Đẩy mạnh hoạt động vui chơi có thưởng, đặt cược thể thao để kích cầu kinh tế
(DNTO) - Theo GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, việc các nhà lập pháp điều chỉnh, sửa một số quy định tại Nghị định 06 về đặt cược thể thao sẽ tạo cú hích, thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu Covid-19.
Đẩy mạnh hoạt động vui chơi có thưởng để kích cầu kinh tế
Tại tọa đàm "Công nghệ số và quản lý nhà nước về đặt cược thể thao", diễn ra sáng nay 17/12, đánh giá về mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, GS. Nguyễn Mại cho hay, 5 năm qua, tăng trưởng kinh tế tăng bình quân 7%. Tuy nhiên năm 2020 chỉ khoảng 2-3%, chưa bằng ½ so với 4 năm trước đó. Nhiều ngành bị thiệt hại nặng nề, trong đó ngành du lịch chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong năm nay. Ngoài ra, gánh nặng tăng trưởng kinh tế sẽ kéo dài sang năm 2021 và những năm tiếp theo.
Trước tình hình đó, các tập đoàn, doanh nghiệp đều nhận thức rằng, cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, tạo cơ hội mới giúp doanh nghiệp xoay trục sản phẩm, hấp dẫn khách hàng nhằm sớm phục hồi do nền tảng quản lý và kinh doanh truyền thống không đủ khả năng để thích ứng với tác động của đại dịch.
Theo GS, Nguyễn Mại, trong các yếu tố kích cầu kinh tế, việc đẩy mạnh hoạt động vui chơi có thưởng, đặt cược thể thao có thể coi là một trong những động lực mạnh mẽ nhất.
Tuy nhiên, để cởi trói và hỗ trợ phát triển cho các hoạt động này, các nhà lập pháp, cơ quan chức năng cần điều chỉnh một số vấn đề bất cập đang có trong Nghị định số 06, với mục tiêu xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và nghiên cứu, xây dựng các khu thử nghiệm cho doanh nghiệp công nghệ cao theo mô hình tiên tiến của thế giới.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Chủ tịch Vabis Group, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều quy định tại Nghị định 06 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế cần có sự sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.
“Trong bối cảnh du lịch đang bị ảnh hưởng nặng nề như hiện nay, đặt cược thể thao sẽ tạo cú hích, thu hút phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế. Bộ môn đua chó, đua ngựa là hợp lý để phát triển du lịch. Vì đặt cược đua chó, đua ngựa, có tính giải trí, không vì tham gia đặt cược bộ môn này mà dẫn đến “bán vợ đợ con”, ông Mỹ nói.
Những bất cập đang hạn chế các hoạt động kinh doanh đặt cược thể thao
Cũng theo ông Mỹ, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều quy định tại Nghị định 06 vẫn còn bỏ qua nhiều vấn đề bất cập, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ số trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Mỹ cho biết, việc hợp pháp hóa cá độ bóng đá là một trong những nhu cầu được dư luận lên tiếng từ lâu, cơ quan quản lý nhà nước và các nhà lập pháp cũng bàn thảo bên lề từ trước những năm 2000 nhằm hạn chế nạn cá cược lậu và ngăn chặn các hệ lụy tác động xấu cho xã hội, tăng nguồn thu cho ngân sách.
Nhưng mãi đến năm 2006, Chính phủ mới chỉ đạo Bộ Tài chính soạn thảo một nghị định về “xổ số, đặt cược bóng đá và trò chơi có thưởng”. Ngay sau đó hàng loạt các nghị định về xổ số, casino và trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài ra đời, trong khi đó “đặt cược bóng đá”. Nhưng tất cả vẫn nằm trên giấy.
Mãi đến ngày 24/1/2017, Nghị định số 06 mới được ban hành. Như vậy, Nghị định ra đời sau khi trải qua quá trình soạn thảo kéo dài gần 15 năm với nhiều giai đoạn chấp bút, trong bối cảnh thế giới chứng kiến sự tiến hóa thần tốc của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là sự phát triển đến chóng mặt của công nghệ kỹ thuật số và Internet. Do đó, Nghị định số 06 không theo kịp nhịp sống ngay từ khi mới ban hành là điều không thể tránh khỏi.
Theo ông Mỹ, việc hạn chế, không cho phép phân phối vé đặt cược qua các ứng dụng trên Internet là bất cập đáng nói.
Tại thời điểm soạn thảo những dự thảo đầu tiên của Nghị định (2013-2017), mạng Internet ở Việt Nam còn khá chập chờn, mạng 3G chưa được triển khai nên việc cho phép đặt cược qua tổng đài điện thoại, tin nhắn là quyết định tất yếu.
Nhưng hiện nay là thời cách mạng 4.0, kỹ thuật số, mỗi ngày có đến hàng nghìn ứng dụng trên “Smartphone” ra đời, quy định nêu trên đang đi ngược lại với xu thế hội nhập, hạn chế các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Mỹ cũng cho hay, việc cho phép kinh doanh đặt cược qua Internet sẽ không thể kiểm soát được người chơi, nhưng điều này chỉ đúng đối với nạn cá cược thể thao lậu, do các nhà cái bất hợp pháp này đặt hệ thống máy chủ (server) ở nước ngoài.
Để hạn chế vấn này Chính phủ cần cho phép đặt cược qua Internet, qua đó chuyển hướng một bộ phận người chơi cá cược lậu ra nước ngoài sang đặt cược hợp pháp trong nước.
Về vấn đề này. GS. Nguyễn Mại cũng cho rằng, nếu chỉ cho đặt cược qua smarphone mà không cho sử dụng mạng internet sẽ gây hạn chế đối với người tham gia đặt cược, trong khi đó vẫn không thể ngăn chặn nạn cá cược lậu, làm cho doanh thu không nhiều, chi phí đặt cược cao không hấp dẫn.
"An ninh mạng là vấn đề quan trọng, nhưng vừa đảm bảo an ninh, vừa phát triển kinh tế là điều không đơn giản. Đối với đặt cược bóng đá, nếu không cho sử dụng mạng internet mà chỉ qua smarphone thì rất khó khả thi", ông Mại bày tỏ.
Tại tọa đàm, đại diện VNPT Media cũng cho rằng, giải trí số là hoàn toàn bình thường trong giai đoạn hiện nay. Chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được người chơi cũng như doanh nghiệp nếu server và trung tâm dữ liệu được đặt ở Việt Nam.
“Xu thế công nghệ là không thể đảo ngược, việc sử dụng các công nghệ trên điện thoại, truyền dẫn qua internet là việc tất nhiên trong xã hội hiện nay. Do đó tôi nghĩ với việc tổ chức đặt cược cũng thế, nghị định cần quy định bổ sung các vấn đề liên quan đến điều kiện an toàn thông tin, ràng buộc về quy chế tổ chức, hình thức xử phạt với cá nhân, tổ chức lợi dụng việc đặt cược để lừa đảo, rửa tiền… Trách nhiệm còn lại là của các nhà tổ chức, cũng cần sử dụng công nghệ và quy chế tổ chức để đảm bảo những điều trên”, vị đại diện nói.
Bên cạnh đó, chúng ta cần chủ động xây dựng một cơ chế quản lý phương thức phân phối vé đặt cược từ xa, sử dụng các ứng dụng công nghệ với các lớp bảo mật cao nhất, kèm theo đó là các công cụ quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với tổ chức.