Những khuyến nghị cho doanh nghiệp trong nước khi Hoa Kỳ tăng nhập hàng Việt Nam
(DNTO) - Xuất khẩu Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng 2 con số trong những tháng đầu năm, nhưng song song với đó, thị trường này tăng cường biện pháp điều tra phòng vệ thương mại với một số mặt hàng Việt Nam.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, dù nước này vẫn đang chịu tác động từ suy giảm kinh tế, lạm phát, người dân thắt chặt chi tiêu. Kim ngạch xuất khẩu hàng Việt sang thị trường này trong 2 tháng đầu năm đạt 17,4 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết hơn một nửa giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là các sản phẩm công nghệ cao (hàng điện tử tiêu dùng, điện thoại thông minh), cũng như các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như may mặc và giày dép, đồ gỗ, thủy sản.
Sự tăng trưởng trở lại của kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ cho thấy sự phục hồi nhanh chóng của thị trường này trước những biến động kinh tế. Dự báo trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ phục hồi đáng kể so với năm trước khi lạm phát nước này được kiểm soát, nhu cầu thị trường tăng lên, hàng tồn kho giảm.
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại – Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ nhận định rằng, hàng Việt có nhiều cơ hội gia tăng thị phần tại Hoa Kỳ khi tiềm năng hợp tác giữa hai bên đang trên đà bứt tốc mạnh mẽ sau khi nâng cấp mối quan hệ thành đối tác chiến lược toàn diện.
Đặc biệt, Hoa Kỳ sẽ tiến hành bầu cử Tổng thống vào năm 2025 nên có thể sẽ không có nhiều thay đổi về chính sách thương mại trong năm nay, do vậy quy định xuất nhập khẩu cũng không có nhiều biến động.
Bên cạnh đó, để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc, Hoa Kỳ cũng đang thực hiện chính sách đa dạng hóa nguồn cung. Điều này đang mở ra cơ hội rất lớn cho hàng hóa của Việt Nam.
Tuy vậy, các chuyên gia nhận định, hoạt động xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức. Xung đột địa chính trị giữa các quốc gia, khu vực diễn biến phức tạp, căng thẳng Biển Đỏ đang khiến giá cước vận tải biển gia tăng. Chỉ số giá cước container thế giới tuần 10/2024 ở mức 3.287 USD, tăng 82% so với cùng kì và cao hơn 131% so với mức trung bình của năm 2019 trước đại dịch (1.420 USD), theo Drewry.
Giá cước vận chuyển từ Châu Á đến Bờ Tây Bắc Mỹ trong tuần 10/2024 ở mức 4.312 USD/FEU, theo Xeneta. Căng thẳng ở Biển Đỏ khiến các tàu không thể trả container rỗng về châu Á kịp thời, có nguy cơ thiếu thiết bị hếu tình hình không thay đổi, có thể xảy ra tình trạng thiếu thiết bị.
Điều này làm đội chi phí cho hàng hóa Việt Nam và ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của hàng hóa khi quãng đường di chuyển giữa hai thị trường rất xa, trong khi công nghệ bảo quản hàng nông thủy sản của ta còn hạn chế.
Chưa kể, Hoa Kỳ tăng nhập hàng hóa từ Việt Nam và nhiều thị trường khác, nhưng cũng tăng cường kiểm soát lượng nhập khẩu bằng các biện pháp phòng vệ thương mại, nhằm bảo vệ ngành sản xuất nội địa của họ. Năm 2023, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đối diện với 16 vụ việc khởi xướng mới, phần lớn do Hoa Kỳ thực hiện. Ngay trong những tháng đầu năm 2024, nước này đã khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại với một số sản phẩm, ngành hàng của ta như đĩa giấy, xơ sợi.
Cục phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương) mới đây cũng phát đi cảnh báo với 7 nhóm hàng cũng đang được Hoa Kỳ đưa vào “tầm ngắm” gồm sản phẩm gỗ xuất khẩu, vật liệu xây dựng, thép, pin năng lượng mặt trời, xe đạp điện, máy giặt dân dụng, lốp xe.
Có thể thấy, ngay cả những sản phẩm không phải thế mạnh của Việt Nam, lượng xuất khẩu không đáng kể, cũng có nguy cơ bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Mặc dù đa phần trong các vụ kiện phòng vệ thương mại, Việt Nam đều nỗ lực giải quyết kháng kiện hiệu quả, nhưng việc Hoa Kỳ tăng tần suất điều tra cũng là thách thức lớn với hàng hóa của ta khi muốn tăng lượng xuất khẩu vào thị trường này.
Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động lưu trữ hồ sơ, tài liệu, dữ liệu các lô hàng xuất khẩu. Luôn có kế hoạch, phương án dự phòng để sẵn sàng trước tình huống có thể bị khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại. Thường xuyên theo dõi thông tin từ phía cơ quan, tổ chức liên quan để cập nhật thông tin về các mặt hàng trong diện cảnh báo sớm; đồng thời trong các vụ việc, nên hợp tác tích cực với cơ quan điều tra để kháng kiện hiệu quả.