Nhóm cổ phiếu đầu tư công, bảo hiểm, ngân hàng sẽ được ưu tiên trong tuần giao dịch mới?
(DNTO) - VN-Direct nhận định, xu hướng giảm của lãi suất trái phiếu Chính phủ có thể chỉ báo sớm cho xu hướng hạ nhiệt lãi suất thị trường thời gian tới. Nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng tiền mặt cao, có thể ưu tiên nhóm cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng như nhóm đầu tư công, năng lượng, ngân hàng, bảo hiểm.
Trong tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến nhịp điều chỉnh rõ nét sau 4 tuần tăng điểm liên tiếp. Cụ thể, chỉ số VN-Index đã có 2 phiên giảm sâu vào phiên đầu tuần và phiên thứ 3 trong tuần (1/2) với mức giảm lần lượt là 1,3% và 3,2%. Sau đó, chỉ số VN-Index đã lấy lại được mốc cân bằng và giao dịch trong biên độ hẹp vào 2 phiên cuối tuần.
Mặc dù xuất hiện những thông tin vĩ mô khá tích cực trong tuần qua như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản như dự kiến, và Nghị định 65 sửa đổi sẽ được trình quốc hội vào đầu tuần tới, lợi nhuận toàn thị trường lại giảm mạnh 30,4% so với cùng kỳ trong quý 4/2022. Điều này đã khiến định giá thị trường kém hấp dẫn hơn và chỉ số VN-Index điều chỉnh mạnh 3,6% so với cuối tuần trước về mức 1.077,2 điểm. Trong khi đó HNX-Index giảm 2,5% xuống 215,3 điểm còn UPCOM-Index lại tăng nhẹ 0,7% lên mức 75,5 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng mạnh với giá trị giao dịch bình quân 3 sàn tăng 24,2% lên mức 15.255 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại mặc dù vẫn mua ròng trên sàn HoSE nhưng giá trị đã sụt giảm 44,8% xuống còn 1.680 tỷ đồng. Ngược lại, khối ngoại gia tăng giá trị mua ròng trên 2 sàn HNX-Index và UPCOM-Index với giá trị lần lượt đạt 130 tỷ đồng (tăng 27% so với tuần trước) và 48 tỷ đồng (tăng 132% so với tuần trước).
Trên bối cảnh thị trường điều chỉnh mạnh, sự phân hóa giữa các cổ phiếu Ngân hàng đã diễn ra khi HDB (tăng 4,8%), VIB (tăng 4,1%), OCB (tăng 3,8%) đều tăng còn VPB (giảm 7,4%), TCB (giảm 6,7%) và BID (giảm 2,7%) lại điều chỉnh mạnh.
Trụ cột thứ 2 của VN-Index là ngành Bất động sản đã chứng kiến sự điều chỉnh khi hầu hết các cổ phiếu nhóm này đều giảm như VHM (giảm 9,8%), VIC (giảm 5,4%), NLG (giảm 2,8%), DXG (giảm 5,0%). Ngành thực phẩm với kết quả kinh doanh quý 4 không thuận lợi cũng đã khiến MSN và VNM giảm lần lượt 6,9% và 5,0%. Đà điều chỉnh của thị trường chứng khoán tuần qua không quá bất ngờ khi thị trường đã có một nhịp tăng dài trước đó.
"Bức tranh kết quả kinh doanh quý 4/2023 của các doanh nghiệp niêm yết kém tích cực hơn dự báo và động thái hạ tỷ trọng margin của một số bên đã kích hoạt đà điều chỉnh của thị trường. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể giữ vững vùng hỗ trợ 1.060-1.070 điểm trong tuần tới và phục hồi trở lại", Khối phân tích VN-Direct nhận định.
Phân tích thị trường chứng khoán tuần mới (6-10/2), VN-Direct cho rằng thông tin hỗ trợ từ việc Nghị định sửa đổi về phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ được Bộ Tài chính trình lên Chính phủ xem xét thông qua. Bên cạnh đó, thị trường có thể dần thẩm thấu tín hiệu tích cực từ việc lãi suất đang có xu hướng hạ nhiệt. Cụ thể, lãi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam kỳ hạn 10 năm đã giảm mạnh trong vòng một tháng gần đây về mức 4.1% từ mức đỉnh 5%.
"Xu hướng giảm của lãi suất trái phiếu Chính phủ có thể chỉ báo sớm cho xu hướng hạ nhiệt lãi suất thị trường (huy động/cho vay) trong thời gian tới. Do đó, đối với nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng tiền mặt cao, có thể xem xét giải ngân thăm dò khi VN-Index về vùng hỗ trợ 1.060-1.070 điểm, ưu tiên nhóm cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng rõ nét trong năm 2023 như nhóm đầu tư công, năng lượng (điện, dầu khí), ngân hàng, bảo hiểm", Khối phân tích nhận định.