Muốn có thêm nhiều ‘sếu đầu đàn’, ngay lúc này cần tập trung hỗ trợ nhóm doanh nghiệp vừa
(DNTO) - Nhóm doanh nghiệp vừa Việt Nam hiện nay đang chiếm 4-5% tổng số doanh nghiệp nhưng là nhóm có tiềm năng để dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.
Tập trung vào nhóm doanh nghiệp vừa
Chia sẻ trong tọa đàm “Xây dựng chương trình hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp tận dụng FTA” hôm 4/11, các chuyên gia cho biết xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển bền vững hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam.
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã kí kết, mặc dù thuế rất thấp, thậm chí bằng 0 nhưng các nước đối tác áp dụng rất nhiều quy tắc, tiêu chuẩn hay gọi cách khác là rào cản kĩ thuật. Thực sự nhiều tiêu chuẩn doanh nghiệp chưa bao giờ biết đến do một phần thiếu thông tin, kể cả có thông tin cũng khó đáp ứng.
“Ví dụ chuyển đổi xanh, tiền đâu để doanh nghiệp đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại, chưa kể phải số hóa quy trình và thu thập dữ liệu. Như trong lĩnh vực nông nghiệp, để thực hiện truy xuất nguồn gốc thì người sản xuất hàng ngày đều phải ghi chép quy trình, chu trình bón phân, tưới nước… để đảm bảo sản phẩm xanh. Việc này yêu cầu doanh nghiệp phải thay đổi hẳn quy trình hoạt động, đây là thách thức”, bà Thủy nói.
Thực tế, ông Nguyễn Văn Thân, Đại biểu quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), cho biết nguyên tắc của doanh nghiệp phải duy trì trong ngắn hạn rồi mới đến trung hạn, và có vốn mới nghĩ tới dài hạn.
Với các FTA thế hệ mới như EVFTA hay CPTPP, cần tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp quy mô vừa, đang chiếm đến 4-5% tổng số doanh nghiệp, bằng các chính sách hỗ trợ, cho vay đặc thù.
Bởi các doanh nghiệp vừa có đủ khả năng, nguồn lực, quản trị, nên họ có thể dẫn dắt, kéo các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ đi theo. Nền kinh tế không nên chỉ dựa vào các “ông lớn”. Nếu trong tổng số 1 triệu doanh nghiệp trên cả nước, có 40.000-50.000 doanh nghiệp vừa có đủ năng lực cạnh tranh, dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ hơn, sẽ là động lực rất lớn để phát triển kinh tế.
“Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để đáp ứng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là cực kì khó khăn. Họ nhìn thấy một đống việc như vậy là đã nản rồi vì hàng ngày họ phải tập trung kiếm tiền để nuôi quân. Chỉ doanh nghiệp ở quy mô vừa trở lên mới có chiến lược đầu tư, ý chí đầu tư. Nhưng trong nhóm doanh nghiệp vừa cũng nên có chính sách tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tận dụng FTA, có ngân sách riêng cho nhóm này, để giúp doanh nghiệp lớn. Thị trường luôn xuất hiện hiệu ứng đám đông, một vài người làm tốt thì những người khác sẽ theo”, ông Thân kiến nghị.
Có tiền và phải tiêu được
Đại diện Ban IV cho biết trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như đào tạo, tư vấn, nâng cấp doanh nghiệp. Cơ quan phụ trách cử chuyên gia tư vấn “bắt bệnh, kê thuốc” cho doanh nghiệp như đánh giá doanh nghiệp, hỗ trợ xây dựng chiến lược, định hướng xuất khẩu, thị trường, cách thức hoàn thiện sản phẩm…
Bà Thủy khẳng định các cơ quan nhà nước rất mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp, thiết kế rất nhiều chính sách nhưng khi thực thi rất vướng vì nhiều lý do. Nhiều lúc, chính những đơn vị hỗ trợ cũng cảm thấy nản.
Là đơn vị trực tiếp cùng Ngân hàng Nhà nước triển khai chính sách cấp bù lãi suất 2%, đại diện Ban IV cho biết có những lý do rất đơn giản, nhìn trước được nhưng không tháo gỡ được. Ví dụ chi tiêu ngân sách phải theo quy trình kiểm toán trước và sau. Doanh nghiệp khi vay với lãi suất 2% nhưng chỉ được dùng cho một việc cụ thể, không được dùng cho việc khác. Chưa kể, doanh nghiệp phải chứng minh tiềm năng khôi phục sản xuất, kinh doanh. Khi doanh nghiệp vay tiền về, hòa cùng nguồn tài chính doanh nghiệp, đến lúc hạch toán riêng lại huy động cả bộ máy kế toán. Hay gói hỗ trợ Covid-19 của Chính phủ lên tới 40.000 nghìn tỷ nhưng giải ngân thực tế chỉ 3%.
“Điều này khiến doanh nghiệp mệt mỏi mặc dù chính sách tốt nhưng quy trình thủ tục phức tạp quá”, bà Thủy nói.
Vị này cho biết nhiều nước có cơ chế cấp vốn theo chuỗi giá trị. Có nghĩa không cần doanh nghiệp có quá nhiều tài sản thế chấp, chỉ cần doanh nghiệp chứng minh có tham gia vào chuỗi cung ứng đó, có người mua hàng chờ sẵn, thì ngân hàng sẽ cho vay với thế chấp bằng chính chuỗi giá trị đó. Đây chính là một cách có thể tháo gỡ tài chính cho doanh nghiệp.
“Ngành tài chính phải vào cuộc, phải sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước để các chính sách hỗ trợ vừa đảm bảo có thể theo dõi, đánh giá, đo lường nhưng doanh nghiệp vẫn cảm thấy xứng đáng để tham gia. Chúng tôi đang có kế hoạch rà soát sửa đổi Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đã đến lúc phải thiết kế lại các chính sách dành riêng cho các nhóm doanh nghiệp, đi theo các gói hỗ trợ chuyên sâu, chuyên biệt hơn”, bà Thủy cho biết.