Cắt giảm 50% công suất, thiệt hại 250 triệu đồng/ngày, doanh nghiệp điện mặt trời ‘mỏi mòn’ chờ chính sách
(DNTO) - Kế hoạch cắt giảm khoảng 1,68 tỷ kWh điện năng lượng tái tạo (trong đó cắt 1,25 tỷ kWh điện mặt trời trang trại, chiếm khoảng 9% khả năng phát của các nhà máy điện mặt trời) trong năm 2021, tiếp tục đẩy nhiều doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời vào thế khó, thậm chí đứng trước bờ vực phá sản.
Nhiều nhà máy điện chưa từng hoạt động hết công suất
Theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, năm 2020, công suất nguồn điện mặt trời là 850 MW, đến năm 2030 là 1.200 MW. Với công suất điện mặt trời hiện tại là 17.000 MW, điện mặt trời đã tăng gấp 20 lần quy hoạch.
Theo Trung tâm điều độ điện quốc gia (A0), đây là một trong những nguyên nhân quá tải lưới điện truyền dẫn. Để đảm bảo an toàn hệ thống, các nguồn điện đã phải được xem xét cắt giảm trong thời gian qua.
Riêng tháng 4/2021, A0 đã cắt giảm 470 triệu KWh điện năng lượng tái tạo. Dù Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu điện, nhưng dự kiến cả năm nay sẽ phải cắt giảm 1,8 tỷ KWh điện từ năng lượng điện tái tạo, trong đó hơn 500 triệu KWh điện mặt trời sẽ phải cắt giảm do thừa nguồn cung vào những thời điểm trưa và quá tải đường dây 500 kV.
Là “người trong cuộc” đầu tư vào năng lượng mặt trời, ông Lê Ngọc Hồ, Phó Giám đốc Ban Đầu tư Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn cho biết, tình trạng cắt giảm công suất của các nhà máy điện mặt trời hiện đang diễn ra thường xuyên, liên tục. Có những nhà máy chưa từng được hoạt động hết công suất, một số nhà máy buộc phải giảm 30%, thậm chí 50-60% công suất, gây thiệt hại vô cùng lớn cho các doanh nghiệp.
Bởi lẽ đa phần nguồn vốn hoạt động của các công ty đầu tư điện mặt trời như Hoành Sơn đều là nguồn tín dụng, trong khi việc bán điện “phập phù”, áp lực nợ gây khó khăn cho việc vận hành nhà máy, ảnh hưởng đến doanh thu và tốc độ thu hồi vốn của doanh nghiệp.
“Có những ngày giảm phát 50% công suất, thiệt hại ước tính từ 200-250 triệu đồng/ngày. Nếu tình hình này kéo dài, những doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời chắc chắn bị phá sản”, ông Hồ chia sẻ trong tọa đàm “Nghịch lý thừa điện mặt trời: Giải pháp nào đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp?” chiều 15/6.
Cũng theo ông Hồ, hiện rất nhiều doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời phải lấy nguồn tiền từ các dự án khác để chi trả vốn vay ngân hàng cho dự án điện mặt trời. Điều này làm đảo lộn kế hoạch nguồn vốn cho các dự án tiếp theo của doanh nghiệp.
“Nói doanh nghiệp giải bài toán tài chính này như thế nào thì hiện chưa trả lời được, vì khi đầu tư vào các nhà máy điện mặt trời, nguồn thu chính là bán điện. Hiện tại chúng tôi chỉ mong muốn cơ quan quản lý giúp doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời chạy hết công suất”, ông Hồ cho biết.
Nhà quản lý nói gì?
Cũng trong tọa đàm, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) lý giải nguyên nhân buộc phải cắt giảm công suất điện mặt trời.
Theo vị này, hiện việc đầu tư triển khai các dự án điện mặt trời rất nhanh bởi việc đền bù linh hoạt, thời gian thi công nhanh. Trong khi các dự án lưới điện (đường dây và trạm) do đặc điểm tuyến dài, trải dài trên nhiều địa phương khác nhau, do Tập đoàn điện lực Việt Nam và các thành viên thực hiện, phải tuân thủ chính sách về đơn giá đền bù, nên thời gian thi công lưới điện dài hơn.
Điều này dẫn đến việc giữa tháng 6/2019 xảy ra tình trạng không giải tỏa được các nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên từ cuối năm 2019, đầu năm 2020, khi một loạt các dự án truyền tải như Trạm biến áp kết hợp đường dây 500 kV của Trungnam Group, Trạm biến áp 220 kv Ninh Phước, một loạt đường dây 220 kV, 110 kV… đưa vào vận hành đã cơ bản giải tỏa được việc tắc nghẽn nguồn năng lượng tái tạo.
Bài toán truyền tải cơ bản đã giải quyết được, hiện nay chỉ còn bài toán tăng trưởng phụ tải điện. Giai đoạn 2011-2015, phụ tải điện tăng trưởng trên 10%, giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng trung bình 9%. Chỉ riêng năm 2020, do đại dịch Covid- 19, phụ tải điện chỉ tăng trưởng trên 3%, thấp hơn kế hoạch.
“Trong ngắn hạn, việc tăng trưởng phụ tải phụ thuộc vào việc kiểm soát đại dịch và tăng trưởng kinh tế”, ông Hùng cho hay.
Để tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư điện mặt trời, hiện Bộ Công thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia điều chỉnh giờ phát cao điểm của một số thủy điện nhỏ miền Trung và miền Nam, việc này giúp giải tỏa năng lượng tái tạo thêm khoảng 1.000 MW.
Ngoài ra còn có một số giải pháp khác như dự báo về công suất nguồn năng lượng tái tạo cũng như phụ tải, để tính toán mức độ cắt giảm, có thông báo với các tổng công ty điện lực vùng miền, xuống đến tỉnh và các nhà đầu tư để biết được kế hoạch cắt giảm và chủ động trong hoạt động vận hành của mình.
“Yếu tố quan trọng trong việc cắt giảm là phải minh bạch, rõ ràng. Trong hệ thống vận hành như thời gian qua đã ưu tiên nguồn năng lượng tái tạo cắt giảm cuối cùng, sau khi đã cắt giảm tối đa nguồn năng lượng truyền thống. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và ổn định khi vận hành hệ thống điện, vẫn phải đảm bảo hoạt động của nhiều nguồn năng lượng khác nhau”, ông Hùng cho biết.
Một nghịch lý nữa của điện mặt trời là với công suất của hệ thống là 70.000 MW, trong đó 17.000 KW (24%) là điện mặt trời từ trang trại lớn và áp mái, khi mặt trời tắt nắng sau 17g và không có pin lưu trữ, công suất nguồn điện giảm mạnh chỉ còn 53.000 MW, gây mất ổn định hệ thống lưới điện.
Vì vậy, đại diện Cục Điều tiết Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay, trong tương lai, để phát triển nguồn năng lượng tái tạo, phải đồng bộ các giải pháp khác như phát triển lưới điện thông minh, pin tích trữ năng lượng, liên kết lưới điện… đảm bảo các nguồn điện tham gia hệ thống điện phát huy tối đa công suất.
Hiện hệ thống tích trữ năng lượng đã được Bộ Công thương và các chuyên gia góp ý kiến, trong đó nổi bật là hệ thống thủy điện tích năng và pin tích trữ. Tuy nhiên hiện giá thành của các hệ thống tích trữ năng lượng còn khá cao và theo đánh giá của một số tổ chức hỗ trợ kĩ thuật cho Bộ Công thương như World Bank, ADB…, việc áp dụng loại hình này ở Việt Nam chưa hiệu quả.
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng cần phải chuẩn bị sẵn chính sách, khung pháp lý, tiêu chuẩn kĩ thuật, kế thừa nghiên cứu và kinh nghiệm phát triển của các nước để kịp thời cụ thể hóa thành các quy định của Việt Nam, hỗ trợ cho năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời phát triển.
“Tôi tin khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Việt Nam phục hồi kinh tế sẽ có thể tiêu thụ hết công suất năng lượng tái tạo hiện có. Đặc biệt khi công nghệ phát triển tốt hơn, giảm giá thành hệ thống tích trữ năng lượng sẽ giải quyết vấn đề năng lượng mặt trời đang gặp phải”, ông Hùng nêu quan điểm.