Phát triển bền vững – sự quan tâm của toàn nhân loại
(DNTO) - Trên nhiều diễn đàn và văn kiện của cộng đồng quốc tế cũng như trong các chính sách chương trình hành động của các quốc gia, vấn đề phát triển bền vững đang nổi lên như một trong những mối quan tâm hàng đầu của toàn nhân loại.
Điều này cũng thật dễ hiểu bởi trên bình diện toàn thế giới hay tại mỗi khu vực và ở mỗi quốc gia, đã xuất hiện biết bao vấn đề bức xúc lại mang tính phổ biến. Đó là con người từng bước làm chủ thiên nhiên nhưng lại có nhiều bước hơn trong việc huỷ hoại tàn phá tự nhiên. Vậy nên dường như kinh tế càng phát triển thì tình trạng khan hiếm các loại nguyên liệu, năng lượng do sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên không tái tạo được ngày càng tăng thêm, môi trường thiên nhiên càng bị huỷ hoại, cân bằng sinh thái bị phá vỡ, dẫn tới sự trả thù của thiên nhiên gây ra những thiên tai vô cùng thảm khốc.
Đó là sự tăng trưởng và phát triển kinh tế không cùng nhịp với tiến bộ và phát triển xã hội, đôi khi ngược chiều với phát triển xã hội. Cụ thể là, có tăng trưởng kinh tế nhưng không có tiến bộ và công bằng xã hội; tăng trưởng kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, đô thị hoá, dẫn tới làm méo mó nông thôn; tăng trưởng kinh tế nhưng thu nhập của người lao động không tăng; tăng trưởng kinh tế nhưng văn hoá, đạo đức bị suy đồi; tăng trưởng kinh tế lại làm dãn cách hơn sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội, dẫn tới sự bất ổn trong xã hội và điều này đã trở thành một trong những vấn đề nóng bỏng ở nhiều quốc gia. Vậy nên, quá trình phát triển có s
Vậy phát triển bền vững được hiểu như thế nào? Quan niệm về phát triển bền vững dần được hình thành từ thực tiễn đời sống xã hội và có tính tất yếu. Để sản xuất ra của cải vật chất, con người phải giải quyết hai mối quan hệ rất cơ bản. Một là, quan hệ giữa người với tự nhiên, giữa lao động và đối tượng lao động. Hai là, quan hệ giữa người với người trong xã hội và rộng ra nữa là quan hệ xã hội. Từ hai mối quan hệ tất nhiên và hữu cơ nhưng đầy mâu thuẫn đó, nhân loại ngày càng nhận thức rõ nét: tài nguyên, môi trường vừa là nền tảng của sự phát triển kinh tế - xã hội, vừa là bộ phận cấu thành của toàn hệ thống hình thái kinh tế - xã hội. Do đó, tài nguyên, môi trường luôn chịu sự tác động trực tiếp của con người, của xã hội và đến lượt nó, những hậu quả của sự tác động đó có thể trở thành những động lực cho sự phát triển hoặc kìm hãm sự phát triển.
Sức sản xuất của xã hội phát triển không ngừng và các nền kinh tế toàn cầu không ngừng tăng tốc, một mặt đã tô đẹp bức tranh toàn cầu, nhưng mặt khác lại nảy sinh nhiều hệ lụy trong mối quan hệ biện chứng và nhân quả giữa con người với môi sinh và các bất ổn trong đời sống xã hội. Đó là sự quá tải với sức chịu đựng của thiên nhiên, là sự cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường; là hiện tượng phát triển quá mức và mất cân đối về dân số trong khi điều tiết phân phối còn bất đình đẳng, nghèo đói gia tăng; tình trạng thất nghiệp, thất học, dịch bệnh đang diễn ra thường xuyên ở nhiều nơi trên trái đất.
Thực tiễn bắt đầu từ đâu, tư duy bắt đầu từ đó. Tư duy về phát triển bền vững manh nha trong cả quá trình sản xuất xã hội và bắt đầu từ việc nhìn nhận tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và tiếp đó là nhận ra sự cần thiết phải giải quyết những bất ổn trong xã hội. Chính vì thế, tới những năm 70 của thế kỷ trước, thuật ngữ “phát triển bền vững” hay “phát triển lâu bền” đã chính thức xuất hiện. Tới những năm 80 xuất hiện công trình mang tính khoa học và thực tiễn có sức thuyết phục “chiến lược bảo tồn thế giới” do Liên minh Bảo tồn thế giới (IUCN), Quỹ động vật hoang dã (WWF) và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phối hợp thực hiện. Trong công trình đó, tiêu đề phụ của chiến lược là “Bảo vệ tài nguyên sinh vật để phát triển bền vững” đã bước đầu nêu được nội hàm của phát triển bền vững.
Năm 1983, Liên hợp quốc đã thành lập một Uỷ ban quốc tế đề xuất chiến lược phát triển bền vững và năm 1987, Uỷ ban này đã có bản báo cáo “Tương lai chung của chúng ta”. Trong bản báo cáo đó, nội dung phát triển bền vững được trình bày “Là sự phát triển hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường nhằm đáp ứng yêu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến nhu cầu của thế hệ tương lai”. Cũng trong báo cáo này, còn nhấn mạnh và cụ thể hơn: “Phát triển bền vững là một quá trình của sự thay đổi mà trong đó là sự khai thác tài nguyên, phương hướng đầu tư, định hướng phát triển kỹ thuật và sự thay đổi về luật pháp đều làm hài hoà và gia tăng khả năng đáp ứng nhu cầu và khát vọng của nhân loại trong cả hiện tại và tương lai”.
Năm 1992, Hội nghị thượng đỉnh về trái đất của Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển ở Rio de Janeiro đề ra Chương trình nghị sự toàn cầu cho thế kỷ XXI, được gọi là Chương trình nghị sự 21. Tại Chương trình nghị sự này, phát triển bền vững được xác định là: “Một sự phát triển thoả mãn những nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm hại đến khả năng đáp ứng những nhu cầu của thế hệ tương lai”. Hội nghị khẳng định quan điểm phát triển theo phương thức bảo đảm kết hợp hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, xoá đói giảm nghèo, công bằng xã hội, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bền vững về môi trường, coi con người là trọng tâm của các quan hệ về phát triển bền vững.
Có thể coi khái niệm phát triển bền vững là khái niệm đa phương diện với nhiều lĩnh vực có quan hệ với nhau bao gồm các nhân tố về môi trường sinh thái, về kinh tế và công nghệ, về xã hội và văn hoá, về đạo đức và chính trị. Từ quan niệm về phát triển bền vững, Hội nghị thượng đỉnh Rio de Janeiro 1992 cũng đã xác định ba trụ cột phát triển bền vững: Thứ nhất, bền vững về mặt kinh tế, hay phát triển kinh tế bền vững là phát triển nhanh và an toàn, chất lượng; Thứ hai, bền vững về mặt xã hội là công bằng xã hội và phát triển con người, chỉ số phát triển con người (HDI) là tiêu chí cao nhất về phát triển xã hội, bao gồm: thu nhập bình quân đầu người; trình độ dân trí, giáo dục, sức khoẻ, tuổi thọ, mức hưởng thụ về văn hoá, văn minh; Thứ ba, bền vững về sinh thái môi trường là khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng môi trường sống.
Từ nội hàm quan niệm về phát triển bền vững, có thể thấy vô vàn những thành tố bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Cho tới nay, quan niệm về phát triển bền vững trên bình diện quốc tế có sự thống nhất chung và mục tiêu để thực hiện phát triển bền vững trở thành mục tiêu thiên niên kỷ.
Ở Việt Nam, chủ đề phát triển bền vững cũng đã được chú ý nhiều trong giới nghiên cứu cũng như những nhà hoạch định đường lối, chính sách. Quan niệm về phát triển bền vững thường được tiếp cận theo hai khía cạnh. Một là, phát triển bền vững là phát triển trong mối quan hệ duy trì những giá trị môi trường sống, coi giá trị môi trường sinh thái là một trong những yếu tố cấu thành những giá trị cao nhất cần đạt tới của sự phát triển; Hai là, phát triển bền vững là sự phát triển dài hạn, cho hôm nay và cho mai sau và phát triển hôm nay không làm ảnh hưởng tới mai sau.
Trong mục 4 điều 3 bộ Luật Bảo vệ môi trường của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phát triển bền vững được định nghĩa: “Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường”. Đây là định nghĩa có tính tổng quát, nêu bật những yêu cầu và mục tiêu trọng yếu nhất của phát triển bền vững, phù hợp với điều kiện và tình hình ở Việt Nam.