với đầu năm, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng. Huy động của nền kinh tế khoảng 14,5 triệu tỷ, cho vay khoảng 14,7 triệu tỷ.
Giải thích kỹ hơn về phần chênh lệch giữa huy động và tín dụng, ông Đào Minh Tú cho biết con số trên cho thấy rằng các ngân hàng huy động được bao nhiêu thì đều đã rót vào nền kinh tế và phần chênh lệch là phần thanh khoản từ vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại.
Nêu quan điểm về vấn đề này, tại tọa đàm trực tuyến Data Talk tháng 10 với chủ đề "Phục hồi kinh tế & Xu hướng dòng vốn đảo nghịch", mới đây, các chuyên gia nhận định sang năm 2025, NHNN sẽ có dư địa để nới lỏng nhiều hơn. Tuy nhiên, lãi suất khó có thể giảm mạnh trong quý IV, khi nhu cầu tín dụng trong quý cuối năm có thể tăng còn cung tiền lại thấp hơn.
“Hiện nay, cung tiền chỉ tăng 12% so với cùng kỳ. Nếu không đẩy mạnh tăng cung tiền thì lãi suất lại có xu hướng nhích lên chứ không phải giảm đi”, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên tại Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, nhận định.
Phân tích thêm về câu chuyện tăng trưởng tín dụng, ông Thành cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng có thể đang vượt qua nhu cầu thực tế của nền kinh tế. GDP tăng trưởng 7%, lạm phát 3% thì tăng trưởng GDP danh nghĩa 10%, tín dụng cũng chỉ cần 10%. Tín dụng tăng trưởng 15% là để thúc đẩy tăng trưởng, vừa giúp giải quyết các khó khăn tài chính của nền kinh tế...
“Nhưng cứ thế, rủi ro lại chồng chất, tiềm ẩn. Với một nền kinh tế mở, trong nước dùng các liệu pháp hỗ trợ tăng trưởng mạnh tay thì phải sống trong rủi ro cao”, vị chuyên gia cảnh báo.
Nhìn nhận trên góc độ phân tích dữ liệu, ông Trần Ngọc Báu, Tổng Giám đốc của Công ty Cổ phần Dữ liệu Kinh tế Tài chính WiGroup, cho rằng chính vì tỷ giá bớt áp lực, đã giúp NHNN có điều kiện nới lỏng chính sách tiền tệ. Hiện tại, những lãi suất điều hành mang tính thị trường như OMO, tín phiếu đã giảm.
Tuy nhiên, ông Báu cho rằng các cơ quan quản lý đang tập trung quá nhiều vào câu chuyện tăng trưởng tín dụng, nhưng tăng trưởng huy động và cung tiền đang rất thấp so với tín dụng, tạo nên rủi ro. Đây là vấn đề mà ngành ngân hàng và nền kinh tế phải quan tâm.
“Ở thị trường 1, hệ thống ngân hàng có thể không thể giảm lãi suất trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng quá nhanh nhưng huy động đầu vào lại khó, gây áp lực lên chi phí vốn", ông Báu nhấn mạnh.