Tăng trưởng kinh tế
(DNTO) - Tăng trưởng kinh tế là một nội dung cơ bản và là điều kiện trọng yếu có ý nghĩa rất to lớn đối với sự thịnh vượng chung của cộng đồng xã hội, của một khu vực, vùng miền hoặc của một quốc gia.
Lịch sử phát triển của xã hội loài người trước hết bắt nguồn từ sự tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế có tác động mạnh mẽ và quyết định đối với tiến bộ xã hội. Tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng tổng sản lượng thực tế của một nền kinh tế theo một thời gian nhất định, là sự lớn lên của một cơ thể kinh tế - xã hội. Sự tăng trưởng kinh tế thường được đo bằng sự gia tăng của tổng sản phẩm quốc gia (GNP) hoặc tổng sản lượng quốc nội (GDP) theo thời gian hoặc tăng thu nhập theo đầu người.
Đạt được một tỷ lệ cao trong tăng trưởng kinh tế là một trong bốn mục tiêu cơ bản của chính sách kinh tế vĩ mô. Tăng trưởng kinh tế là một nội dung cơ bản và là điều kiện trọng yếu có ý nghĩa rất to lớn đối với sự thịnh vượng chung của cộng đồng xã hội, của một khu vực, vùng miền hoặc của một quốc gia. Sự tăng trưởng được đặc biệt quan tâm không chỉ vì nó giúp cho cộng đồng có nhiều hàng hóa, vật phẩm và dịch vụ cung ứng cho các quá trình sản xuất và trong đời sống xã hội, mà nó còn cung cấp một khối lượng lớn các hàng hóa và dịch vụ đa dạng, phong phú, đáp ứng các nhu cầu muôn vẻ ngày càng cao cho tất cả cộng đồng cũng như cho mỗi người để bảo đảm các điều kiện cải thiện thực sự mức sống.
Muốn bảo đảm có sự tăng trưởng và tạo điều kiện để có thể tăng trưởng liên tục, các nền kinh tế cần phải được tăng cường và phát huy một số yếu tố sau:
Một là, cần tăng cường và phát triển tư liệu sản xuất, đặc biệt là những tư liệu sản xuất tiên tiến. Chính các tư liệu sản xuất tiên tiến cùng với công nghệ tiên tiến và cách quản lý, quản trị tiên tiến sẽ tạo ra năng suất lao động xã hội cao, làm tăng mạnh mẽ các sản phẩm cho xã hội. Quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế thế giới cho thấy cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật và công nghệ đang có tác dụng hết sức sâu sắc tới mọi mặt của đời sống xã hội, tạo ra năng suất lao động cao hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn. Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư vừa đang vẫy gọi, vừa là những thách đố nghiêm túc đối với mọi nền kinh tế của thế giới. Nếu tận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng này một cách hiệu quả, tăng trưởng kinh tế sẽ vượt lên và ngược lại, sẽ bị tụt hậu trong một thế giới phát triển không ngừng.
Hai là, thu hút thật nhiều các nguồn lực đầu tư cho sản xuất. Làm sao để mọi nguồn lực trong đó đặc biệt là tiền của và trí tuệ đều được huy động vào trong sản xuất và phục vụ đời sống văn hóa, xã hội. Sản xuất lớn với công nghệ hiện đại cần đến nguồn lực vượt trội. Vậy nên cần thực hiện cần kiệm, tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng để dành vốn cho đầu tư phát triển, đồng thời huy động tối đa nguồn vốn trong các tầng lớp dân cư trong nước, kết hợp với thu hút vốn từ bên ngoài đưa vào đầu tư phát triển.
Ba là, tăng cường số lượng và đặc biệt là chất lượng lao động. Muốn tăng trưởng kinh tế phải mở rộng và đầu tư chiều sâu cho sản xuất, phát triển nhiều ngành nghề mới. Tất cả điều đó đòi hỏi phải gia tăng số lượng, nhất là chất lượng đội ngũ lao động. Vấn đề quan trọng hàng đầu để làm tốt việc này là đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, tăng cường nguồn lao động chất lượng cao mang tính quyết định cho sản xuất và tăng trưởng kinh tế.
Bốn là, phải biết khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và lợi thế về địa kinh tế. Đây là yếu tố mà không phải nước nào, vùng nào cũng có thế mạnh và càng không phải ở đâu cũng có ý thức và trình độ khai thác sử dụng đúng đắn, có hiệu quả. Do có nguồn tài nguyên hoặc lợi thế về vị trí địa lý, giao thông vận tải, có những vùng đất, vùng quê biết tận dụng và khai thác được thế mạnh của thiên nhiên mà bỗng chốc phát triển vượt bậc, tốc độ tăng trưởng đột biến. Ngược lại, có những nơi đang sầm uất, đang tấp nập thì có khi lại bị tàn lụi, bị kinh tế thị trường bỏ rơi.
Năm là, vấn đề dân số cũng có ảnh hưởng quan trọng đến tăng trưởng kinh tế. Khi kinh tế tăng trưởng mà dân số cũng tăng ở mức tương ứng thì thu nhập bình quân đầu người vẫn đứng im. Theo tính toán của các nhà khoa học, đối với các nước đang phát triển, nếu mức tăng dân số là 1% mỗi năm thì GDP tăng 2% vẫn chỉ bù đắp cho số dân tăng lên, GDP tăng 3% trở lên thì đời sống nhân dân mới được gọi là cải thiện. Chính sách dân số là nhân tố có tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế. Vấn đề cần quan tâm là bảo đảm mức tăng dân số hợp lý, làm sao đất nước luôn ở trạng thái “dân số vàng” hoặc “dân số bạc”, tránh hiện tượng già hóa dân số dẫn đến thâm hụt lao động kéo dài.
Gần 35 năm đổi mới đất nước với những thành tựu rất to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đã đưa đất nước ta có bước phát triển mới ngoạn mục, tích tụ những điều kiện và khả năng cho một cuộc bứt phá vươn tầm. Đổi mới thực sự là công cuộc giải phóng năng lực sản xuất, là động lực quyết định đến tăng trưởng kinh tế, làm thay đổi bộ mặt xã hội, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, chính trị ổn định, định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng sâu đậm, vai trò lãnh đạo của Đảng được tăng cường, quốc phòng an ninh được củng cố vững chắc, quan hệ hợp tác quốc tế ngày càng phát triển và đẩy mạnh thêm.
Thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới đạt được đã chứng tỏ năng lực sáng tạo cách mạng của Đảng ta và nhân dân ta là vô cùng to lớn. Đến lượt nó, đổi mới đã mang đến cho chúng ta một luồng sinh khí mới, tạo cho đất nước ta một thế mới, lực mới, gia tốc mới. Đó là tổng hợp những thành tựu to lớn mà công cuộc đổi mới đã đạt được, là kết quả của việc phát triển mọi mặt do sự thông thoáng trong nước cùng với mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác với bên ngoài.
Vấn đề cốt lõi trong những thành tựu kể trên chính là sự tăng trưởng của nền kinh tế liên tục ở mức cao. Tăng trưởng kinh tế đã tạo tiền đề cho tất cả các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước phát triển không ngừng.
Tiếp tục hành trình đổi mới, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII vừa qua, nền kinh tế nước ta đã có bước phát triển mới, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; hội nhập kinh tế quốc tế phát triển sâu, rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương thế hệ mới; xuất, nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Trong năm 2020, đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ nghiêm trọng ở các tỉnh miền Trung đã tác động hết sức nặng nề đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội của đất nước và làm giảm nhịp độ tăng trưởng kinh tế 5 năm qua. Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016-2020 vẫn đạt gần 6%/năm. Quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người ước đạt 2.750 USD/người/năm; chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011-2015 lên 5,8%/năm giai đoạn 2016-2020.
Phát huy những thành tựu đã đạt được, trên cơ sở khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta có đủ mọi điều kiện để phát triển kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững. Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã nêu mục tiêu: phấn đấu đến năm 2025 trở thành nước phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Với hướng đi đúng đắn và quyết tâm chính trị cao trên cơ sở ý Đảng lòng dân hòa nhập, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta nhất định liên tục tăng trưởng ở mức cao, đất nước ta nhất định sẽ lập kỳ tích phát triển bền vững, vươn tầm, tiến theo nhịp bước của thời đại.