Nhà đầu tư không nên 'nhắm mắt đua lệnh' để cải thiện 'sức khoẻ' HoSE
(DNTO) - Thời gian gần đây, hệ thống giao dịch của sàn HoSE thường xuyên rơi vào tình trạng "tê liệt", nhiều lần buộc phải tạm ngưng giao dịch để đảm bảo an toàn cho hệ thống. Nhiều giải pháp được áp dụng, trong đó, việc các nhà đầu tư nên đặt lệnh "có trách nhiệm hơn" cũng là bài toán được đặt ra.
Tình trạng nghẽn lệnh trên hệ thống giao dịch của HoSE ngày càng như "cơm bữa", đặc biệt trong những phiên gần đây, lượng lệnh và thanh khoản của thị trường đã tăng rất mạnh khi nhà đầu tư F0 ồ ạt mở tài khoản mới và dòng tiền đổ vào chứng khoán vượt qua tất cả mọi dự báo, khiến hệ thống sàn giao dịch này không thể chịu tải.
Chỉ trong tháng 5, tính bình quân phiên, giá trị giao dịch trên HoSE đã đạt mức khoảng 22,1 nghìn tỷ đồng/phiên.
Đỉnh điểm, trong phiên sáng 1/6, giá trị giao dịch trên HoSE đã vượt mức 21,7 nghìn tỷ đồng, dẫn tới tình trạng báo động đối với an toàn của hệ thống. Đây là con số kỷ lục, cao nhất từ trước tới nay. Đầu giờ chiều 1/6, khi hệ thống giao dịch của sàn HoSE “đơ cứng”, HoSE đã vội vã phát đi thông báo ngừng giao dịch phiên chiều 1/6 để đảm bảo an toàn cho hệ thống chung.
Tuy nhiên, dù trong điều kiện trả lệnh trễ, kết quả giao dịch trên bảng giá hiển thị sai lệch, nhưng nhà đầu tư vẫn "dò dẫm" đặt lệnh và không ngừng giao dịch. Cụ thể, phiên 2/6, giá trị giao dịch sàn HoSE vẫn đạt tới hơn 26 ngàn tỷ đồng.
Gần đây, trước tình hình quá nóng, giải pháp ngừng cho sửa/ hủy lệnh để giảm bớt số lệnh vào sàn đã được áp dụng ở nhiều công ty chứng khoán lớn. Ngay lập tức, việc ngừng hủy/ sửa lệnh giúp thị trường chứng khoán Việt lập kỷ lục mới về chỉ số và thanh khoản, bất chấp chỉ số VN-Index vẫn “co giật”.
Tình trạng còn tệ hơn cho phiên giao dịch ngày 7/6, chỉ số VN-Index sau khi cho kết quả tăng điểm sau phiên ATO thì gần như “treo” suốt cả phiên sáng, trong khi đó, nhóm chỉ số VN30 đã lao dốc thẳng đứng. Lúc này, giải pháp ngừng hủy, sửa lệnh một lần nữa bộc lộ "tử huyệt". Tâm lý lo sợ khiến nhà đầu tư phải bán ra nhưng trong trạng thái “nhắm mắt đẩy lệnh” cho những cổ phiếu trên sàn HoSE.
Nhiều nhà đầu tư bất chấp đua lệnh MP (lệnh thị trường) trong bối cảnh công ty chứng khoán tiếp tục tạm dừng, hạn chế tính năng huỷ/ sửa lệnh. Tuy nhiên, kể cả lệnh MP cũng có thời điểm mất 5-7 phút chờ khớp lệnh.
Trên các diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư bức xúc ví von tình cảnh "nhắm mắt" giao dịch chứng khoán, "dẫm đạp lên nhau" tìm lối thoát trong cuộc đua lệnh MP.
Điều này không những ảnh hưởng "sức khoẻ" của sàn mà còn khiến nhà đầu tư chứng khoán chịu thiệt, ảnh hưởng trực tiếp đến tiềm lực tài chính của họ.
Trước thực trạng trên, tại toạ đàm “Nghẽn lệnh tại HoSE: Thực trạng và giải pháp” diễn ra sáng nay 24/6, ở góc độ nhà đầu tư tổ chức, ông Vũ Hữu Điền - Giám đốc phụ trách Danh mục đầu tư Công ty Dragon Capital cho rằng: Các nhà đầu tư cá nhân nên có trách nhiệm hơn khi đặt lệnh để cải thiện hệ thống HoSE.
Theo ông Điền, số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân 18 tháng qua bằng 12 năm trước cộng lại. Các công ty chứng khoán nâng cao năng lực hơn, thậm chí giao dịch bằng robot.
Khi dịch Covid-19 xảy ra, số lượng người tham gia mở tài khoản giao dịch cũng đông hơn khiến tổng giao dịch thị trường tăng theo. Trong khi đó, nhà đầu tư tổ chức chỉ chiếm 5-7% lượng giao dịch. Việc kẹt lệnh diễn ra khi tổng giao dịch toàn thị trường HoSE đạt 14.000 -15.000 tỷ đồng/ phiên.
Trong khi đó, tổng cho vay margin của công ty chứng khoán đạt mức cao không cho vay thêm được, nhà đầu tư đã mở thêm công ty khác để lấy được margin cho giao dịch, làm tăng số lượng lệnh chia nhỏ ở nhiều nơi.
Ông Điền cho rằng, hệ thống cũng giống như con đường, càng rộng thì càng nhiều xe lưu thông. Giao thông mà không theo luật hay quy định nào thì việc kẹt xe diễn ra là chuyện tất yếu.
"Các nhà đầu tư cá nhân đặt lệnh nên có trách nhiệm hơn để hệ thống HoSE được cải thiện. Hoạt động đầu cơ, giao dịch bằng máy, robot nên hạn chế giai đoạn này để thị trường vượt qua khó khăn, cho đến khi áp dụng hệ thống FPT và sau là KRX" - ông Điền nhận định.