Lập doanh nghiệp mang 100% lợi nhuận cho cộng đồng, nữ sáng lập đúc kết ‘chỉ có lòng tốt vẫn chưa đủ’
(DNTO) - 12 năm mang sắc màu đến các trường học, học sinh vùng khó khăn, Tạ Thùy Linh, nhà sáng lập Công ty TNHH xã hội Sắc Màu, cho biết hoạt động thiện nguyện muốn bền vững phải giữ uy tín và hoạt động đúng theo quy định pháp luật.
Bỏ ngành học yêu thích nhất để làm thiện nguyện
Đúng như tên gọi Sắc Màu, doanh nghiệp xã hội này mang lại màu sắc cho các điểm trường khó khăn ở vùng sâu, vùng xa bằng hoạt động sơn vẽ, trang trí lại trường lớp. Bên cạnh đó, Sắc Màu còn đồng hành thắp sáng ước mơ cho các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mồ côi, vươn lên trong học tập bằng các dự án quỹ học bổng.
Chia sẻ trong chương trình Doanh nhân chính truyện mới đây, Tạ Thùy Linh, nhà sáng lập Công ty TNHH xã hội Sắc Màu cho biết bắt đầu công việc này từ 12 năm trước, trong đó 1 năm để lên kế hoạch, viết dự án cho việc hình thành doanh nghiệp. Lúc đó, Thùy Linh mới là cô học sinh năm cuối đại học. Suy nghĩ của cô sinh viên khi ấy về việc làm thiện nguyện rất đơn giản, đó là “thích làm và thích nhìn mọi người vui”. Mục tiêu ban đầu của cô là cống hiến cho Sắc Màu trong 5 năm, khi 25 tuổi sẽ dừng công việc thiện nguyện để tập trung cho đời sống cá nhân.
“Những dịp lễ Tết, cuối tuần hay kể cả buổi tối trong tuần Linh đều dành để làm việc cho Sắc Màu. Giờ hành chính, tôi lại làm công việc cá nhân như những người khác. Những lúc cả 2 công việc vào đợt cao điểm sẽ rất mệt”, Thùy Linh chia sẻ.
Nhưng khi Sắc Màu có sứ mệnh lớn hơn với cộng đồng, Thùy Linh nhận thấy sứ mệnh của bản thân cũng lớn hơn. Cô quyết định tiếp tục gắn bó với Sắc Màu, đồng nghĩa cô cũng phải sắp xếp lại cuộc sống cá nhân của mình. Bởi phía sau mỗi người là gia đình, công việc hay trách nhiệm chu toàn cuộc sống của bản thân.
Bởi Linh cho rằng thiện nguyện là chủ động, tự nguyện nên phải làm tốt nhất bằng trách nhiệm của mình. Đối tượng thụ hưởng của các chương trình thiện nguyện thường là những người yếu thế. Vì vậy người hoạt động xã hội phải giữ được uy tín, giữ đúng cam kết để đảm bảo niềm tin của họ không bị mất đi với các tổ chức thiện nguyện. Điều này càng cần tính tập trung, sự kiên định với mục tiêu của những người làm công tác này.
“Tôi học chuyên ngành quản trị nhà hàng – khách sạn – ngành dịch vụ thường không bao giờ được nghỉ cuối tuần. Khi quyết định lựa chọn Sắc Màu, tôi phải từ bỏ ngành học của mình – một công việc mình yêu thích nhất”, nữ founder nói về lựa chọn của mình.
Làm tốt chưa đủ mà phải làm đúng
Những năm đầu tiên, khi nguồn lực chưa có nhiều, để có dòng tiền duy trì hoạt động, các thành viên trong ban điều hành của Sắc Màu cùng nhau đóng góp, người góp công, người góp của theo kiểu “ai có gì góp đó”. Hình thành từ nhóm nhỏ tiến lên doanh nghiệp xã hội nên cũng rất nhiều lần Sắc Màu đối diện với thách thức về tài chính. Có lúc, cô gái trẻ nữ nghĩ đến việc phải tạm dừng hoạt động.
Những lúc lưng chừng như vậy, may mắn có những mạnh thường quân xuất hiện để giúp Sắc Màu duy trì hoạt động. Linh đùa rằng những vị ân nhân của Sắc Màu thường xuất hiện “đúng lúc và kịp thời để tạo nên một bước ngoặt nào đó cho doanh nghiệp”.
“Khi bắt đầu công việc thiện nguyện năm 2018, tôi đã có nguyên tắc cho mình đó là không mưu cầu vật chất khi làm việc. Lâu lắm rồi tôi không biết mình có bao nhiêu tiền. Sắc Màu hoạt động theo dạng doanh nghiệp xã hội, theo quy định pháp luật ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế phải được dùng để tái đầu tư cho hoạt động cộng đồng. Nhưng khi đăng kí, chúng tôi quyết định dùng 100% tổng lợi nhuận cho việc vận hành hoạt động cộng đồng”.
Vì làm thiện nguyện bắt đầu từ yêu thích nên ban đầu, cô gái trẻ chưa có kiến thức, kinh nghiệm về quản trị, pháp lý để vận hành doanh nghiệp xã hội. Vì vậy Sắc Màu cũng gặp nhiều thách thức trong quản lý và báo cáo tài chính.
“Cũng có bị phạt một vài lần do thực hiện báo cáo trễ, do mình chỉ tập trung vào hoạt động mà không theo dõi tài chính. Tôi rút kinh nghiệm rằng muốn hoạt động thiện nguyện bền vững, lâu dài thì phải đảm bảo đúng quy định của nhà nước, không nên chỉ dừng lại ở việc có tiền, có thời gian là đi làm từ thiện. Nếu mình làm không đúng thì việc tốt cũng trở nên không hiệu quả”.
Đi đường dài bằng sự uy tín
Đối với một doanh nghiệp xã hội có 2 yếu tố chính để duy trì hoạt động đó là nội dung dự án và tài chính. Dự án phải thiết thực cho cộng đồng, có quy trình bài bản và tạo hiệu ứng tốt. Tài chính để duy trì hoạt động. Sau đó mới đến các yếu tố khác như con người, vận hành…
Dòng tiền của Sắc Màu đến từ phí tổ chức dịch vụ cộng đồng cho các doanh nghiệp, bán hàng gây quỹ, ngoài việc kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ từ cá nhân hay tổ chức. Có những quỹ có nguồn lực tài chính nhưng họ bị hạn chế bởi công tác vận hành, Sắc Màu giúp họ vận hành nguồn lực đó hiệu quả. Do đó, doanh nghiệp xã hội cũng phải tổ chức phòng ban bài bản, trong đó quan trọng là bộ phận kế toán và pháp lý.
“Với các đơn vị trao nguồn lực cho Sắc Màu, cái họ cần chính là chúng tôi phải sử dụng nguồn lực hiệu quả nhất, tránh lãng phí tấm lòng của họ. Các hoạt động về tài chính phải minh bạch, sau khi triển khai họat động phải có báo cáo cụ thể. Các đơn vị, tổ chức đồng hành họ không đề cao yếu tố PR, quảng cáo mà họ cần đối tượng thụ hưởng nhận được giá trị một cách tốt nhất”.
Đến hiện tại, khi Sắc Màu hoạt động ổn định, các dự án tạo được tính lan tỏa trong cộng đồng, Tạ Thùy Linh cho biết việc lựa chọn mô hình doanh nghiệp xã hội là hướng đi hợp lý. Vì họ không chỉ muốn làm thiện nguyện bằng tấm lòng, mà hơn hết họ muốn làm đúng, muốn được quản lý bởi cơ quan chức năng, giúp công tác quản trị, vận hành và tài chính minh bạch.
“Trước đây tôi nghĩ rằng mình làm việc tốt thì chỉ cần làm tốt là đủ. Nhưng giờ thì không, mình phải có kiến thức, kinh nghiệm và kĩ năng về việc mình làm. Bởi nó không chỉ để thỏa mãn mong muốn cống hiến của mình, mà còn ảnh hưởng tới đối tượng trực tiếp thụ hưởng”, Linh bộc bạch.