Ông Huỳnh Minh Tuấn: Vĩ mô xấu nhưng Việt Nam điều hành 'khéo', nhà đầu tư nên tập trung hai nhóm cổ phiếu
(DNTO) - Đó là nhóm phòng thủ, gồm điện, nước, bán lẻ, y tế... và nhóm tập trung vào câu chuyện phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút FDI như bất động sản khu công nghiệp hay xây dựng hạ tầng. Các cổ phiếu tiêu biểu cho hai nhóm ngành trên được khuyến nghị đầu tư cho năm 2023 bao gồm REE, MWG, KBC, HHV...
Trong bối cảnh thị trường đang trong giai đoạn sóng gió, thách thức phía trước được dự đoán cũng không hề đơn giản, lựa chọn đầu tư nào để phù hợp với giai đoạn mới là điều khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng.
Theo nhà sáng lập FIDT, ông Huỳnh Minh Tuấn, thị trường chứng khoán thường phản ánh kỳ vọng, tức đã phản chiếu bộ mặt vĩ mô trong nước từ một đến ba quý trước. Việt Nam hiện đang có câu chuyện vĩ mô trong nước tốt trên nền tương đối thấp của năm trước và những điều này đã được phản ánh đâu đó giai đoạn cuối 2021.
Câu chuyện nằm ở hai quý tới với các vấn đề như sụt giảm xuất khẩu, tăng trưởng ở các ngành nghề chậm lại khi lãi suất tăng lên. "Rõ ràng thị trường đang phản ánh kỳ vọng nền kinh tế ít nhất nửa năm tới. Chi phí lãi vay tăng lên thì dòng tiền sẽ dễ dàng bị rút ra khỏi chứng khoán. Tiền ít cổ phiếu nhiều thì thị trường vẫn còn lình xình", ông Tuấn nhận định tại tọa đàm “Thị trường chứng khoán 2023: Xu thế mới, lựa chọn mới” diễn ra ngày 27/9.
Tuy nhiên bức tranh hiện tại màu xám lại thích hợp với nhiều nhà đầu tư, họ được lựa hàng tốt, giá hợp lý. Điều này tùy khẩu vị rủi ro của mỗi người, nếu người về hưu nên gửi tiết kiệm để an toàn nhưng nhiều nhà đầu tư có thể đổi đời nếu tìm đúng "long mạch". Quan trọng, nhà đầu tư hãy nhìn vào trung hạn và dài hạn, quay lại với câu chuyện phân bổ chiến lược và điều chỉnh lại kỳ vọng khi mà giai đoạn dễ dàng kiếm tiền từ chứng khoán đã qua và thị trường đã về với "mặt đất".
Theo dự báo của nhà sáng lập FIDT, giai đoạn quý 4 năm nay chỉ số VN-Index có thể trong khoảng 1.300 điểm. Ông Huỳnh Minh Tuấn khuyến nghị đầu tư cho năm 2023 gồm hai nhóm cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu phòng thủ được chia làm các chủ điểm: nhóm điện tiện ích, điện nước với các mã như PC1, REE, BWE...; nhóm bán lẻ thiết yếu với các mã như MWG, FRT... và cuối cùng là nhóm y tế, lương thực, thực phẩm.
Với câu chuyện phát triển hạ tầng và thu hút FDI, chia sẻ của ông Tuấn dành cho hai nhóm: Nhóm bất động sản khu công nghiệp với các mã như NTC, PHR, KBC... và nhóm xây dựng hạ tầng như HHV, VCG, C4G...
Các ngành như thủy hải sản, đồ gỗ, dệt may…. sẽ chịu tác động tiêu cực bởi xuất khẩu giao thương với thế giới sụt giảm. Đồng thời, khi giá của tiền mặt tăng lên, chúng ta sẽ suy giảm tiêu dùng và đầu tư.
Chuyên gia cũng cho biết, hiện thu hút đầu tư vốn nước ngoài Việt Nam đang có nhiều thuận lợi như đối thủ lớn nhất trong lĩnh vực này là Trung Quốc vẫn đang thực hiện các biện pháp chống dịch Covid-19. Trong khi đó, Việt Nam có lợi thế chi phí đầu vào, mức tiền lương trung bình hay giá thuê bất động sản hay chi phí xây dựng khá cạnh tranh với nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia...
Trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động từ các yếu tố bên ngoài, theo ông Tuấn, Việt Nam rất "khéo" trong điều hành chính sách, đánh giá đúng tình thế và có các biện pháp phù hợp. Đây là nền tảng cho các yếu tố ổn định trong nước. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải làm sao chớp lấy cơ hội đầu tư hạ tầng bởi "hệ số lan tỏa lớn", đồng thời có thể giúp chúng ta đi qua cơn suy thoái một cách dễ dàng.
"Tôi rất tiếc là giai đoạn tiền rẻ toàn cầu năm 2020-2021, nếu chúng ta nhạy cảm và quyết tâm hơn đã có thể huy động được nguồn vốn quốc tế với giá rẻ và giờ có thể xây dựng được các siêu công trình hạ tầng, qua đó có thể dễ dàng lướt qua nỗi lo suy thoái như Trung Quốc giai đoạn 2008-2010.Tuy nhiên, giờ đã muộn bởi giá đã cao rồi", ông nhấn mạnh.