SSI chỉ ra 9 cổ phiếu triển vọng trong tháng 2
(DNTO) - CTG, STB, VPB, SHB, HAH, SZC, FPT, PNJ, GAS là những cổ phiếu được các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI đặt nhiều kỳ vọng trong tháng 2 này.
Kỳ vọng vào tiêu dùng nội địa
Bước sang tháng 2, sau kỳ nghỉ Tết dài ngày, thị trường chứng khoán đang chờ đợi nhiều thông tin hỗ trợ thị trường.
Trước hết, chính sách cắt giảm thuế VAT từ ngày 1/2 được các chuyên gia SSI đánh giá là động lực tích cực cho ngành bán lẻ và dịch vụ tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh hàng không đang dần từng bước khôi phục. Đây chính là tiền đề quan trọng thúc đẩy tiêu dùng nội địa trong nước.
"Thị trường đang có những kỳ vọng nhất định vào nhu cầu tiêu dùng sẽ hồi phục sớm hơn dự kiến", SSI cho biết.
Theo phân tích của SSI, tính đến ngày 7/2, đã có khoảng 60% công ty trên sàn HoSE công bố kết quả kinh doanh, ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế lên đến 10,7%. Xét trong nhóm VN30, lợi nhuận công bố cũng ở mức 4,5%. Đà tăng này được dự đoán sẽ còn tiếp tục trong năm 2022 với mức ước tính khoảng 15,4% sẽ là yếu tố quan trọng hỗ trợ thị trường, mặc dù sẽ có sự chênh lệch đáng kể giữa đầu năm và cuối năm.
Ngoài ra, định giá P/E của VN-Index năm 2022 hiện ở mức 14,2 lần, khá hấp dẫn so với các nước trong khu vực. Theo SSI, yếu tố này có thể "kích hoạt xu hướng giải ngân đầu năm của các quỹ ngoại và đây có thể là yếu tố nâng đỡ thị trường trong giai đoạn hiện tại".
Thị trường trong tháng 2 cũng có thể ít nhiều chịu tác động từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tăng lãi suất vào tháng 3. Tuy nhiên, ảnh hưởng này có thể sẽ mang tính chất tâm lý tác động ngắn hạn, bởi theo SSI: "VND được coi là đồng tiền nổi bật trong khu vực với mức tăng giá 0,7% so với cuối năm 2021, trái ngược với xu hướng mất giá của các đồng tiền mới nổi khác trong bối cảnh đồng USD mạnh lên đáng kể".
Khuyến nghị 9 mã cổ phiếu
Từ những luận điểm của mình, SSI khuyến nghị đầu đầu tư 9 mã cổ phiếu bao gồm CTG, STB, VPB, SHB, HAH, SZC, FPT, PNJ, GAS mà theo đánh giá của các chuyên gia là nhiều triển vọng trong tháng 2 này.
Thứ nhất, mã CTG của Ngân hàng Công thương Việt Nam. CTG có thể có lợi nhuận đột biến từ hợp đồng độc quyền banca với Manulife trong năm nay. Ngoài ra, hiệu quả hoạt động của GTG được cải thiện với CIR 32% trong năm vừa qua, CASA tiếp tục mở rộng. Hiện, CTG vẫn đang được giao dịch ở mức P/B 2022 chỉ là 1,6x, ROE 17,3%.
Tiếp theo là mã STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín. Mỗi năm STB trích dự phòng và thoái thu lãi khoảng 4,8 - 5,8 nghìn tỷ đồng. Gần đây, ngân hàng cũng đã ký kết với Dai-ichi Life và bán KCN Sóng Thần, giúp đẩy nhanh quá trình xử lý tài sản có vấn đề của ngân hàng. Hiệu quả hoạt động kỳ vọng cải thiện mạnh mẽ từ 2023.
VPB của Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng được kỳ vọng nhờ kế hoạch phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược nước ngoài trong năm nay khi ngân hàng này đã khoá room ngoại ở mức 17,5% nhằm phục vụ cho thương vụ này.
SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội lại được đánh giá tích cực nhờ nguồn tiền thu được từ thương vụ thoái vốn tại SHB Finance.
Với HAH của Công ty Vận tải và Xếp dỡ Hải An, SSI cho biết: "Chiến lược cân bằng giữa đội tàu chạy nội địa và đội tàu cho thuê quốc tế giúp công ty giữ thị phần trong bối cảnh nhiều hãng từ bỏ thị trường nội địa. Do đó, chúng tôi kỳ vọng HAH sẽ duy trì lợi nhuận cao trong cả năm 2022 và 2023 dù giá cước có khảnăng đảo chiều".
Với diện tích cho thuê của doanh nghiệp tương đối lớn, mã SZC của Sonadezi Châu Đức cũng được khuyến nghị đầu tư khi kết quả kinh doanh năm qua khá tốt. Doanh thu ước tính năm 2022 đạt 935 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 424 tỷ đồng, tăng lần lượt 31% và 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài các mã trên, các mã FPT (Công ty FPT), PNJ (Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận), GAS (Tổng công ty khí Việt Nam) cũng được đánh giá triển vọng nhờ nhu cầu phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.