Nhà đầu tư chứng khoán không muốn bị 'đem con bỏ chợ'
(DNTO) - Không chỉ mang tiền đổ vào thị trường, các nhà đầu tư chứng khoán còn phải trả các khoản phí giao dịch, thuế. Dù vậy, những khách hàng của các công ty chứng khoán không phải lúc nào cũng là thượng đế.
Thị trường chứng khoán trong nước hiện ghi nhận một giai đoạn phát triển nóng. Cùng với số lượng tài khoản F0 không ngừng tăng lên, dòng tiền như suối chảy về thì hệ thống chứng khoán lại rơi vào "bối rối", thậm chí tê liệt, mới nửa ngày đã phải vội đóng cửa, như hôm 1/6 vừa qua.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vội vã tìm phương pháp. Những tưởng quy định cấm sửa, hủy lệnh của nhà đầu tư chỉ nằm ở kiến nghị nhưng cuối cùng, điều này đã thành sự thật khiến nhiều nhà đầu tư phải vội vã dùng đến lệnh MP mà chưa biết giá sẽ trôi về đâu.
Sau đó, ngày 10/6, HoSE lại có văn bản quy định được sửa lệnh vào khung giờ nhất định.
Theo nhiều chuyên gia chứng khoán, những quy định trên của HoSE là chưa hợp lý, chưa từng thấy trên sàn giao dịch chứng khoán nào của thế giới
"Đồng tiền đi liền khúc ruột", quy định trên khiến nhiều nhà đầu tư hụt hẫng.
Ông Nguyễn Chí Thành - Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SHS cho biết: "Chúng tôi đã bị chửi rất nhiều. Có nhiều nhà đầu tư hiểu nhưng đa phần không hiểu, hoặc cố tình không hiểu, nên có hành động quá khích".
"SHS mong cơ quan quản lý cũng hiểu sự bất tiện mà nhà đầu tư bức xúc", ông Thành nhấn mạnh.
Việc nhà đầu tư bức xúc là đương nhiên, bởi những gì diễn ra trên sàn chứng khoán đang đi ngược với quy luật cung - cầu của thị trường.
Thị trường chứng khoán trong nước đa phần đến từ các nhà đầu tư cá nhân, với số lượng tăng lên chóng mặt trong thời gian qua. Năm 2020, nếu thị trường có khoảng 2,73 triệu tài khoản thì theo dự phóng của Công ty Chứng khoán MBS, đến năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 3,06 triệu tài khoản; năm 2022 là 3,4 triệu và đến năm 2023 là 3,76 triệu tài khoản.
Giá trị giao dịch bình quân của năm 2020 là hơn 6 ngàn tỷ đồng mỗi phiên, theo MBS dự phóng, năm nay sẽ là hơn 19 nghìn tỷ đồng; năm 2022 sẽ khoảng 21 ngàn tỷ đồng và đến năm 2023 là 23,7 ngàn tỷ đồng.
Thông tin tại buổi họp báo mới đây của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, tăng trưởng tín dụng chứng khoán đến hết tháng 6 dự kiến đạt 46.700 tỷ đồng, tăng 400-500 tỷ so với tháng 4, tháng 5. Trong khi đó, tính đến 28/2 vừa qua, khoản dư nợ này mới chỉ là 42.590 tỷ đồng.
Tuy vậy, thị trường chứng khoán trong nước vẫn còn nhỏ bé so với thế giới. Công ty Chứng khoán MBS nhận định: "Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện vẫn là thị trường cận biên và có nhiều dư địa để phát triển trong bối cảnh số tài khoản còn thấp, nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 99% lượng tài khoản".
Nhà nghèo nhưng không phải bố mẹ nào cũng "đem con bỏ chợ", chúng ta càng phải trân trọng hơn những gì mình có. Thành quả của thị trường hôm nay là bước đầu, giống như điểm tựa để thị trường đủ lực bước sang một trang mới.
"Nhà đầu tư chuyển từ tiết kiệm sang chứng khoán như hiện nay là cơ hội ngàn năm có một với sự phát triển của thị trường, do đó, cần đáp ứng được dịch vụ", ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT SSI cho biết. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta vẫn nợ một lời xin lỗi với nhà đầu tư, khi không cung cấp được dịch vụ tốt cho họ. Nhà đầu tư trả phí cho công ty chứng khoán và sở (HoSE - PV), do đó, phải được hưởng đủ các quyền của mình".
"Giá trị của nhà đầu tư phải được tôn trọng, lợi ích của họ phải được tính đến. Chúng tôi đầu tư chứng khoán là mang lại lợi ích to lớn cho đất nước, mang lại sự phát triển cho kinh tế Việt Nam. Chúng tôi đóng thuế đầy đủ. HoSE hay cánh tay nối dài của họ là các công ty chứng có lợi nhuận lớn cũng là nhờ chúng tôi trả phí", một nhà đầu tư chứng khoán cho biết.
Đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 đang tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế, xã hội của cả nước khi số người bị nhiễm ngày càng nhiều, mức độ lây lan nhanh hơn các đợt dịch trước. Tuy vậy, cuối tuần trước, VN-Index lần đầu chạm đỉnh mới. Không ít công ty chứng khoán duy trì quan điểm về khả năng VN-Index đang trong xu hướng chinh phục ngưỡng 1.400 điểm trong thời gian tới. Điều này cho thấy, chứng khoán vẫn dồi dào những tín hiệu lạc quan.
Trong buổi tọa đàm về chứng khoán hôm nay, 24/6, người đứng đầu sàn HoSE, ông Lê Hải Trà cho biết: "Trong 21 năm qua, HoSE vẫn luôn hướng tới sự phát triển của thị trường Việt Nam, đó là một lời cam kết, chúng tôi luôn cố gắng hết sức".
Hy vọng trong một tương lai không xa, thị trường chứng khoán trong nước sẽ chinh phục được các đỉnh cao mới. Và nhà đầu tư, dẫu thua hoặc thắng trên thị trường này, cũng thấy mình được trân trọng.