Bàn đạp doanh nghiệp logistics và xuất khẩu Việt Nam 'nhảy' vào Trung Đông, châu Phi
(DNTO) - Hiện các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics của Việt Nam có thể tận dụng lợi thế hợp tác với Dubai, Ai Cập làm bàn đạp để tấn công vào thị trường Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ Latin.
Trong Diễn đàn giao thương trực tuyến logistics Việt Nam – Trung Đông, châu Phi 2020, chiều17/12, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho biết, dịch Covid-19 đã làm xáo trộn mạnh mẽ dịch vụ logistics vận chuyển hàng hóa của các nước trên thế giới, trong đó có dịch vụ logistics giữa Việt Nam và Trung Đông, châu Phi.
Theo số liệu sơ bộ của Cục Hàng hải Việt Nam, tính chung 11 tháng đầu năm, khối lượng hàng hóa qua cảng biển Việt Nam chỉ tăng nhẹ, 5% so với cùng kì năm trước, ước đạt gần 630 triệu tấn hàng hóa thông qua, trong đó hàng vận chuyển container ước đạt hơn 200 triệu tấn.
“Thời gian qua, chi phí cảng biển tăng mạnh vì thiếu container, trong khi Việt Nam và Trung Đông, châu Phi cách xa nhau về địa lý nên hoạt động hàng hóa xuất nhập khẩu càng thêm khó khăn do dịch Covid-19, chi phí đắt đỏ hơn và vướng nhiều rào cản. Để giúp thương mại giữa Việt Nam và Trung Đông, châu Phi tăng trưởng, việc phát triển dịch vụ logistics hai bên có ý nghĩa quan trọng”, ông Hoàng Minh Chiến nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, ông Ahmed Hassan, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Ai Cập, CEO Công ty Speed Ahmed Hassan cho biết, dịch Covid-19 khiến nhu cầu mua bán lẻ trực tuyến các sản phẩm y tế và sản phẩm tươi sống tăng đột biến. Chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics hiện tại đã có những nỗ lực để đáp ứng những nhu cầu mới này, tuy nhiên khoảng cách cung và cầu vẫn cách xa.
Vì vậy, việc xây dựng các nền tảng số để ứng dụng vào hoạt động logistics sẽ mang lại cho mạng lưới các cảng biển, cảng hàng không, các khu vực kinh tế sự bảo đảm về vận chuyển hàng hóa giữa các khu vực. Đồng thời, các công nghệ mới đang thúc đẩy hoạt động logistics trực tuyến và thương mại thông minh hơn, hiệu quả tốt hơn, minh bạch và rõ ràng hơn.
Đại diện Phòng Thương mại Ai Cập cũng cho biết, nước này cũng đã triển khai nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn, đặc biệt đã thiết lập khu vực về logistics và công nghiệp lớn, là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác và hưởng lợi từ vị thế chiến lược của Ai Cập - một trung tâm sản xuất và tái xuất khẩu tại khu vực châu Phi và các quốc gia Ả rập.
“Thông qua các khu vực thương mại tự do mà Ai Cập hiện có với các đối tác châu Á, châu Âu và châu Phi, doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển đổi sự hợp tác 2 bên thành 3 bên, trở thành trung tâm logistics và sản xuất tại Ai Cập để tăng cơ hội kết nối với các đối tác trên”, ông Ahmed Hassan nhấn mạnh.
Năm 2019, Việt Nam và Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã ký Thỏa thuận hợp tác về vận tải đa phương thức. Trong đó, Dubai (thành phố và đồng thời là một trong bảy tiểu vương quốc của UAE) có kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, logistics rất phát triển, gồm hãng hàng không Emirates với 240 điểm đến trên thế giới, công ty DP Global có quan hệ hàng hải với 78 cảng biển trên toàn cầu, có 20 khu vực thương mại tự do, với hệ thống kho bãi hiện đại.
Ngoài ra, sáng kiến WLP (World Logistics Passport) của UAE sẽ tạo ra một sân chơi cho hoạt động logistics “từ điểm đầu đến điểm cuối”, cho phép thời gian giao vận tối ưu giữa các nước trong vòng 48 tiếng đồng hồ.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, doanh nghiệp xuất khẩu và logistics Việt Nam có thể tận dụng các phương tiện của trung tâm logistics lớn đa phương tiện Dubai nhằm mở rộng phạm vi điểm đến cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Đông, châu Phi và Nam Mỹ và khu vực Mỹ Latin.