Doanh nghiệp nông nghiệp Việt ứng dụng công nghệ cao để trở thành 'bếp ăn' của thế giới
(DNTO) - TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên có tiềm năng của Việt Nam. Vậy tại sao Việt Nam không trở thành bếp ăn của thế giới, cung ứng được lương thực thực phẩm cho thế giới, trở thành điểm đến hàng đầu của khách du lịch quốc tế?
"Nối vòng tay lớn" hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Tại Diễn đàn Phát triển hệ sinh thái Hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, diễn ra chiều 17/12, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, từ bao đời nay, Việt Nam là đất nước nông nghiệp, “nhất nông nhì sĩ” với khu vực nông thôn chiếm tới 63% dân cư, 66% số hộ, 68% người làm việc; nông nghiệp chiếm tỷ trọng 13,96% trong GDP.
Tuy nhiên, bao đời nay mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị vẫn luôn là “căn bệnh trầm kha” của nền nông nghiệp nước ta.
Theo ông Lộc, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xuất khẩu nông sản Việt Nam bế tắc, những thị trường xuất khẩu lớn Trung Quốc, EU, Mỹ đóng băng cộng thêm tác động kép của thiên tai, nền nông nghiệp Việt chứng kiến cảnh nông dân mất mùa, doanh nghiệp phá sản và hàng loạt khó khăn trước mắt.
Do đó ông Lộc cho rằng: "Để vượt qua thách thức, bên cạnh đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng thị trường nội địa, ứng dụng công nghệ được xem là “thang thuốc” hiệu quả cho tương lai nông nghiệp Việt. Câu chuyện về cuộc cách mạng 4.0 được nhắc đến không chỉ như một xu thế ngắn hạn, mà là một hành trình xuyên suốt liền mạch để thay đổi bộ mặt nền nông nghiệp Việt Nam”, ông Lộc nói.
Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, cho thấy sự tích cực của Nhà nước trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường cho nông sản Việt Nam. Nông sản Việt Nam từng bước xâm nhập vào những thị trường có sức mua lớn, đòi hỏi cao về chất lượng như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ, Australia...
Tuy nhiên trên thực tế, các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao hay muốn ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp vẫn gặp phải không ít thách thức. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đồng nghĩa với việc sẽ tạo ra sản lượng nông sản lớn.
Do đó, song song với việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực phục vụ sản xuất, các cơ quan quản lý cần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thị trường cho sản phẩm nông sản. Chỉ khi dự báo được nhu cầu thị trường thì việc tổ chức, quy hoạch sản xuất mới đảm bảo tính cân đối và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người làm nông nghiệp.
"Trong phát triển nông nghiệp nói chung và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng, nông dân là chủ thể nhưng doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm. Các chuỗi kết nối, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị chỉ có thể hình thành được, động lực về công nghệ chỉ có thể vào được nông nghiệp với vai trò trung tâm của các doanh nghiệp. Chúng ta "hãy nối vòng tay lớn để hỗ trợ doanh nghiệp Việt trong việc đưa công nghệ cao vào nền nông nghiệp truyền thống", ông Lộc bày tỏ.
Gỡ nút thắt cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Tại diễn đàn, Liên quan đến câu chuyện gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn, bà Nguyễn Thị Bảo Hiền, CEO của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hiền Lê, bày tỏ: Hiện các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn khi ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Bất cập đầu tiên phải kể đến là doanh nghiệp chưa tiếp cận được lĩnh vực khoa học của mình. Thứ nữa, doanh nghiệp gặp khó khi không được tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng.
“Đến nay chúng tôi hoạt động đã 5 năm mà vẫn chưa có lãi, vẫn phải bù lỗ để chạy nguyên liệu. Mỗi tháng bù lỗ vào nhà máy nông nghiệp từ 300-1,5 tỉ. 5 năm nay mất hàng trăm tỉ đồng vào nông nghiệp. Lỗ nhưng tôi vẫn làm. Vì tôi quan niệm phải đầu tư bài bản, làm lớn để tận dụng cơ hội thị trường...”, bà Hiền bộc bạch.
Chia sẻ thêm những bất cập mà doanh nghiệp Việt đang gặp phải, bà Hiền cho hay, hiện các Hợp tác xã được hỗ trợ, trong khi doanh nghiệp thì không, trong khi tài sản của doanh nghiệp lại không được thế chấp để vay vốn.
“Chúng tôi làm nông nghiệp rất vất vả. Chúng tôi làm vì muốn giữ uy tín sản phẩm nông nghiệp Việt trên thị trường quốc tế, muốn đẩy mạnh hình ảnh quốc gia chứ không phải vì bản thân mình. Vì vậy, chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng”, bà Hiền nói.
Để tháo gỡ những khó khăn, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp cần nhất là khuôn khổ pháp lý cho đổi mới sáng tạo, cho các thiết chế những cái mới…
Cùng với đó, việc kiến nghị các bộ ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao như: đơn giản hóa thủ tục cho vay; hoàn thiện tiêu chí doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao theo hướng định lượng rõ ràng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi dành cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Ở phía các địa phương, ông Thắng cho rằng các chủ động ban hành các chính sách tạo môi trường thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.
Ngoài ra, các bộ ngành liên quan nên giao đầu mối mà trước hết là các hiệp hội ngành hàng kết nối truyền tải những chính sách, đồng thời kết nối các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.
Về nguồn vốn, cần nguồn tín dụng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hiện các giá trị đầu tư trên đất nông nghiệp không được chấp nhận là tài sản đảm bảo.
“Do đó, doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao khó tiếp cận nguồn vốn này. Những quy định quá cứng của các tổ chức tín dụng làm khó doanh nghiệp. Kiến nghị Ngân hàng nông nghiệp cần có cơ chế linh hoạt cho các ngân hàng thương mại đánh giá tính hiệu quả của dự án, đặc biệt các tài sản trên đất như nhà lưới nhà màng”, ông Thắng nhấn mạnh.