Ngành cơ khí chưa có nhiều 'sếu đầu đàn' có khả năng làm tổng thầu
(DNTO) - Thị trường cho ngành cơ khí rất lớn như đường sắt đô thị, năng lượng tái tạo, sản xuất nguyên liệu…, nhưng chúng ta đang yếu thế trước doanh nghiệp FDI.
Thiếu doanh nghiệp lớn dẫn dắt
Theo Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI), cả nước có khoảng 3.100 doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo với 53.000 cơ sở sản xuất, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam. Các sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước hiện chỉ chiếm khoảng 7% thị trường.
Trao đổi tại Tọa đàm “Đa dạng thị trường, phát triển sản phẩm cơ khí” hôm 9/12, TS. Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí, Bộ Công Thương cho biết thị trường cơ khí trong nước đã có sự chuyển biến rất tốt cả về lượng và chất.
Ví dụ trước đây, dây chuyền sản xuất ô tô, xe máy hầu hết do đơn vị nước ngoài đảm nhiệm như Honda, Toyota, Hyundai. Bắt đầu từ năm 2012, Viện này đã cử đoàn kĩ sư học hỏi kinh nghiệm từ Nhật, Hàn. Đến hiện nay đã có thể tự chủ trong thiết kế, chế tạo dây chuyền lắp ráp ô tô, tỷ lệ nội địa hóa 85- 95%. Điển hình là lắp ráp dây chuyền sản xuất ô tô cho Vinfast, Thành Công, Thaco…
Tuy nhiên, để đáp ứng thị trường cơ khí trong nước và xuất khẩu thì còn rất khiêm tốn. Đặc biệt trong lĩnh vực thiết bị toàn bộ, các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, năng lượng tái tạo, xi măng, sản xuất nguyên liệu, chúng ta mới đáp ứng chưa tới 30% nhu cầu thiết bị.
Nguyên nhân được ông Phong chỉ ra là do chúng ta chưa có nhiều doanh nghiệp “sếu đầu đàn”, sở hữu những công nghệ nguồn, đủ năng lực kinh nghiệm để thực hiện dự án trọn gói. Chỉ khi có doanh nghiệp đủ năng lực làm tổng thầu, chúng ta mới phát triển thiết bị phụ trợ của dây chuyền thiết bị.
“Ví dụ trong lĩnh vực đường sắt đô thị hay nhà máy điện khí chưa có doanh nghiệp trong nước đủ năng lực làm tổng thầu, trọn gói. Nếu để nước ngoài làm tổng thầu, họ sẽ đi thuê lại các nhà thầu phụ nước ngoài hoặc trong chuỗi của họ ở Việt Nam. Như vậy chúng ta sẽ rất bị động trong việc phát triển các thiết bị phụ trợ”, ông Phong phân tích.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Cường - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội các doanh nghiệp trong nước chủ yếu sản xuất linh phụ kiện chi tiết cung cấp cho doanh nghiệp FDI ở Việt Nam, một phần sản lượng dành cho xuất khẩu. Còn doanh nghiệp có sản phẩm “Made in Vietnam” còn hạn chế, đếm trên đầu ngón tay như sản phẩm xe máy Vinfast, nồi hơi Đông Anh, các sản phẩm trung hạ thế…
“Ngành sản xuất cơ khí cần đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc trang thiết bị, xây dựng hệ thống quy trình và phải có đơn hàng để xây dựng hệ thống quy trình đó. Điều này cần tới 2-5 năm, do vậy doanh nghiệp trong ngành rất khó khăn về nguồn vốn, trước hết là vốn đất đai, nhà xưởng, sau đó là vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị…”, ông Cường cho biết.
Chính sách cần được thẩm thấu vào thực tiễn
Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, cho biết ngành sản xuất cơ khí cần đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc trang thiết bị, xây dựng hệ thống quy trình và phải có đơn hàng để xây dựng hệ thống quy trình đó. Điều này cần tới 2-5 năm, do vậy doanh nghiệp trong ngành rất khó khăn về nguồn vốn, trước hết là vốn đất đai, nhà xưởng, sau đó là vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị…
“Đa số doanh nghiệp hiện tại vẫn dựa vào việc vay vốn ngân hàng và các tổ chức tài chính để đầu tư. Quá trình thu hồi vốn kéo dài 5-7 năm. Với lãi suất 5%, sau 10 năm giá trị đầu tư là 50%. Nếu có nguồn quỹ đất dành riêng cho doanh nghiệp miễn phí thuế hoặc nguồn vốn vay lãi suất thấp, 0% trong một thời gian nhất định, thì doanh nghiệp sẽ có lợi thế hơn rất nhiều. Nhật Bản đã từng có chính sách như vậy.
Thực tế, cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nghị quyết 29 về đẩy mạnh hiện đại hóa công nghiệp hóa đề ra 6 công nghiệp nền tảng phải tập trung phát triển, trong đó có ngành cơ khí. Hay Quyết định 319 về Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, quy định cơ chế chính sách, sản phẩm cơ khí trọng điểm cần tập trung. Quyết định 1791 thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị nhà máy nhiệt điện…
Ông Nguyễn Đức Cường cho rằng nếu đã có chủ trương, cơ chế thì cần sự quan tâm sát sao của các Bộ ban ngành để các nguồn vốn hỗ trợ được giải ngân thực sự, phải có doanh nghiệp “sếu đầu đàn” dẫn dắt.
Bởi khi giao nguồn lực không phải câu chuyện bao nhiêu tiền, mà câu chuyện quản lý tài chính nguồn lực như thế nào. Các doanh nghiệp “sếu đầu đàn” có khả năng quản trị, vận hành tốt, họ sẽ tiếp nhận và điều phối nguồn lực từ nhà nước đến nhà thầu phụ. Như vậy mới có thể hình thành mạng lưới chuỗi các nhà cung ứng và mới có thể khai thác được hiệu quả.
“Ví dụ giờ 1.000 doanh nghiệp đều gửi đơn lên, đều có đề án rất hay, nhưng khi giao nguồn tài chính cho họ thì liệu họ có quản lý, khai thác tốt không. Điều này liên quan đến năng lực quản lý tài chính chứ không phải sản xuất nữa”, ông Cường cho biết.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí cũng thừa nhận vẫn còn điểm nghẽn trong cơ chế chính sách cần được tháo gỡ. Ví dụ mục tiêu được xây dựng trong nhiều chính sách còn trên cao, chưa bám sát thực tế. Một số mục tiêu chưa cụ thể gây khó khăn khi tổng kết đánh giá. Một số chính sách ưu đãi tài chính, thuế quan rất tốt cho doanh nghiệp cơ khí, nhưng khi áp dụng thì còn vướng mắc, thậm chí chậm trễ. Một số cơ chế chính sách còn khá ngặt nghèo, chưa thực sự phù hợp, doanh nghiệp khó tiếp cận.
“Cần đánh giá, sơ kết các chính sách hỗ trợ ngành cơ khí trong thời gian qua, để có hiệu chỉnh, bổ sung cho phù hợp”, ông Phong khuyến nghị.