‘Ông Tây’ lập doanh nghiệp xã hội để giúp người nghèo Việt

(DNTO) - Với hơn 25 năm triển khai dự án hỗ trợ người nghèo ở Việt Nam, “ông Tây” Bernard Kervyn (người Bỉ) đã hỗ trợ 500 phụ nữ Việt tại vùng quê hẻo lánh có thêm nguồn thu nhập để cải thiện cuộc sống, thậm chí có người đã mua được căn nhà lớn hơn.

“Ông Việt Nam” Bernard Kervyn, nhà sáng lập Công ty TNHH Mền bông Mê Kông (Mekong Quilts).
‘Ông Tây’ mê Việt Nam
Những năm đầu thế kỷ 21, khái niệm doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam vẫn còn khá xa lạ. Công ty TNHH Mền bông Mê Kông (Mekong Quilts) vì thế vẫn hoạt động như một công ty thương mại bình thường. Tuy nhiên, toàn bộ lợi nhuận của công ty dành cho công tác xã hội.
Đến 2016, khi luật pháp Việt Nam công nhận mô hình doanh nghiệp này, Mekong Quilts chính thức trở thành thành doanh nghiệp xã hội.
Nhà sáng lập của công ty này là một chuyên gia công tác xã hội có quốc tịch Bỉ, đã có kinh nghiệm 24 năm triển khai các dự án hỗ trợ người nghèo ở Việt Nam - ông Bernard Kervyn.
Ông bắt đầu hành trình châu Á của mình vào năm 1976 khi làm tình nguyện viên cho tổ chức phi chính phủ Pháp "Frères des Hommes" ở Bangladesh. Năm 1993, ông đến Việt Nam và cùng với một nhóm bạn quyết định thành lập Mekong Plus Vietnam, một tổ chức phi chính phủ với sứ mệnh xóa đói giảm nghèo ở các vùng khó khăn và vùng sâu vùng xa của Việt Nam và Campuchia.
“Ông Tây” nói tiếng Việt gần như người Việt, chỉ thích sống ở Việt Nam. Vì vậy những người bản địa từng làm việc với ông đã chuyển sang gọi ông bằng cái tên rất thân thương: “ông Việt Nam”.
Doanh nghiệp xã hội Mekong Quilts của ông hướng tới tạo công ăn việc làm cho phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa của Việt Nam và Campuchia, thông qua việc sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thủ công, hỗ trợ phát triển cộng đồng bằng các sáng kiến tài chính vi mô, học bổng, các chương trình giáo dục sức khỏe, vệ sinh và nông nghiệp.
Ở các vùng quê hẻo lánh, công ăn việc làm khó khăn. Vì vậy khi đưa dự án về, những người phụ nữ họ tại đây rất hào hứng, vì họ vừa có thể kiếm tiền để cải thiện cuộc sống, vừa có thời gian chăm sóc gia đình, con nhỏ.
“Một trong những nhóm trưởng của chúng tôi là chị Út. Trước đây chị chỉ có một căn nhà nhỏ trong hẻm, nay chị đã xây được một căn nhà ngoài mặt phố”, CEO Mekong Quilts Việt Nam chia sẻ trong talkshow Doanh nhân chính truyện - Signature voice mới đây.
Đến hiện tại, Mekong Quilts đã tạo việc làm cho 500 phụ nữ nghèo. Ông Bernard Kervyn, cho biết Mekong Quilts là một doanh nghiệp nằm trong chương trình lớn hơn là Mekong Plus, phát triển dự án trồng trọt, y tế, cấp học bổng cho học sinh.
“Các chị em khi làm chung một nhà, nếu họ gặp khó khăn trong cuộc sống sẽ chia sẻ cùng nhau, các quản lý dự án sẽ tham gia đào tạo, tư vấn thêm cho họ”, ông chia sẻ.
Dấu ấn với các sản phẩm Việt

Một số sản phẩm thủ công nổi bật từ nguyên liệu địa phương của tại Mekong Quilts.
Đầu tiên Mekong Quilts bắt đầu với các sản phẩm chăn may chần bông. Nhưng sau đó, công ty nhận ra rằng nếu chỉ có duy nhất sản phẩm này sẽ khó tiếp cận khách hàng vì chúng chỉ được sử dụng trong phạm vi phòng ngủ gia đình. Công ty quyết định phát triển thêm nhiều sản phẩm sử dụng nguyên liệu địa phương.
Ở Tánh Linh (Bình Thuận) có loại tre với thân rất chắc chắn, công ty tận dụng để phát triển các loại xe đạp khung thân từ tre. Hay ở Đồng bằng Sông Cửu Long có rất nhiều lục bình, công ty tận dụng để phát triển sản phẩm đan thủ công. Mới đây, Mekong Quilts phát triển sản phẩm áo khoác may tay, để đông đảo người dùng có thể sử dụng và dễ dàng quảng bá.
Mục tiêu chính của Mekong Quilts là tạo việc làm thủ công, không sử dụng các loại máy móc. Một cái mền phải mất tới 1 tháng mới xong, hay một chiếc xe đạp mất tới hơn 1 tuần. Công ty luôn phải vừa phải tạo việc làm và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Hiện giá một chiếc chăn mền khoảng 300-400 USD, xe đạp tre khoảng 1000-2000 USD. Mức giá này tương đối đắt so với thị trường nội địa, do vậy công ty hướng tới đối tượng là người tiêu dùng từ nước ngoài, khách du lịch.
Bởi nó xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng của thị trường Mỹ hay Canada, họ rất thích nghệ thuật chần bông. Hay những người Việt Nam đã từng đi nước ngoài, họ cũng hiểu giá trị sản phẩm hơn người tiêu dùng trong nước. Họ có thể dễ dàng so sánh mức giá này chỉ bằng 1/3, 1/4 sản phẩm tương tự bán ở London (Anh) hay New York (Mỹ).
“Nhiều khách từ Úc, Mỹ khi bước vào cửa hàng họ phải “Ồ” lên vì tại sao giá sản phẩm rất rẻ nhưng kĩ thuật rất cao, trong khi tại đất nước họ, giá sản phẩm như vậy phải gấp 3-4 lần”, đại diện Mekong Quilts nói.
100% lợi nhuận dành cho xã hội vẫn thấy vui

“Ông Việt Nam” cho biết nếu hỗ trợ bà con theo kiểu từ thiện, bạn sẽ luôn luôn phải xin tài trợ ở bên ngoài. Nhưng doanh nghiệp xã hội sẽ bền vững hơn, có khả năng làm việc lâu dài.
Mekong Quilts không nhận nguồn tài trợ từ quốc tế. Tất cả nguồn vốn của đều đến từ việc bán hàng. Doanh thu của công ty được dùng để chi trả tiền mặt bằng, lương của nhân viên, nguyên liệu. Sau đó còn lại 100% lợi nhuận sẽ sử dụng cho các mục đích xã hội, chủ yếu là trao học bổng cho học sinh.
“Theo quy định, với công ty xã hội ở Việt Nam, 51% lợi nhuận sẽ phải được sử dụng cho mục đích phục sự xã hội. Nhưng ở công ty chúng tôi, 100% lợi nhuận dành cho xã hội, chủ yếu trao học bổng cho học sinh, chúng tôi vẫn thấy rất vui vẻ. Ở miền Tây, họ thấy công ty sau khi sản xuất, bán được hàng có lời và giúp đỡ học sinh thì họ cũng rất mừng”, ông Bernard Kervyn cho biết.
Trong thời gian Covid-19, khi không thể bán hàng, số cửa hàng giảm từ 5 xuống 1, lợi nhuận giảm 90%, Mekong Quilts phải tìm hướng tạo ra những việc làm khác như cho bà con như cho vay vốn chăn nuôi (gà, lợn), giúp duy trì cuộc sống cho họ.
Nhiều năm dưới cương vị chuyên gia hoạt động cộng đồng, “ông Việt Nam” nhận ra rằng nếu hỗ trợ bà con theo kiểu từ thiện, bạn sẽ luôn luôn phải xin tài trợ ở bên ngoài. Nhưng doanh nghiệp xã hội sẽ bền vững hơn, có khả năng làm việc lâu dài. Tuy vậy, số lượng doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam còn quá ít, mỗi nơi lại vận hành theo cách khác nhau, do đó chính quyền địa phương cũng khó khăn trong cách quản lý.
“Chính quyền rất ủng hộ, họ khen ‘quá tốt, quá tốt’ nhưng cách quản lý như thế nào. Bởi các nhân viên của chúng tôi chủ yếu là những người trồng trọt, chăn nuôi, họ không muốn quản lý theo hợp đồng lao động, không muốn làm theo một doanh nghiệp. Họ muốn độc lập và coi đây là thu nhập phụ, việc phụ. Vì vậy cách quản lý doanh nghiệp xã hội ở vùng nông thôn hơi khó. Chúng tôi mong muốn đảm bảo họ có lời cho việc mình làm, không muốn họ phiền hà khi phải kí giấy này, kí giấy kia thì chúng tôi vẫn phải làm đúng theo luật nhưng cách làm đơn giản hơn để phù hợp với điều kiện của họ”, ông chia sẻ.