EVN dừng đấu nối điện mặt trời mái nhà
(DNTO) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa cho biết sẽ dừng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu đấu nối và ký hợp đồng từ các hệ thống điện mặt trời.
Theo đó, 31/12/2020 EVN sẽ dừng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu đấu nối và ký hợp đồng từ các hộ gia đình có điện mặt trời trên mái nhà. Cùng với đó là Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam hết hiệu lực.
Cũng theo EVN, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) có văn bản cho biết cơ quan này đang phối hợp với các đơn vị tư vấn nghiên cứu các mô hình, quy mô và giá mua bán điện tương ứng cho từng loại hình điện mặt trời mái nhà, dự kiến trong quý 1/2021 sẽ báo cáo Bộ Công Thương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà cho giai đoạn tiếp theo.
Theo số liệu cập nhật, đến ngày 25/12/2020, đã có 83.000 công trình điện mặt trời mái nhà được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 4.700 MWp. Tổng sản lượng phát điện lên lưới từ điện mặt trời mái nhà lũy kế đến nay đã đạt hơn 1,13 tỷ kWh, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.
Trước tình hình EVN tạm ngưng ký kết mua điện, một số doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này không quá lo lắng. Bởi lẻ, cho đến nay vẫn nhiều người tiêu dùng quyết định sử dụng điện mặt trời để giảm bớt chi phí tiêu thụ điện hàng tháng.
Theo đại diện Công ty TNHH công nghệ năng lượng NGP ETECH, hiện doanh nghiệp vẫn tiếp tục đẩy mạnh việc kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp về việc lắp ráp và đấu nối vẫn diễn ra bình thường cho dù công văn Bộ Công Thương năm 2020 sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2020.
“Sau khi công văn mới được công bố vào đầu năm 2021, đưa ra giá thu mua điện mới thì công việc của doanh nghiệp sẽ trở lại quỹ đạo. Doanh nghiệp tiếp tục đấu nối, lắp ráp dự án cho khách hàng, đối tác”, đại diện công ty này cho biết thêm.
Theo số liệu báo cáo của Viettinbank Securities,dự đoán trong 25 năm tới, điện mặt trời sẽ phát triển vô cùng mạnh mẽ, tăng trưởng 12.8%/năm. Trong đó, bình quân tốc độ tăng trưởng của năm của năng lượng tái tạo tăng gấp hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng bình quân ngành điện. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho hệ thống điện mặt trời áp mái đã được ghi nhận đạt tỷ lệ hoàn vốn nội bộ cao nhất với mức 36%.
Như vậy, các công trình ĐMTMN phát triển sau ngày 31/12/2020, các đơn vị điện lực sẽ không ghi nhận điện năng phát lên lưới và không mua điện cho đến khi có quyết định mới của Thủ tướng.