Phát triển ý tưởng trị giá 3,5 tỷ USD để cứu thế giới khỏi siêu thảm họa núi lửa
(DNTO) - Làm thế nào ý tưởng trị giá 3,5 tỷ đô la của NASA có thể cứu Trái đất khỏi ngày tận thế khi siêu núi lửa ở Vườn quốc gia Yellowstone phun trào?
Vườn quốc gia Yellowstone nằm trên đỉnh một ngọn núi lửa khổng lồ được coi là một trong những mối đe dọa núi lửa lớn nhất đối với Hoa Kỳ nói riêng và toàn khu vực châu Mỹ nói chung.
Mặc dù các chuyên gia ước tính đợt siêu phun trào có thể không xảy ra sớm, chí ít cũng trong vài triệu năm nữa, nhưng giới khoa học NASA vẫn thực hiện những thí nghiệm để xem con người làm cách nào ngăn được thảm họa từ Yellowstone.
Thế là một ý tưởng mang tính giả thuyết được hình thành: Phải sử dụng công nghệ nào đó để bơm nước lạnh vào một loạt giếng xung quanh chu vi Yellostone với mục đích làm nguội núi lửa. Nếu thực hiện thành công, kịch bản này có khả năng cứu phần nào Trái đất khỏi một ngày tận thế vì siêu họa phun trào dung nham.
Núi lửa bên dưới Công viên Quốc gia Yellowstone không phải là ngọn hỏa diệm sơn hạng trung như trong suy nghĩ bình thường của nhiều người. Là một trong ba ngọn núi lửa ở Mỹ nhưng nó sâu hàng trăm mét, lớn hơn bang Rhode Island và có khả năng phún xuất dữ dội hơn hàng nghìn lần so với bất cứ thứ gì chúng ta từng chứng kiến, một mối đe dọa thực sự.
Hậu quả khi Yellowstone phun trào rất thảm khốc. Lúc ấy một tháp tro sẽ bắn lên không trung, cao hơn cả đỉnh Everest, bao phủ lớp bụi nham thạch hơn một mét lên các thành phố lân cận, đồng thời tạo ra những đám mây khổng lồ có thể che khuất mặt trời trong nhiều thập kỷ. Cuối cùng, nhiệt độ toàn cầu sẽ vì thế bị giảm xuống, thực vật chết sạch và nông nghiệp bị hủy diệt. Thế nhưng trên thực tế, Liên Hiệp Quốc ước tính toàn thế giới sẽ hết lương thực chỉ trong hơn... hai tháng!
Nhìn ngược lại lịch sử, Yellowstone đã phun trào ba lần trong 2,1 triệu năm qua, tức khoảng 600.000 năm xảy ra một lần. Tất nhiên, lúc này các chuyên gia đang tin rằng, núi lửa ở Công viên Quốc gia này sẽ không bùng phát vào ngày mai hoặc thậm chí cả nghìn năm kể từ bây giờ. Thế nhưng có điều chắc chắn, một lúc nào đó trong tương lai, cho dù lâu đến cỡ 1 triệu năm, siêu núi lửa này sẽ tỉnh giấc và gieo họa. Vậy làm gì để Yellowstone không bao giờ phun trào nữa?
Từ năm 2015, một số nhà khoa học tại NASA JPL đã đi tìm giải pháp từ ý tưởng làm nguội núi lửa, tức triệt được nguồn nhiệt ngay từ đầu, thứ kích nổ gây ra các vụ phún xuất. Sức nóng dâng lên từ lõi Trái đất, tích tụ trong khoang núi lửa cho đến một ngày áp suất lớn đến mức nó phải bùng phát. Yellowstone cũng vậy!
Mỗi năm, ngọn núi này tạo ra đủ nhiệt để cung cấp năng lượng cho sáu nhà máy điện công nghiệp. Khoảng 60 đến 70% lượng nhiệt đó thoát ra ngoài qua các suối nước nóng và mạch nước phun, điển hình như Old Faithful. Nhưng phần còn lại vẫn ở dưới lòng đất, bên trong các buồng magma. Nơi này chính là địa điểm cho các nhà khoa học dàn trận cuộc tổng tấn công, mà theo kịch bản, một loạt giếng sẽ được khoan xung quanh chu vi của siêu hỏa diệm sơn.
Giếng khoan này sẽ trở thành một trong những giếng sâu nhất thế giới, tới tận 10km dưới bề mặt trái núi. Nước lạnh sẽ được bơm xuống giếng để làm nguội dần vòng đá xung quanh buồng magma. Quy trình này tựa như cách dùng chất làm mát trong ô tô để trục nhiệt ra khỏi động cơ. Hiệu quả thu được là sẽ có luồng nước nóng lên đến khoảng 340 độ C di chuyển trong lớp magma.
Chu trình tiếp theo là, nước này lại tuần hoàn chảy qua các giếng và được sử dụng để điều khiển máy phát điện hầu cung cấp năng lượng cho khu vực xung quanh trong hàng chục nghìn năm. Như thế, về cơ bản, Yellowstone đã biến thành một nhà máy điện địa nhiệt khổng lồ, và núi lửa đã trở nên hữu dụng.
Giới khoa học nhận định, về lý thuyết, ý tưởng này có thể thực hiện. Nhưng liệu con người có thật sự dám bắt tay làm thử? Chắc là không! Thứ nhất, phải mất khoảng 16.000 năm, tính trọn bộ thời gian từ đầu đến cuối công đoạn, cho quá trình trích xuất 20 gigawatt năng lượng để làm nguội núi lửa tới nhiệt độ an toàn. Thứ đến, chi phí tiêu tốn 3,46 tỷ USD để thực hiện kế hoạch sẽ chiếm khoảng 20% ngân sách hàng năm của NASA. Tệ hơn nữa, việc làm nguội đá có thể tạo ra các vết nứt gãy gần buồng magma, gây ra những đợt siêu phun trào bất ngờ khó lường, điều mà thế giới muốn tránh ngay từ đầu.
Với rủi ro như thế có lẽ con người khó dám can thiệp, sợ rằng lại lâm cảnh “lợn lành chữa thành lợn què”, nghĩa là trong khi chu kỳ 600.000 năm phún xuất một lần có thể còn lâu lắm mới tới thì nay chính bàn tay con người lại kích hoạt thảm họa. Thôi thì tốt nhất cứ để... ngọn núi ngủ yên!