Nhà hàng, khách sạn cầm cự trong một năm đầy biến động
(DNTO) - Thuộc lĩnh vực chịu tác động mạnh do tổng cầu giảm (cả trong và ngoài nước), mảng nhà hàng, khách sạn hiện vẫn còn rất lao đao.
Cầm cự nhờ nguồn khách trong nước
Khách du lịch đến Việt Nam sụt giảm mạnh, tác động tiêu cực lên ngành kinh doanh khách sạn. Khách lưu trú chủ yếu là nội địa và một ít khách nước ngoài đang “kẹt” lại Việt Nam. Hầu hết các khách sạn trên địa bàn TP.HCM ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm.
Một số chủ khách sạn cho biết, để có thể tồn tại đến khi dịch hoàn toàn được khống chế, họ phải giảm chi phí đầu tư mới, cắt giảm nhân sự, tập trung kinh doanh online, các nhân sự phải gồng gánh, kiêm nhiệm với mức thu nhập giảm.
Đại diện khách sạn Chez Mimosa cho biết, do dịch bệnh, chuỗi khách sạn này phải tạm đóng cửa một chi nhánh do không đủ kinh phí để duy trì hoạt động và đang từng ngày chờ hết dịch.
Chuỗi khách sạn Hoàng Su Phì Lodge, Y Tý Lodge và Trà Vinh Lodge, do nguồn khách chủ yếu đến từ châu Âu, nên từ khi Việt Nam đóng cửa biên giới, khách nước ngoài đến đây gần như không còn. Hệ thống này chỉ đón được một số khách là chuyên gia đang sống và làm việc tại Việt Nam.
Để duy trì hoạt động kinh doanh, một số khách sạn giảm giá, khuyến mãi và kết nối với các lĩnh vực khác nhằm kích cầu khách du lịch trong nước. Các chuỗi khu nghỉ dưỡng sinh thái tận dụng lợi thế điểm đến an toàn, phong cảnh đẹp, không gian rộng, trang thiết bị tiện nghi và sang trọng, thực phẩm có sẵn tại khu nghỉ (cá, rau, gà…) để tiếp cận thị trường khách nội địa nhiều hơn. Nhờ vậy, một số khách sạn vẫn duy trì được hoạt động, đảm bảo công việc cho nhân viên.
Một số chủ khách sạn nhìn nhận, ngành du lịch sẽ trở lại bình thường vào khoảng cuối năm sau, nếu vaccine có tác dụng tốt. Tuy nhiên việc kinh doanh vẫn còn rất nhiều khó khăn. Nhiều khách sạn đặt ra tiêu chí, để có thể tiếp tục duy trì việc kinh doanh, phải cân đối và cắt giảm những chi phí không cần thiết nhưng không giảm chất lượng dịch vụ để giữ được thương hiệu.
Mảng kinh doanh ăn uống tạm sống sót
Ngành dịch vụ nhà hàng và quầy ăn uống có nguồn thu nhưng cũng bị ảnh hưởng Covid-19. Nhiều nhà hàng mất đi lượng khách vốn có. Từ khi dịch bùng phát, nhiều người có tâm lý lo ngại ra ngoài ăn uống, ngại đến địa điểm đông người, nên nhiều nhà hàng phải tạm ngưng hoạt động.
Anh Thái Nguyên, đại diện nhà hàng Khế Việt, cho biết nhà hàng phải chống chọi qua 2 đợt dịch nặng nề trong tháng 4 và tháng 7/2020. Bằng nhiều biện pháp kinh doanh như phục vụ tiệc tại nhà, giao đồ ăn tận nơi và đảm bảo tuân thủ công tác vệ sinh phòng chống dịch, nhà hàng cũng vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Từng là chủ 2 nhà hàng tại TP.HCM, chị Nguyễn Thanh Nghi chia sẻ, sau 2 năm tồn tại, nhà hàng của chị không thể tiếp tục, chi phí dành dụm chỉ duy trì được 4 tháng.
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu tốt để có thể cung cấp được món ăn chất lượng, nguồn hàng nguyên liệu trong nước được ưu tiên nhiều hơn. Đây là một trong những điểm mấu chốt giúp các doanh nghiệp trong nước kết nối cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Theo một số chủ nhà hàng, thời điểm trước, ngay cả khi không có doanh thu hoặc doanh thu thấp hơn so với bình thường, tất cả các khoản chi phí như tiền thuê nhà, tiền lương… vẫn phải chi. Nếu doanh nghiệp có đủ vốn để tiếp tục “chịu trận” qua dịch hay vay từ các khoản tín dụng bên ngoài thì trụ thêm được lâu hơn và chờ cuộc sống trở lại binh thường.
Các doanh nghiệp kỳ vọng vào vaccine để hoạt động kinh doanh trở lại. Với những nỗ lực thay đổi hình thức kinh doanh để thích nghi, sau khi tình hình dịch bệnh được khống chế tốt, nhà hàng khách sạn được nhận định sẽ là nhóm ngành nhanh chóng khởi sắc.