Fed khiến nhà đầu tư trong nước lao đao
(DNTO) - Sau ám chỉ về việc tiến hành tăng lãi suất vào tháng Ba tới của Fed, chứng khoán trong nước lại một phen lao đao khi VN-Index mất hơn 10 điểm, thanh khoản thị trường giảm sâu trong sự lo lắng của nhà đầu tư.
Kết thúc cuộc họp chính sách trong hai ngày 25 - 26/1, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo sẽ giữ nguyên lãi suất ở 0 - 0,25% như dự đoán trước đó trên thị trường.
Chủ tịch Fed, Jerome Powell, cho biết “Lần này chúng tôi chưa đưa ra quyết định nào về lộ trình chính sách", tuy nhiên ngay sau đó ông bổ sung: "Tôi có thể nói ủy ban đã nghĩ đến việc tăng lãi suất vào cuộc họp tháng 3 với giả định các điều kiện phù hợp để thực hiện".
Ám chỉ trong câu nói của Chủ tịch Fed cho thấy việc tăng lãi suất vào tháng 3 tới có thể đã nằm trong dự liệu của tổ chức này.
Phản ứng tiêu cực với thông báo trên, thị trường chứng khoán quốc tế ghi nhận việc giảm điểm sâu. Tại thị trường châu Á, chỉ số Nikkei 225 giảm 3,11%, Sanghai giảm 1,78%...
Tại thị trường trong nước, phiên giao dịch hôm nay cũng không có gì sáng sủa khi VN-Index sau khi tăng nhẹ vào lúc 10g sáng lập tức vội vàng đi xuống, liên tục giằng co và chốt phiên tại 1.470 điểm, giảm 10 điểm so với phiên hôm qua; HNX-Index giảm 0,55 điểm, xuống 411 điểm, UPCoM-Index giảm 0,32 điểm, còn 108 điểm.
Trong khi thị trường chìm trong sắc đỏ, nhóm chứng khoán lại trở thành điểm sáng khi trung bình tăng 2,4% với 24/34 cổ phiếu tăng giá. SSI đóng cửa tăng 2,24%, HCM tăng 2,86%, VCI tăng 1,29%, VND tăng 3,34%. Nhiều mã chứng khoán nhỏ tăng mạnh như BMS, BVS, VIX, WSS đều trên 3%...
Mong muốn chốt lời của nhà đầu tư khiến lực bán gia tăng trên thị trường. Chốt phiên VN30 Index giảm 0,57%, MidCap và SmallCap đều giảm lần lượt 0,96 và 0,64%.
Thanh khoản thị trường sụt giảm sâu khi chỉ còn hơn 15 ngàn tỷ đồng toàn thị trường, cho thấy tâm lý lo lắng của giới đầu tư trước biến động của tình hình thế giới, các chính sách của Fed, nhất là khi thời gian nghỉ Tết Nguyên đán đã cận kề và trong nước không có thông tin đáng chú ý nào hỗ trợ thị trường.
Bên cạnh đó, Báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố cũng không nhiều lạc quan về kinh tế thế giới khi hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm xuống mức 4,4%, thấp hơn 0,5% so với dự báo công bố tháng 10 năm ngoái. Nguyên nhân dẫn đến thay đổi dự báo của IMF được cho là đến từ lo lắng về những đợt bùng phát của biến thể Omicron.
Ngoài ra, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho thấy, cơ quan này đã bơm gần 3.915 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng riêng trong phiên giao dịch ngày 26/1 và trong hôm nay là 999 tỷ đồng. Đây là phiên bơm thanh khoản thứ 3 liên tiếp của nhà điều hành trong tuần này với tổng khối lượng lũy kế đạt hơn 7.822 tỷ. Lượng tiền bơm ra thị trường của NHNN tăng mạnh khi tuần trước chỉ có khoảng 1.100 tỷ đồng được bơm vào hệ thống ngân hàng.
Nhiều yếu tố đang tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư trong giai đoạn tới.
Nói về những tác động của Fed đến thị trường trong nước, theo ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập Công ty Quản lý tài sản FIDT, việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ giai đoạn này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam do trạng thái chính sách tiền tệ và kinh tế của Việt Nam hiện nay đang khác so với Mỹ. Cũng theo ông, những tác động đến tâm lý nhà đầu tư trong nước chỉ là ngắn hạn.