Nhóm tân tỷ phú tiền điện tử gia nhập danh sách Forbes 400
(DNTO) - Lần đầu tiên, 7 tỷ phú đã tạo dựng nên khối tài sản riêng trong lĩnh vực tiền điện tử lọt vào danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ do Forbes bình chọn - 6 trong số họ là những người mới.
Chỉ là con số 6 khiêm tốn nhưng tổng giá trị tài sản của nhóm tân tỷ phú tiền điện tử này lại lên đến 55,1 tỷ USD. Sự gia tăng số lượng tỷ phú mới thuộc lĩnh vực tiền điện tử phần lớn đến từ tình hình các loại tiền kỹ thuật số liên tục thiết lập các kỷ lục giá mới trên toàn thế giới.
Kể từ tháng 9/2020, giá Bitcoin đã tăng từ 10.128 đô la lên 50.078 USD. Ether, loại tiền điện tử lớn thứ hai, cũng tăng gần 1.000%. Còn nếu tính tổng vốn hóa thị trường của tiền điện tử, con số này đã vượt qua 1 nghìn tỷ đô la, để đến tháng Năm vừa qua đạt đỉnh 2,4 nghìn tỷ USD.
Tuy nhiên, dường như đó mới chỉ là sự khởi đầu. Một số công ty khởi nghiệp ngành này như Ripple, Kraken, Circle, BlockFi hay eToro…, đã ra thông báo hoặc mới “nhá” về kế hoạch ra mắt công chúng của mình. Ngoài ra còn có sự tham gia của vài công ty đầu tư mạo hiểm nữa, đứng đầu là quỹ tiền điện tử 2,2 tỷ đô la của Andreessen Horowitz. Tất cả đang sẵn sàng thúc đẩy giá trị của các công ty tư nhân liên quan tiền điện tử lên tầm cao mới.
Có một nghịch lý hiện nay là, bất chấp bản chất dễ bay hơi của “tiền ảo”, như Bitcoin sẵn sàng có lúc lao từ 64.000 xuống 29.000 USD/đồng – thứ nền kinh tế “đầy sợ hãi, không chắc chắn và lắm nghi ngờ” này vẫn tạo ra các tỷ phú với tốc độ chóng mặt. Hãy cùng thử điểm danh những cái tên mới trong lĩnh vực tiền điện tử lọt vào list 400 người giàu nhất nước Mỹ do Forbes bình chọn.
Trước tiên là CEO của FTX, Sam Bankman-Fried, nhân vật đã chiếm gần một nửa “kho tàng” tài sản của 6 người mới, tức trị giá 22,5 tỷ USD. Chỉ trong hai năm, Bankman-Fried đã xây dựng nên nền tảng giao dịch tiền điện tử lớn nhất, xử lý một khối lượng 13,8 tỷ USD mỗi ngày. Điển hình của thành công ấy là hồi tháng 7 vừa qua, FTX đã khép lại đợt gây quỹ trị giá 900 triệu USD, vòng đầu tư mạo hiểm lớn nhất thuộc ngành tiền điện tử tính đến nay, với mức định giá 18 tỷ USD.
Những tân phú gia của Forbes 400 khác còn bao gồm Giám đốc điều hành Coinbase, Brian Armstrong, Cameron và Tyler Winklevoss, chủ sở hữu Gemini, Fred Ehrsam và Jed McCaleb, đồng sáng lập Ripple, một công ty có trụ sở tại San Francisco thuộc nhóm giao dịch tài chính quốc tế bằng công nghệ blockchain. Chỉ có riêng Chris Larsen, một đồng sáng lập Ripple khác, là đã xuất hiện sớm trong danh sách năm ngoái, và đang hiện sở hữu tài sản ước tính khoảng 6 tỷ USD.
Brian Armstrong, Giám đốc điều hành và người đồng sáng lập của sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất ở Hoa Kỳ, Coinbase. Sở hữu 19% trong Coinbase, Armstrong đã tăng dần khối tài sản lên 11,5 tỷ USD sau khi đưa công ty ra mắt công khai vào tháng 4.
Còn cặp song sinh Cameron Winklevoss và Tyler Winklevoss với tài sản 4,3 tỷ USD mỗi người, là nhà sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử Gemini. Cả hai đã được vinh dự xuất hiện trên trang bìa tạp chí 2021 World’s Billionaire của Forbes, nhận biệt danh “Merchants of the Metaverse” (những thương gia của Metaverse). Chính hình trang bìa ấn tượng này đã mang về 333.333 USD trong một cuộc đấu giá trên nền tảng nghệ thuật kỹ thuật số Nifty Gateway của cả hai.
Một “người mới” khác là Fred Ehrsam, đồng sáng lập Coinbase với Armstrong vào năm 2012. Dù đã rời công ty vào năm 2017, nhưng anh vẫn là thành viên hội đồng quản trị bên cạnh chức danh lãnh đạo công ty đầu tư tập trung vào tiền điện tử Paradigm. Ehrsam đang có giá trị tài sản ròng là 3,5 tỷ USD.
Cuối cùng phải kể đến Jed McCaleb, chủ nhân gia sản 3 tỷ USD. Đây có thể nói chính là người tiên phong trong không gian blockchain, nhân vật đã giúp các công ty tiền điện tử nổi tiếng, bao gồm Ripple và sàn giao dịch bitcoin Mt. Gox, ra mắt. Phần lớn tài sản của McCaleb đến từ cổ phần XRP với tư cách là người đồng sáng lập Ripple.