Thủ tướng làm việc với TP.HCM về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
(DNTO) - Chiều 27/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với UBND TP.HCM về phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân đầu tư công và tiến độ triển khai công trình trọng điểm.
Phát biểu khai mạc cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Từng là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất cả nước bởi dịch Covid-19, đến nay, tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM đạt được những kết quả "đáng kinh ngạc".
Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 ước tăng hơn 9% (năm 2021 giảm 6,78%) và vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2022 là 6 - 6,5%).
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của thành phố ước tăng 17,3% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp TP.HCM ước đạt 66,2 tỷ USD, tăng 10%.
Bên cạnh đó, công tác thu ngân sách Nhà nước của TP.HCM cũng đạt kết quả khả quan, ước đạt 457,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 1/3 tổng thu ngân sách cả nước), vượt 18,4% dự toán được giao và tăng hơn 17% so với cùng kỳ.
An sinh xã hội được quan tâm, hoạt động đối ngoại tiếp tục đẩy mạnh, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, TP.HCM đã đóng góp quan trọng vào thành quả chung của cả nước, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát (dưới 3% trong 10 tháng). Tăng trưởng kinh tế 9 tháng của TP.HCM đạt 8,83%, các cân đối lớn được bảo đảm: thu đủ chi, vượt thu so với kế hoạch; xuất đủ nhập (đến hết tháng 10, cả nước xuất siêu 9,4 tỷ USD).
Nhấn mạnh về yếu tố cân đối lương thực (xuất khẩu nông sản đạt 45 tỷ USD, xuất khẩu gạo hơn 7 triệu tấn), Thủ tướng cho biết thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo phát triển ngành nông nghiệp, giữ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là mặt hàng ăn uống chiếm tỷ lệ không nhỏ trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá.
Thủ tướng lấy ví dụ, về điều hành giá thị lợn khi giá mặt hàng này sụt giảm mạnh, với mục tiêu để người nông dân yên tâm sản xuất, bảo đảm nguồn cung, nhất là chuẩn bị vào dịp cuối năm, dịp Tết sắp tới, Chính phủ đã có những biện pháp kịp thời, phù hợp. "Việc này phải tuân thủ quy luật thị trường nhưng khi cần thiết, Nhà nước phải can thiệp để không xảy ra khủng hoảng", Thủ tướng nêu rõ.
Về các bất cập, khó khăn liên quan đến thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần làm lành mạnh hóa thị trường, theo đúng quy định của pháp luật.
"Có nhiều việc phải xử lý, giải quyết để hỗ trợ, tạo điều kiện cho TP.HCM phát triển nhưng cần chọn một số việc xử lý trước. Đó là giải ngân vốn đầu tư công, một trong những điểm yếu của hệ thống trong nhiều năm và năm nay, việc giải ngân càng cần thiết, có ý nghĩa quan trọng", Thủ tướng nhấn mạnh.
Vì vậy, Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành với TP.HCM để tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, cùng Thành phố đưa nguồn lực này vào phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố cũng như cả nước.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng và đoàn công tác Chính phủ nghe Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trình bày tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội, kết quả giải ngân đầu tư công, tiến độ triển khai các công trình trọng điểm.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, tính đến ngày 25/11, TP.HCM mới giải ngân hơn 34% vốn đầu tư công (hơn 12.600 tỉ đồng trên 37.500 tỉ đồng). Theo cam kết của các chủ đầu tư, dự kiến hết năm nay, TPHCM giải ngân được 76,7% vốn đầu tư công.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã kiến nghị Thủ tướng, các bộ liên quan tháo gỡ khó khăn cho một số dự án trọng điểm về thủ tục, vốn, mặt bằng. Cụ thể, tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) hiện đã đạt gần 93% khối lượng, dự kiến hoàn thành năm 2023.
TP..HCM kiến nghị Bộ Kế hoạch – Đầu tư và các Bộ ngành liên quan quan tâm, hướng dẫn và hỗ trợ thành phố hoàn tất thủ tục, trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương điều chỉnh thời gian thực hiện dự án hoàn thành vào cuối quý 4/2023.
Bộ Tài chính xem xét, tham mưu Thủ tướng chấp thuận chủ trương bổ sung vốn điều lệ cho Công ty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 TPHCM (Công ty HURC1) là 268 tỉ đồng.
Đối với dự án metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương), hiện tỉ lệ bàn giao mặt bằng đến nay đạt 85,45% (501/586 trường họp). Dự kiến di dời hạ tầng kỹ thuật (điện, viễn thông,..) cuối năm 2022, hoàn thành năm 2024 để bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu thi công vào năm 2025.
Với dự án này, TPHCM kiến nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư báo cáo Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh thời gian hoàn thành và đưa vào khai thác là năm 2030.
Ngoài ra, thành phố kiến nghị Chính phủ trao đổi với phía Đức tiếp tục có chỉ đạo các cơ quan hữu quan (Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Liên bang Đức, Ngân hàng KfW) tiếp tục tái cam kết và thúc đẩy thu xếp tài chính cho dự án và các khoản vay bổ sung.
Dự án vành đai 3 trên địa bàn TP.HCM đang hoàn tất các thủ tục để phê duyệt hai dự án thành phần (xây lắp và bồi thường) trước ngày 30/11/2022.
TP.HCM đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 30.6.2023 và cơ bản bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trước ngày 31.12.2023.
TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư tham mưu giao bổ sung vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho TP.HCM (ngoài nguồn vốn 142.557 tỉ đồng đã giao) để bổ sung cho dự án trên địa bàn thành phố là 19.449 tỉ đồng.
Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, hiện TP.HCM đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo HĐND TP.HCM thống nhất chủ trương thông qua nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.
Với dự án đầu tư xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa, TP.HCM dự kiến khởi công trong tháng 12 năm nay và hoàn thành tháng 9 năm 2024 để đồng bộ với dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất...