Thế trận quyền lực hàng hóa mới - Bài 1: Nhu cầu năng lượng mới
(DNTO) - Với công cuộc trung chuyển sang năng lượng sạch đang diễn ra khắp thế giới, một thế trận quyền lực mới đang được thành lập bởi những quốc gia có khả năng khai thác, sản xuất nguyên liệu then chốt cho ngành năng lượng.
Tràn ngập trên mảnh đất nâu đỏ của mỏ Tenke-Fungurume, tọa lạc tại Cộng hòa Dân chủ Congo, là hàng chục ngàn túi hàng bụi bặm. Bên trong những túi hàng đó là bột cobalt hydroxide, nguyên liệu chính trong pin của xe điện.
Congo là quốc gia có sản lượng cobalt lớn nhất thế giới, đang tìm cách ấn định vị thế của họ. Chính quyền nơi đây đang tiến hành một cuộc kiểm duyệt khắt khe đối với các mỏ liên hợp cùng những nhà đầu tư nước ngoài.
CMOC, công ty Trung Quốc vận hành mỏ Tenke-Fungurume đã phải đồng ý trả 800 triệu đô la để giải quyết tranh chấp về thuế khiến họ bị cấm xuất khẩu trong 10 tháng trước đó.
“Chúng tôi vẫn chưa hài lòng” - Guy Robert Lukama, người đứng đầu công ty khai thác của nhà nước Congo, Gécamines, cho biết. Ông muốn tăng số lượng việc làm, tăng doanh thu và đưa quyền kiểm soát các hoạt động khai thác khoáng sản giá trị cao trở về với chính quyền Congo.
Nhu cầu năng lượng mới
Cộng hòa Dân chủ Congo không phải là quốc gia duy nhất đang tìm cách “xưng hùng” như thế. Khi cả thế giới đang theo đuổi công cuộc trung chuyển từ năng lượng hóa thạch sang điện và các loại năng lượng tái chế, nhu cầu khổng lồ cho hàng hóa nguyên liệu như đồng, cobalt, nickel và lithium đã thay đổi số mệnh của các quốc gia có khả năng sản xuất chúng.
Việc khai thác các khoáng sản đặc biệt này tập trung chỉ trong vài quốc gia. Đối với cobalt, Congo chiếm đến 70% sản lượng thế giới. Indonesia, Philippines và Nga chiếm ⅔ sản lượng nickel. Còn với lithium, ba quốc gia Úc, Chile và Trung Quốc chiếm đến 90% sản lượng thế giới.
Nhu cầu cho các khoáng sản then chốt này đang tăng chóng mặt, vượt qua khả năng cung cấp từ các mỏ hiện có. Đến cuối thập kỷ này, thị trường lithium sẽ tăng gấp ba, trong khi nguồn cung đồng sẽ thiếu hụt 2,4 tấn - theo dữ liệu của International Energy Agency.
Chiều hướng nhu cầu dâng cao như thế đang ảnh hưởng đến “thế trận” địa chính trị và kinh tế trên toàn thế giới.
Cường quốc khoáng sản
Chuỗi cung ứng các khoáng sản và kim loại đang vướng vào tranh chấp giữa các quốc gia phương Tây và Trung Quốc, vốn thống trị dây chuyền xử lý quặng lithium, cobalt và đất hiếm. Từ chính phủ Washington cho đến Brussels, hay Tokyo đều đang tìm kiếm các nguồn cung ứng khác nằm ngoài “quỹ đạo” của Trung Quốc.
Thế là các quốc gia đang phát triển nhỏ nhoi, có quá khứ bị bóc lột trong thời kỳ thuộc địa, nay bỗng dưng có tiếng nói mang ảnh hưởng nhiều hơn bao giờ hết. Nay, những "cường quốc khoáng sản" này muốn viết lại "luật khai thác".
Nhiều nước trong số đó muốn tăng thêm giá trị từ khoáng sản được khai thác, bằng cách giữ dây chuyền xử lý và sản xuất ở lại trong nước. Một số khác tìm cách nắm quyền điều khiển nguồn cung, quốc hữu hóa các nguồn quặng, đưa ra các chính sách điều khiển xuất khẩu và thậm chí còn đề xuất thành lập các tổ chức độc quyền.
Chỉ trong 12 tháng qua, Zimbabwe và Namibia đã cấm xuất khẩu lithium thô; Chile tăng cường kiểm soát đối với khai thác lithium; trong khi Mexico nhúng ngành công nghiệp lithium non trẻ của họ vào tình trạng bấp bênh với một loạt kiểm định về nhượng quyền khai thác. Trong khi đó, Indonesia bổ sung các biện pháp kiểm soát xuất khẩu bauxite (một thành phần chính trong nhôm), kèm với lệnh cấm xuất khẩu quặng nickel thô đã có từ trước.
Jakob Stausholm, Giám đốc điều hành của Rio Tinto, công ty khai thác khoáng sản đang trong vòng đàm phán với Chile và Mông Cổ, cho biết: “Việc khai thác và xuất khẩu sẽ ngày càng khó khăn hơn, bởi các quốc gia thường muốn lập cơ sở xử lý đi kèm với khai thác ngay tại nước họ”.
“Cơn sóng ngầm” mang quyền lực đến các quốc gia sản xuất nguyên liệu then chốt cho pin điện như thế này không phải là mới. Nó cũng tương tự như khi ngành khai thác than đá trỗi dậy vào thế kỷ 19, hay làn sóng khai thác thiếc của thế kỷ 20. Nhưng vẫn chưa rõ liệu các quốc gia ấy có thể tận dụng cơ hội này đến mức nào, và được bao lâu.