Sự kiện One Mount Group và bài toán nuôi dưỡng các ‘sếu đầu đàn’
(DNTO) - Không chỉ One Mount Group, nhiều tập đoàn trong nước như FPT, Vingroup, Petrovietnam, EVN, VEC... đã được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao nhiều dự án quan trọng. Điều này cho thấy tiềm lực của doanh nghiệp trong nước đang lớn dần, có thể đảm đương các công việc vốn là thế mạnh của các tập đoàn quốc tế.
Đầu năm 2025, sự kiện One Mount Group, một thành viên trong Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đã được Tổng Bí thư Tô Lâm giao nhiệm vụ xây dựng mạng Blockchain Layer 1 "Make in Vietnam". Sự kiện này mở màn cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên mà những doanh nghiệp nội địa sẽ được tạo điều kiện tham gia sâu hơn vào các lĩnh vực kinh tế trọng tâm, trọng điểm khi Nhà nước sẵn sàng giao đề bài, giao bài toán của mình cho khối doanh nghiệp.
Thực tế, nhiều tập đoàn đa quốc gia trên thế giới đã phát triển mạnh mẽ nhờ vào các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nội địa của chính phủ nước họ.
Trong những năm 1960 và 1970, chính phủ Hàn Quốc đã triển khai các chính sách công nghiệp hóa và hỗ trợ các tập đoàn lớn, được gọi là "chaebol", trong đó có Samsung. Các chính sách này bao gồm ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính và bảo hộ thị trường nội địa, giúp Samsung mở rộng hoạt động từ lĩnh vực thương mại sang sản xuất và công nghệ cao. Nhờ sự hỗ trợ này, Samsung đã phát triển thành một tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin và viễn thông.
Sau Thế chiến II, chính phủ Nhật Bản đã thực hiện các chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô, bao gồm việc bảo hộ thị trường nội địa, cung cấp vốn vay ưu đãi và đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Toyota đã nhận được sự hỗ trợ này để cải tiến công nghệ và mở rộng sản xuất. Toyota đã trở thành một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới.
Trung Quốc đã triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ cao, bao gồm ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính và tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu và phát triển. Huawei đã tận dụng các chính sách này để đầu tư mạnh mẽ vào R&D và mở rộng thị trường. Kết quả, Huawei đã trở thành một trong những công ty công nghệ hàng đầu thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực viễn thông và thiết bị di động.
Ở Việt Nam, FPT Software đã nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách khuyến khích phát triển ngành công nghệ thông tin của Việt Nam, bao gồm ưu đãi thuế và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực. Năm 2023, FPT Software trở thành doanh nghiệp công nghệ đầu tiên của Việt Nam đạt doanh thu 1 tỷ USD từ xuất khẩu phần mềm, ghi dấu ấn trí tuệ Việt trên toàn cầu.
Những thực tế trên cho thấy nếu có chính sách khuyến khích, thuận lợi, doanh nghiệp nội địa hoàn toàn có thể từ ZERO đến HERO (từ số 0 đến anh hùng). Bởi doanh nghiệp nội địa đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Họ không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn góp phần vào việc ổn định xã hội và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp nội địa là một chiến lược quan trọng để đảm bảo sự thịnh vượng và tiến bộ của quốc gia.
Ở khía cạnh khác, các doanh nghiệp nội địa sau hàng chục năm phát triển cũng đủ năng lực để đảm đương các dự án trọng điểm. Trong năm 2024, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã cơ bản hoàn thành công tác quyết toán tại các dự án quan trọng như Cầu Giẽ - Ninh Bình và Nội Bài – Lào Cai, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông quốc gia.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn thành dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối sau hơn 6 tháng thi công, nhanh hơn nhiều so với các dự án tương tự trước đây, góp phần tăng cường hạ tầng truyền tải điện quốc gia.
Chính vì vậy, trong phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân sáng 4/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo đã tự tin giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Tập đoàn Công nghiệp năng lượng Quốc gia (Petrovietnam) làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2; với yêu cầu phấn đấu hoàn thành dự án trước 31/12/2030.
Tuy vậy, sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài tạo ra áp lực cạnh tranh lớn đối với doanh nghiệp nội địa, đặc biệt trong việc giữ vững thị phần và nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhìn vào số liệu xuất khẩu trong năm 2024 có thể thấy, xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) vẫn chiếm phần lớn, trên 70%.
Số lượng doanh nghiệp “sếu đầu đàn” ở Việt Nam đủ sức nhận các dự án lớn còn hạn chế. Trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, chiếm 98% số lượng doanh nghiệp hiện gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, công nghệ và nhân lực chất lượng cao, ảnh hưởng đến khả năng mở rộng và phát triển.
Vì vậy, song song với việc mở ra cơ hội cho doanh nghiệp nội địa giải quyết bài toán của nền kinh tế, cần tạo ra một hệ sinh thái trong nước đủ mạnh. Trong hệ sinh thái đó cần có sự liên kết hợp tác chặt chẽ giữa khối cơ quan nhà nước (chính sách, cơ chế), khối viện trường (đào tạo, phát triển nguồn nhân lực), khối doanh nghiệp “sếu đầu đàn” (dẫn dắt công nghệ, R&D), doanh nghiệp FDI (vốn, quản trị) và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, startup (nhà cung ứng). rong bối cảnh kinh tế Việt Nam, việc thúc đẩy các doanh nghiệp nội địa trở thành "sếu đầu đàn" là mục tiêu chiến lược để cạnh tranh và hội nhập quốc tế.