Mùa dịch, dân nhà giàu biến thành những nhà sưu tập trực tuyến
(DNTO) - Trong thời kỳ đại dịch, người giàu thi nhau cạnh tranh trong các cuộc đấu giá trực tuyến để sở hữu đồ trang sức, đồng hồ, vật dụng nội thất, thẻ thể thao, ô tô cổ, hàng Nike phiên bản giới hạn, tác phẩm nghệ thuật cũng như tiền điện tử cho các bộ sưu tập của mình.
Tình cảnh bị cô lập vì lệnh phong tỏa giãn cách do dịch bệnh Covid-19 ở nhiều quốc gia khiến người dân thấy buồn chán. Giới nhà giàu cũng thế, và họ tìm cách tiêu khiển theo một cách khác, chi xài mua sắm trực tuyến những thứ ưa thích của kẻ lắm tiền nhiều của. Thế là giá trị của những món đồ sưu tầm nghe khó tin như bàn cà phê, rượu whisky, giày thể thao Air Jordans và thẻ Pokémon... đã tăng vọt. Hoàn cảnh đã đẩy đưa để dân nhà giàu bỗng chốc biến thành giới sưu tập, nhà đầu tư.
Trong thời kỳ đại dịch, thay vì bỏ tiền mua cổ phần ở các công ty mới thành lập, tranh nhau đặt chỗ tại nhà hàng thời thượng hoặc cạnh tranh đấu thầu các căn hộ ở những khu đắc địa, giới nhà giàu lại “chen chúc” trong các cuộc so kè trực tuyến sở hữu đồ trang sức, đồng hồ, đồ nội thất, thẻ thể thao, ô tô cổ, giày Nike phiên bản giới hạn, tác phẩm nghệ thuật và tiền điện tử. Thế là túi Birkin ngày càng hot, nữ trang được bán với con số kỷ lục, bất chấp không biết chúng được dùng để làm gì khi mọi người chẳng được nhiều thời gian ra đường, khoe trước đám đông.
Đôi bông tai bạch kim và kim cương của ImagePamela Huizenga có giá 90.000 USD tại Moda Operandi gần như đã cháy hàng. Đồng hồ Rolex Day-Dates được bán trên thị trường thứ cấp, trước đây với giá 30.000 USD hiện đang tăng lên 50.000 USD trên một số trang web bán lại. Nautilus 5980, một chiếc đồng hồ thể thao chronograph bằng vàng hồng của Patek Philippe hiếm khi có thể được tìm thấy trên phố với giá dưới 200.000 USD, nay lại có giá bán lẻ 85.000 USD.
Từ Lễ Tạ ơn vừa qua, các nhà đấu giá đã nhanh nhảu hàng ngày gửi đi các bản tin để chào hàng. Một cặp ghế salon Conoid của nhà chế tác đồ gỗ nổi tiếng George Nakashima vào năm 2019 có giá khoảng 10.000 USD, đã được bán vào tháng 10/2020 với giá 23.750 USD, thông qua nhà đấu giá Wright ở Chicago. Một bàn cà phê Mesa của T.H. Robsjohn Gibbings, kiến trúc sư người Anh, mà tên tuổi chỉ được biết đến trong giới đồ nội thất, năm ngoái giá 237.500 USD, nay được bán 2,5 triệu USD, gần gấp đôi giá cũ.
Vào tháng 2 vừa qua, tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số vẽ Donald Trump thất cử úp mặt xuống bãi cỏ được bán với giá 6,6 triệu USD, một kỷ lục mà ngay cả giá bitcoin tăng cũng không gây sốc bằng. Thật trùng hợp là mặt hàng sưu tập này lại được mua bằng Ethereum, cũng một dạng tiền điện tử nữa. Hai tuần sau, nhà đấu giá Christie’s bán được một tác phẩm khác giá 69 triệu USD. Rồi một chiếc thẻ thể thao cổ điển đắt ngang tranh Warhol.
Hồi tháng 1, chiếc áo khoác Mickey Mantle năm 1952 bán thông qua đấu giá trực tuyến đến 5,2 triệu USD. Sau đó một tháng, Goldin Auctions, trang web sưu tầm thể thao đã tổ chức phiên đấu giá mùa đông hàng năm thu về 45 triệu USD, gấp 9 lần năm ngoái.
Một trong những khách hàng quen thuộc của Goldin là Clement Kwan. Kể từ khi đại dịch bắt đầu, bộ sưu tập của Kwan đã tăng thêm 200 lần. Ông đã mua bộ thẻ thể thao có hình siêu cầu thủ bóng rổ với giá khoảng 30.000 USD mỗi thẻ. Nhưng đến tháng 5/2020, ông đã bán lại một thẻ loại ấy với giá gần 100.000 USD, rồi đầu năm 2021 vừa qua, một thẻ khác của Kwan cũng được đấu giá trực tuyến thành công với số tiền cách biệt khủng, đến 738.000 USD.
Một mối quan tâm mới khác của giới sưu tập nhà giàu mùa dịch là giày thể thao. Tháng 5 năm ngoái, Ariana Peters đã sở hữu được thứ mà một số người tin rằng đây là bộ sưu tập giày thể thao giá trị nhất trên thế giới: đôi Air Jordans 1985 có chữ ký giá 275.000 USD. Vào năm 2019, chị em Peters đã bán được 572 đôi giày thể thao với giá khởi điểm là 500 đô la. Năm sau, đầu mùa dịch họ đã bán được 879 đôi!
Những ai không mặn mà lắm với kiểu sưu tập cổ điển thì lại có cách tiêu tiền phong thái khác. Họ vào Rally, một ứng dụng Android và iPhone có bán đấu giá đủ mọi thứ thông qua cổ phiếu, từ đồng hồ Rolex GMT, siêu đồ chơi bằng nhựa, bộ sưu tập Pokémon, các trò Nintendo “tuyệt chủng” những năm 90, giày thể thao Nike và đến cả... hài cốt khủng long.
Ứng dụng đã có 100.000 người dùng từ khi bắt đầu đại dịch và quản lý đến 12 triệu USD hàng tồn kho, đến nay công ty hiện giám sát số hàng hóa trị giá 30 triệu USD, và số người dùng cũng tăng đến hơn 200.000 người. Độ tuổi trung bình của những user ở đây là 28 và hầu hết là nam giới. Cuối cùng là những tay nhà giàu bỏ tiền đầu tư vào các cổ phiếu lạ như công nghệ sinh học, rượu whisky cổ điển hay thuốc gia truyền điều trị các bệnh hiếm về thần kinh.