VN-Index sẽ cán mốc 1.180 điểm trong năm 2021
(DNTO) - Theo dự báo của Công ty Cổ phần chứng khoán VNDIRECT, VN-Index sẽ cán mốc 1.180 điểm trong năm 2021 dựa trên P/E 15,9 lần và 23% tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường so với cùng kỳ.
VNDIRECT phân tích, trong bối cảnh Covid-19 tác động tiêu cực đến tất cả ngõ ngách của nền kinh tế, lợi nhuận của VN-Index giảm 9,5% so với cùng kỳ trong 9/2020. Dù vậy, lợi nhuận của các doanh nghiệp trên HOSE chỉ giảm 5,9%, tích cực hơn rất nhiều so với đà sụt giảm trong nửa đầu năm.
Với đà hồi phục mạnh của kinh tế vĩ mô và mô hình hồi phục chữ V của lợi nhuận thị trường, VNDIRECT dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng 23% trong năm 2021.
Cũng theo dự báo của VNDIRECT, VN-Index sẽ cán mốc 1.180 điểm trong năm 2021 dựa trên P/E 15,9 lần và 23% tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường so với cùng kỳ.
Các lựa chọn ưa thích của VNDIRECT là VHM, MWG, HPG, VPB, TCB, SCS, ACV và FPT. Rủi ro giảm giá đối với thị trường bao gồm diễn biến khó lường của dịch Covid-19 và sự hồi phục lợi nhuận chậm hơn kỳ vọng của các doanh nghiệp niêm yết.
Động lực tăng giá bao gồm việc triển khai sử dụng vaccine đại trà sớm hơn kỳ vọng và Việt Nam được đưa vào danh sách theo dõi của MSCI sớm hơn dự kiến.
Thành công trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19 giúp Việt Nam tránh được sự suy thoái và duy trì GDP tăng trưởng dương trong năm 2020.
VNDIRECT kỳ vọng, GDP năm 2021 tăng trưởng 7,1% so với cùng kỳ được tiếp sức bởi tăng trưởng 8,8% so với cùng kỳ của ngành chế biến chế tạo và 7,1% so với cùng kỳ của khu vực dịch vụ.
VDNIRECT dự báo xuất khẩu tăng tốc với tăng trưởng 12% so với cùng kỳ trong năm 2021, khi tổng cầu phục hồi ở các nước sau khi vaccine được thử nghiệm và sử dụng đại trà. Đồng Việt Nam nhiều khả năng mạnh lên do thặng dư thương mại và dự trữ ngoại hối ở mức cao.
VNDIRECT không nhìn thấy áp lực nào lớn lên lạm phát trong năm sau giữa đà tăng của giá dầu khi mà giá thực phẩm đang hạ nhiệt.
VDNIRECT cũng đưa ra 3 luận điểm đầu tư cho giai đoạn bình thường mới. Thứ nhất, đà tăng trưởng của tổng cầu nội địa và niềm tin người tiêu dùng hồi phục sẽ trợ lực giúp bán lẻ, thực phẩm và đồ uống hồi phục nhanh hơn các ngành khác.
Thứ hai, đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh, tập trung vào cơ sở hạ tầng là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vật liệu xây dựng và hạ tầng hàng không.
Cuối cùng, môi trường lãi suất thấp sẽ tạo cơ hội cho các ngân hàng và các doanh nghiệp phát triển bất động sản.