Dấu hiệu 'cảnh báo’ và ‘tuýt còi’ trên thị trường chứng khoán
(DNTO) - Niềm đam mê bắt đáy chưa có dấu hiệu dừng lại, chỉ số tham lam của nhà đầu tư chứng khoán ngày càng cao trên thị trường chứng khoán.
Khẩu vị rủi ro ngày càng mạnh
Thời gian qua, một loạt cổ phiếu tăng giá mạnh rồi bất ngờ nằm sàn la liệt, biểu đồ giá vẽ hình cây thông khi Giáng sinh chưa kịp đến.
Đây vốn là nhóm cổ phiếu không có gì nổi bật, thậm chí không ít doanh nghiệp làm ăn còn sa sút khi so sánh với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên bất ngờ lại được khoác "hào quang". Nhưng sau khi bất ngờ tăng mạnh, đa phần nhóm cổ phiếu này quay đầu rơi tự do vào cảnh "lau sàn", thậm chí trắng thanh khoản. IDI, SJF, TNI, LIC..., là những cái tên được nhắc nhiều khi nói về hiện tượng trên.
IDI là một mã điển hình khi chỉ sau hơn một tháng từ ngày 25/10 đến 19/11, đã tăng tới hơn 230%. Tuy nhiên khi "đổ đèo", thị giá cổ phiếu giảm mạnh, nhiều phiên trắng bên mua. Báo cáo kinh doanh hợp nhất quý 3 của IDI ghi nhận, lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm chỉ có 52 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ, mới đạt 36% mục tiêu lợi nhuận trong năm mà doanh nghiệp đề ra.
Mải mê chạy theo lợi nhuận, tin theo tâm lý đám đông, thực tế hoạt động của doanh nghiệp không nằm trong sự bận tâm của nhiều nhà đầu tư.
Phát biểu trong một hội thảo về chứng khoán diễn ra hôm nay, 13/12, TS. Quách Mạnh Hào, giảng viên Đại học Lincoln, Vương quốc Anh, cho biết, theo quan sát của ông, dòng tiền tìm đến mọi hạng mục đầu tư trên thị trường bao gồm: hạng mục tài sản an toàn, hạng mục tài sản rủi ro và còn có hạng mục trung tính, đan xen cả an toàn và rủi ro. Khi nhóm an toàn tăng chậm, dòng tiền chạy vào nhóm rủi ro rất lớn, là nhóm mà định giá cổ phiếu không phản ánh đúng sức khỏe doanh nghiệp.
"Chúng tôi đo chỉ số tham lam trên thị trường. Mặc dù dòng tiền vào mạnh nhóm rủi ro nhưng mức độ tham lam đang giảm so với đầu năm và từ tháng 7 đến nay dao động. Tuy nhiên, vào thời điểm thị trường sụt giảm mạnh, như có phiên giảm gần 100 điểm vừa qua, thì chỉ số tham lam lại đột ngột tăng lên. Điều này cho thấy các nhà đầu tư rất ham bắt đáy", ông Hào cho biết.
Sức nóng của thị trường chưa bao giờ bùng mạnh như giai đoạn hiện nay.
Cảnh báo "rủi ro" và "tuýt còi"
Bản chất người trẻ ước mơ làm giàu cháy bỏng, nên khá nhiều nhà đầu tư chứng khoán F0 chấp nhận mạo hiểm mức cao, ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Trung tâm kinh doanh, Công ty Chứng khoán KB, cho biết,
Cảnh báo rủi ro được ông chia làm 2 phần là "dấu hiệu" và "tuýt còi". Ông Nhân chia sẻ qua một câu chuyện: Ai từng qua vùng nông thôn sẽ thấy hình ảnh đàn bò mẹ và đàn bò con. Bò mẹ đã leo đỉnh núi và túc tắc đi xuống. Đám bò con mải chơi nằm lưng chừng, nhưng khi đám bò mẹ đi khuất, không thấy bố mẹ đâu thì lập tức đám bò con chạy vù vù lên đỉnh. Và khi thấy bò mẹ đang thủng thẳng đi xuống thì từ trên đỉnh, đám bò con có dấu hiệu nghịch ngợm sẽ chạy vù qua mặt bố mẹ để xuống trước.
"Bò mẹ là nhóm cổ phiếu tốt trên thị trường, túc tắc đi lên tạo đỉnh rồi đi xuống. Trong khi đó nhóm cổ phiếu "trà đá" sẽ nhảy lên dốc rồi lao xuống với tốc độ mạnh, thậm chí mất thanh khoản", ông Nhân ví von.
Người thiệt hại là người mua cổ phiếu trên đường đi xuống. Tuy nhiên thực tế, khi có các dấu hiệu nguy hiểm thì không phải nhà đầu tư nào cũng lắng nghe.
"Càng tuýt còi càng hung hãn thôi. Giống đi lễ hội càng cảnh báo càng chen mạnh. Giống như xem trận bóng đá hết vé thì người hâm mộ sẽ phá rào lao vào. Đó là lòng tham và nhu cầu kiếm tiền. Việc cảnh báo là của các công ty chứng khoán và chuyên gia. Việc nghe hay không là của nhà đầu tư. Người ta chỉ đi ra khi không chịu được thua lỗ", ông Nhân cho biết.
Còn theo ông Quách Mạnh Hào chia sẻ, thị trường chứng khoán vận hành theo nhóm ngành và dòng tiền. Ông chia thị trường thành 3 nhóm ngành và mỗi nhóm ngành lại được chia thành 3 dòng tiền theo sự luân chuyển của nhóm ngành. Nhóm ngành 1 là nhóm ngành được hưởng lợi nhất. Tiền chạy vào thị trường giống nguồn nước đổ vào các bình, thấy trước là các nhóm ngành được hưởng lợi.
"Như vậy, tôi có 9 quả bóng. Khi tất cả các quả bóng đều chạy, nhóm rủi ro cũng chạy, đó chính là dấu hiệu cảnh báo. Nhóm "trà đá" lên ngôi người ta sẽ lo sợ và tìm đến nhóm an toàn, như một sự lựa chọn tiếp theo. Một khi dòng tiền đang chạy theo nhóm rủi ro nhưng lại có dấu hiệu chạy sang các nhóm an toàn thì đó là dấu hiệu cần lưu ý", ông Hào nhấn mạnh.
Cũng theo ông, thị trường đang có giai đoạn tăng trưởng tốt, dòng tiền mạnh và lớn tạo ra sức hút. Nhà đầu tư tìm đến chứng khoán vì niềm tin cho thị trường ngày càng lớn, đây là nền tảng để phát triển thị trường mặc dù có sóng nhấp nhô lên xuống.