Nữ giới chiếm tỷ lệ cao trong lao động di cư
(DNTO) - Theo ông Hồ Công Hòa, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, lao động di cư trong nước đã giảm, nhưng di cư nữ vẫn chiếm tỷ trọng lớn; xu hướng lao động di cư có việc làm đang giảm và tỷ lệ nữ lao động di cư có việc làm thấp hơn nam di cư.
Tại Hội thảo Nghiên cứu các vấn đề về giới trong di cư trong nước và tái cơ cấu kinh tế ở Việt Nam, diễn ra hôm nay 23/4, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, trong số người di cư thì có tới 70-80% người đến từ nông thôn. Việc di cư liên quan đến câu chuyện có vốn đầu tư nước ngoài, bùng nổ khu công nghiệp tại Việt Nam… Do đó, cần nghiên cứu để phát triển bền vững.
“Di cư là yếu tố quan trọng đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, nhất là di cư trong nước. Di cư là động lực tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, giúp làm giảm sự khác biệt vốn có giữa các vùng thông qua đáp ứng nhu cầu lao động cho phát triển, qua đó đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu kinh tế’, ông Cương nói.
Trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu, ông Hồ Công Hòa, Phó trưởng ban, Ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội, CIEM, cho biết: Thay đổi cơ cấu kinh tế tất yếu làm tăng dòng dịch chuyển nguồn lao động từ nông thôn ra thành thị, đồng thời làm thay đổi về cơ cấu lao động làm việc trong các ngành của nền kinh tế.
Cũng theo ông Hồ Công Hòa, lao động di cư trong nước đã giảm, nhưng di cư nữ vẫn chiếm tỷ trọng lớn; xu hướng lao động di cư có việc làm đang giảm và tỷ lệ nữ lao động di cư có việc làm thấp hơn nam di cư.
“Xét về thu nhập theo nhóm tuổi, mức chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ lao động di cư đang có xu hướng tăng dần, càng lớn tuổi mức chênh lệch càng lớn. Mặc dù khoảng cách bất bình đẳng thu nhập của nữ di cư so với nam di cư đã được rút ngắn nhưng vẫn còn khá lớn. Về cơ bản, để nữ di cư có thu nhập bằng nam di cư thì họ phải làm việc nhiều hơn”, ông Hòa nói.
Trong thời gian tới, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, đặc biệt là tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ đặt ra những thách thức to lớn đối với thị trường lao động Việt Nam. Đó là mức độ rủi ro về việc làm có khả năng tăng lên ở những nhóm lao động có trình độ và kỹ thuật thấp, lao động nữ, lao động trung niên và cao tuổi do thay đổi cơ cấu sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Những biến động của thị trường lao động đòi hỏi chính sách, pháp luật phải được đổi mới và hoàn thiện để trở thành một công cụ quản trị, điều tiết thị trường lao động hiệu quả với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động chủ động phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro, đồng thời tăng cường kỹ năng và các cơ hội tham gia thị trường lao động cho người lao động.