Chứng khoán 2022: Chờ những nhân tố mới
(DNTO) - Khép lại một thành nhiều thành công, sang năm mới 2022, nhiều sự lạc quan vẫn dành cho thị trường chứng khoán. Tuy nhiên để có thể tiến xa hơn nữa, chứng khoán năm 2022 cần nhiều động lực mới, nhân tố mới khi những thách thức không phải là ít.
Kể từ khi thành lập đến nay, năm vừa qua, thị trường chứng khoán trong nước đã liên tục lập những mốc kỷ lục mới: số lượng nhà đầu tư F0 tham gia thị trường nhiều nhất, chỉ số VN-Index đạt mốc cao nhất, thanh khoản trung bình mỗi phiên đạt giá trị lớn nhất từ trước tới nay...
Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, khi nhiều kênh đầu tư gặp khó, chứng khoán hội tụ được nhiều cơ may như lãi suất thấp, các gói hỗ trợ của nhà nước, lạm phát được kiểm soát tốt...
Sang năm mới 2022, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn nhiều nguy cơ rình rập bởi các biến thể mới, nền kinh tế phục hồi trong "trạng thái mới", những cơ may sẽ không còn nhiều. Thị trường chứng khoán năm 2022 cần nhiều những động lực mới để chuẩn bị cho một giai đoạn mới với nhiều thời cơ và thách thức.
Thứ nhất, việc hoàn thiện các tiêu chí để nâng hạng thị trường trong nước là điều vô cùng cần thiết.
Hai tổ chức xếp hạng quan trọng nhất là MSCI và FTSE Russel vẫn đang phân loại Việt Nam ở nhóm thị trường cận biên. Trong đó, riêng FTSE Russell đã xếp Việt Nam trong danh sách chờ xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi loại II.
Được biết vào tháng 9 năm 2022, FTSE sẽ có kỳ đánh giá thị trường hàng năm. Nhà đầu tư có quyền hy vọng, với sự ra đời của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX), những điểm nghẽn hiện tại như vấn đề tỷ lệ ký quỹ giao dịch bằng tiền mặt sẽ được tháo gỡ, tạo thuận lợi cho thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Và kỳ vọng nhiều hơn là "Thị trường chứng khoán của Việt Nam sẽ được thông báo để đưa vào Chỉ số thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE trong kỳ đánh giá thị trường hàng năm vào tháng 9 năm 2023", Công ty chứng khoán VNDirect cho biết.
Xa hơn nữa, năm 2023, chúng ta có thể hy vọng MSCI đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi.
Trong bối cảnh nhà đầu tư ngoại đang có xu hướng rút mạnh khỏi thị trường trong nước, thì việc nâng hạng của thị trường trong nước ngày càng quan trọng. Đã đến lúc chúng ta cần đi ra biển rộng để lớn mạnh hơn nữa, bài bản và chuyên nghiệp hơn.
Bên cạnh phải tháo gỡ nút thắt để có thể thăng hạng, thị trường còn đứng trước bài toán về thanh khoản. Năm 2021, giá trị thanh khoản thị trường chủ yếu đến từ nhà đầu tư nội. Với số lượng F0 tăng cao kỷ lục, dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước chiếm chủ yếu, quyết định chi phối thị trường. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, sự hào hứng của nhà đầu tư trong nước sẽ còn là dấu chấm hỏi.
Bởi thực tế, bởi mặt bằng giá cổ phiếu ở giai đoạn hiện tại nhìn chung đã được đẩy lên mức cao hơn khá nhiều so với thời điểm đầu năm 2021. Sự phục hồi chung của nền kinh tế cũng mở ra thêm những lựa chọn đầu tư khác cho nguồn vốn nhàn rỗi trong nước. Trong khi đó, nhiều khó khăn sẽ hiện diện như áp lực lạm phát cao, lãi suất sẽ khó giữ được mức thấp như hiện tại, việc Ngân hàng Nhà nước đảo ngược chính sách nới lỏng tiền tệ là khó lường.
Những thách thức ấy có thể khiến thanh khoản thị trường sẽ khó được như kỳ vọng. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, cũng là ngày cuối cùng của năm mới, VN-Index chật vật chạm mốc kỷ lục mà không thành, đành kết phiên với số điểm mấp mé đỉnh cao là 1.498 điểm, tăng 35% so với đầu năm. Tuy nhiên dự báo cho cả năm 2022, Công ty VCBS dự báo chỉ tăng 6-8%:
"Chúng tôi dự báo mức cao nhất trong năm 2022 của chỉ số VN Index có thể tiến lên đến vùng điểm số 1.580 – 1.600, tương đương với mức tăng khoảng 6-8% so với mức đỉnh của năm 2021", VCBS nhận định.
Và cũng theo VCBS, "chứng khoán Việt Nam sẽ đối diện với mức độ biến động cao trong năm 2022 với nhiều con sóng tăng ngắn xen kẽ bởi các cú sốc giảm giá, dù xu hướng chung vẫn là đi lên".
Năm 2022, khả năng thị trường tăng trưởng tiếp hay không còn là ẩn số, tuy nhiên chứng khoán Việt Nam cần sự đa dạng hơn với những câu chuyện mới, doanh nghiệp mới niêm yết, sản phẩm mới để hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Với nhà đầu tư, họ cần nhiều hơn nữa sự minh bạch, thông tin rõ ràng, cơ chế hoạt động bài bản và chuyên nghiệp với nhiều các dịch vụ mới được cung cấp..., góp phần tăng trưởng mạnh mẽ về chỉ số và mức vốn hóa của thị trường.