Siết quản lý thuế đối với các sàn giao dịch thương mại điện tử từ 1/8
(DNTO) - Kể từ ngày 1/8, các sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm triển khai việc cung cấp thông tin cho cơ quan thuế theo hình thức điện tử với chuẩn định dạng dữ liệu, theo quy định của cơ quan thuế.
Hướng dẫn quản lý thuế đối với các sàn giao dịch thương mại điện tử
Bộ Tài chính vừa đưa ra Thông tư số 40 nhằm góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh. Đồng thời tăng cường quản lý, chống thất thu thuế với nhóm đối tượng này.
Tại thông tư này, Bộ Tài chính đã hướng dẫn cụ thể về công tác quản lý thuế với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử.
Theo đó, đối với hoạt động thương mại điện tử, ngoài việc thực hiện nghĩa vụ thuế theo các quy định hiện hành, tại Thông tư số 40 còn hướng dẫn áp dụng riêng đối với các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Cụ thể, sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm khai thay, nộp thay thuế GTGT, thuế TNCN cho cá nhân kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử. Số thuế khai thay, nộp thay được căn cứ theo thuế suất của từng lĩnh vực, ngành nghề áp dụng đối với cá nhân kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ.
Sàn giao dịch thương mại điện tử căn cứ doanh thu, các khoản thu khác mà cá nhân kinh doanh thông qua sàn giao dịch nhận được, bao gồm các trường hợp như: Các khoản nhận được thông qua các đơn vị vận chuyển – COD; thông qua các hình thức trung gian thanh toán; thông qua các hình thức thanh toán khác... để xác định doanh thu kê khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh.
Toàn bộ thông tin doanh thu và số thuế đã khai thay, nộp thay theo từng đơn hàng trên chứng từ cung cấp cho người mua hàng và người bán (cá nhân kinh doanh) sẽ được sàn giao dịch thương mại điện tử ghi nhận lại.
Trong thời gian chưa thực hiện được việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của cá nhân thông qua sàn theo yêu cầu của cơ quan Thuế, theo quy định của pháp luật.
Các nội dung thông tin phải cung cấp gồm: họ tên; số định danh cá nhân, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, hoặc hộ chiếu; mã số thuế; địa chỉ; email; số điện thoại liên lạc; hàng hoá, dịch vụ cung cấp; doanh thu kinh doanh; tài khoản ngân hàng của người bán; thông tin khác liên quan.
Thúc đẩy hộ kinh doanh lớn thành doanh nghiệp
Nhằm đảm bảo các quy định về quản lý thuế thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử sớm đi vào thực tiễn, ngày 15/6, Tổng cục Thuế đã tổ chức hội thảo trực tuyến với các điểm cầu tại Cục Thuế TP.HCM, Cục Thuế Hà Nội.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế), từ nay đến trước ngày 1/7/2022, ngoài việc các sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp chứng từ theo từng đơn hàng cho người mua và người bán, trường hợp người mua có yêu cầu hóa đơn thì cá nhân kinh doanh có trách nhiệm xuất hóa đơn giấy của cơ quan Thuế theo quy định hiện hành.
Thời gian tới, để xây dựng lộ trình và các giải pháp quản lý thuế thống nhất giữa các cơ quan Thuế trên toàn quốc khi triển khai, Tổng cục Thuế sẽ tổ chức hội thảo trực tuyến để tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc kê khai nộp thuế. Hội thảo sẽ có sự tham gia của Hiệp hội Thương mại điện tử, các sàn giao dịch thương mại điện tử, các công ty tư vấn kế toán, kiểm toán, các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước về thương mại điện tử (Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông) để hỗ trợ các sàn giao dịch thương mại điện tử triển khai thực hiện việc kê khai, nộp thuế và cung cấp các thông tin cho cơ quan quản lý Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Tổng cục Thuế, mục tiêu khi ban hành Thông tư số 40 là cải cách công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo hướng đơn giản, khuyến khích hộ lên doanh nghiệp; cải cách công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy mô lớn; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động trong chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp, tổ chức sử dụng vốn ngân sách Nhà nước có sử dụng nhiều hoá đơn.
Theo đó, các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh này sẽ áp dụng quản lý thuế theo kê khai, thực hiện sổ sách, kế toán, hoá đơn, chứng từ, để từ đó quản lý hoạt động kinh doanh theo đúng thực tế, đảm bảo tính minh bạch trong việc kê khai, nộp thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cũng như công tác quản lý thuế của cơ quan Thuế.
Các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai trong thời gian tới cũng sẽ áp dụng điện tử trong tất cả các khâu của công tác quản lý thuế tương tự doanh nghiệp theo lộ trình của cơ quan Thuế, như: đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra, hoá đơn điện tử.