Liên kết, sáp nhập giúp doanh nghiệp logistics Việt tránh bị ‘nuốt chửng’ sau các FTA
(DNTO) - Sau các FTA, nhiều 'ông lớn' logistics toàn cầu sẽ 'nhảy' vào Việt Nam. Ngoài việc tự nâng cao năng lực, doanh nghiệp logistics Việt cần liên kết, sáp nhập để tạo thành tập đoàn logistics đủ sức cạnh tranh và mở rộng mạng lưới ra quốc tế.
Chưa chuẩn bị đón sóng FTA
Việt Nam hiện đã kí kết 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có những FTA thế hệ mới như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với mức cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất nhập khẩu và là điều kiện tiên quyết tăng cường nhu cầu vận chuyển, dịch vụ cung ứng kho bãi, dịch vụ giá trị gia tăng, nhu cầu giải pháp trọn gói và dịch vụ logistics toàn cầu.
Trao đổi trong Hội thảo Phát triển ngành Logsitcs Việt Nam để tận dụng cơ hội từ EVFTA và CPTPP, sáng 23/12, ông Bùi Bá Nghiêm, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, việc kí kết FTA góp phần thúc đẩy cơ hội đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nội địa, qua đó thúc đẩy xu hướng quốc tế hóa, toàn cầu hóa của các doanh nghiệp logistics Việt Nam, tiến tới phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu của công ty toàn cầu về tiêu chuẩn an toàn, trách nhiệm xã hội, logistics xanh, logistics tối ưu dòng hàng hóa, vận tải.
“Các FTA thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào ngành logistics Việt Nam với những cơ hội trong lĩnh vực M&A, chuyển giao công nghệ cũng như cải tiến hạ tầng cứng và mềm; đồng thời giảm chi phí cho doanh nghiệp logistics trong việc trang bị các thiết bị, phương tiện vận tải hay thiết bị công nghệ hiện đại, góp phần doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực tự thân, giảm bớt phần dịch vụ trước kia chỉ có doanh nghiệp nước ngoài mới có thể thực hiện”, ông Bùi Bá Nghiêm nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đứng dưới góc độ doanh nghiệp trong ngành, ông Đinh Hữu Thạnh, Tổng Giám đốc Bee Logistics cho biết, các FTA cũng tạo làn sóng để nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào Việt Nam là thách thức đối với doanh nghiệp Việt. Bởi các doanh nghiệp nước ngoài có hệ thống hiện diện toàn cầu, có nền tảng công nghệ và tài chính mạnh, nên khả năng cạnh tranh trên thị trường mạnh hơn, trong khi doanh nghiệp Việt Nam còn yếu về quy mô và còn nhiều hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ, cải tiến nâng cao năng suất lao động.
Đặc biệt, tính liên kết của doanh nghiệp Việt khá yếu, đặc biệt chưa tối ưu hóa dịch vụ vận tải nội địa, trong đó có vận tải xe container cũng như các xe tải nhẹ, dẫn đến 70% các chuyến xe đường về rỗng, gây lãng phí nguồn lực logistics của doanh nghiệp.
“Công tác chuẩn bị đón đầu các FTA của các doanh nghiệp logistics Việt Nam chưa tốt. Bản thân các doanh nghiệp logistics, kể cả Bee Logistics thường tập trung nhiều hơn vào hoạt động hàng ngày, chưa tìm hiểu sâu sắc về các cam kết trong FTA để tận dụng các cơ hội để phát triển. Ngoài ra, khung thông tin về FTA hiện tương đối phổ biến, nhưng việc giải thích kịp thời, cách dẫn giải giúp doanh nghiệp có thể hiểu cặn kẽ để tận dụng những ưu đãi của các hiệp định chưa được thuận lợi”, ông Đinh Hữu Thạnh nêu quan điểm.
Liên kết, sáp nhập để đủ năng lực cạnh tranh
Ông Nguyễn Hải Tịnh, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cho biết, sau khi EVFTA được kí kết, theo nghiên cứu của Thương vụ, cộng đồng doanh nghiệp Hà Lan cho biết một trong điểm nghẽn cho sự phát triển thương mại giữa Việt Nam và Hà Lan là cơ sở hạ tầng, trong đó hạ tầng logistics Việt Nam hiện có chi phí khá cao so với một số nước trong khu vực châu Á cũng làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại thị trường này.
Nguyên nhân được ông Tịnh chỉ ra là hiện doanh nghiệp logistics Việt Nam quy mô còn nhỏ, độ phủ sóng trên trường quốc tế hạn chế, thị phần doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường nội địa mới chiếm 25%. Vì vậy rất cần liên kết giữa các doanh nghiệp logistics Việt Nam thông qua hoạt động đối tác chiến lược, M&A để trở thành những tập đoàn lớn logistics để đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp logistics của nước ngoài và phủ sóng ra quốc tế.
“Nếu doanh nghiệp logistics Việt chỉ hoạt động tại thị trường nội địa sẽ chỉ là cầu phụ, những nhà cung ứng nhỏ lẻ cho các nhà cung ứng dịch vụ logistics có mạng lưới toàn cầu”, ông Tịnh nhấn mạnh.
Để phát triển hạ tầng đủ lớn cho ngành logistics phát triển, ông Nguyễn Tương. Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, Việt Nam cần đầu tư xây dựng thêm các cảng biển nước sâu, bởi hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam 2020 khoảng 690 triệu TEU chiếm 90% hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.
"Khi thực hiện đầy đủ các FTA thế hệ mới, đặc biệt là EVFTA, CPTPP và RCEP, hàng hóa thông qua cảng biển sẽ tăng nhanh hơn nên phải có các cảng biển nước sâu phục vụ chuyên chở hàng hóa nội vùng Đông Á, Đông Bắc Á và châu Âu, châu Mỹ", ông Tương cho biết.