‘Ông lớn’ Bee Logistics đang làm thế nào để tối ưu chi phí vận tải?
(DNTO) - Nắm rõ thủ tục xuất nhập khẩu hai đầu, ‘bắt tay’ với đối tác nước bạn, chia sẻ thông tin với nhà sản xuất… là những cách Bee Logistics đang làm để tối ưu chi phí vận tải hàng hóa trong nước và quốc tế.
Với doanh số đạt 111 triệu USD năm 2019, Bee Logistics không chỉ là “ông lớn” trong ngành logistics tại Việt Nam mà còn tiến mạnh ra thế giới khi có tới 28 văn phòng trên toàn cầu và đã đầu tư tại thị trường Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc.
Để có thành tựu này, Bee Logistics đã không ngừng áp dụng nhiều phương thức nhằm tối ưu chi phí vận tải để giảm tổng chi phí logistics cho doanh nghiệp.
Ông Đinh Hữu Thạnh, Tổng Giám đốc Bee Logisitcs cho biết, hiện ở Việt Nam, các phương tiện vận tải hàng hóa đến các địa bàn xa xôi như châu Mỹ, châu Âu phần lớn nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, kinh nghiệm của Bee Logistics là tìm cách tối ưu hóa về phương tiện và phương thức vận tải, nhằm đáp ứng nhu cầu về mặt thời gian.
Cũng theo ông Thạnh, sự ra đời của Cảng Quốc tế Tân cảng - Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) với sự tập trung của nhiều hãng tàu lớn trên thế giới, hiện chi phí chi phí logistics Việt Nam, cụ thể là chi phí vận tải đến các thị trường xa xôi đã thấp hơn Trung Quốc.
Đơn cử từ tháng 5/2020, chi phí vận tải từ văn phòng của Bee Logistics tại Thượng Hải đến thị trường Mỹ có giá 4.000 USD/container, sau tăng dần lên tới 8.000 USD, thậm chí 11.000-12.000 USD/container. Trong khi đó, với một đơn hàng gấp chỉ đặt trước vài ngày, hiện giá vận chuyển từ Việt Nam vào sâu trong nội địa Mỹ ở mức 9.800 USD/container – mức giá đã tăng gấp 2,5 lần so với trước.
Tổng Giám đốc Bee Logistics cũng cho biết, để tối ưu hóa chi phí vận chuyển, doanh nghiệp logistics phải nắm bắt rõ được thủ tục xuất nhập khẩu hai đầu, đặc biệt tuân thủ theo đúng quy định của thị trường đến.
“Ví dụ thị trường Brazil hay một số thị trường khó tính quy định về chứng từ vận yêu cầu chính xác tuyệt đối. Nếu doanh nghiệp không tuân thủ nghĩ rằng nó dễ dàng như các thị trường khác thì sẽ dẫn đến bị phạt hoặc chậm thông quan”, ông Thạnh cho biết.
Bee Logistics cũng thông qua các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để kết hợp với các đối tác, doanh nghiệp nước bạn, lựa chọn cách thức vận tải thích hợp, các giải pháp để tối ưu hóa về mặt thời gian, góp phần giảm tổng chi phí của chuỗi logistics từ người bán Việt Nam đến tay người nhận nước ngoài.
Đồng thời, doanh nghiệp này cũng rất chú trọng đến việc tận dụng các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã kí kết với các nước để hưởng ưu đãi về thuế: “Ví dụ như xuất khẩu vào Mỹ qua Panama, đôi khi có một số khu vực chúng ta có thể tận dụng một số FTA với họ để đưa hàng hóa thâm nhập vào các thị trường mục tiêu”, ông Thạnh cho hay.
Cũng theo ông Đinh Hữu Thạnh, hiện các doanh nghiệp logistics không thể kiểm soát được cung cầu trên thị trường mà hầu hết vẫn phụ thuộc vào khả năng cung ứng của các nhà vận tải. Vì vậy, cách Bee Logistics làm là “bắt tay” với các hãng tàu, hãng hàng không để kí các hợp đồng, cam kết về sản lượng để được hưởng ưu đãi, từ đó có thể giảm giá thành vận tải cho doanh nghiệp.
Việc tại Việt Nam hiện có tới 70% xe chạy đường về rỗng hàng, ông Đinh Hữu Thạnh thừa nhận đây là sự lãng phí rất lớn. Ngay cả tại Bee Logistics, có trên 8.000 container hoạt động mỗi tháng nhưng mới chỉ tận dụng được 200 container vận chuyển hai chiều.
Nguyên nhân được ông Thạnh chỉ ra do Việt Nam thiếu nền tảng logistics uy tín, đủ tiềm lực để gắn kết cung và cầu; sự tham gia chia sẻ thông tin giữa các đơn vị, thành phần trong chuỗi cung ứng chưa tốt nên việc tận dụng hàng hai chiều chưa cao.
Để giải quyết vấn đề này, theo ông Thạnh cần có sự kết hợp, tham gia của các cơ quan nhà nước và chủ phương tiện vận tải cả đường bộ, đường biển trong cùng một nền tảng và các doanh nghiệp phải “đập bỏ bức tường thành” của riêng mình để sẵn sàng chia sẻ thông tin với nhau.
“Một số khách hàng của chúng tôi cũng kết hợp rất tốt trong việc sắp xếp kế hoạch sản xuất, chia sẻ thông tin để doanh nghiệp vận tải biết trước, chủ động sắp xếp hệ thống kho bãi, cách thức giao nhận hàng hợp lý. Tuy nhiên, muốn làm được điều này các doanh nghiệp phải nâng cao lòng tin với nhau và cũng phải có những quy định để bảo vệ thông tin, tránh việc cạnh tranh không lành mạnh”, ông Thạnh nhấn mạnh.