Ông Trần Văn Dũng: Sự cố nghẽn mạng do HoSE không lường hết tình hình và thiếu quyết liệt
(DNTO) - Theo ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), sự cố nghẽn mạng tại HoSE thời gian dài vừa qua có nguyên nhân chủ quan từ cơ quan quản lý Nhà nước, cũng như chủ đầu tư là HoSE đã thiếu quyết liệt trong quá trình thực hiện dự án công nghệ thông tin.
Trong buổi tọa đàm “Nghẽn lệnh tại HoSE: Thực trạng và giải pháp" được tổ chức sáng nay, 24/6, khi được hỏi về sự chậm trễ của dự án công nghệ thông tin (CNTT) tại Sàn Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), dẫn đến tình trạng nghẽn, lag mạng, gây ảnh hưởng đến nhiều nhà đầu tư thời gian qua, ông Trần Văn Dũng nhận định: Nguyên nhân xuất phát từ giới hạn về mặt nhận thức, đây chính là trở ngại lớn khiến chúng ta phải mất nhiều thời gian để định hình hệ thống chứng khoán.
Cụ thể, khi thị trường đi vào hoạt động, do quy mô nhỏ nên chúng ta vẫn chưa hình dung hết được về thị trường, lại mong muốn có một hệ thống đáp ứng đầy đủ, dẫn tới việc chuẩn bị cho hệ thống có nhiều vấn đề, đặc biệt với một dự án phức tạp nhưng lại thiếu kinh nghiệm thực tế về triển khai.
Theo người đứng đầu UBCKNN, trong việc chậm trễ trên cũng có nguyên nhân chủ quan từ cơ quan quản lý Nhà nước cũng như chủ đầu tư là HoSE, quá trình thực hiện dự án cũng không lường hết tình hình và chưa quyết liệt.
Ông Dũng cho biết, năm 2000 có quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án, tuy nhiên, khi triển khai dự án lại chỉ áp dụng cho HoSE, mặc dù đó lại là một dự án tổng thể cho các sở giao dịch, thậm chí thay thế cả hệ thống Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), phải đáp ứng cho cả phái sinh, trái phiếu.
Tuy nhiên, bài toán để giải cho tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HoSE vẫn còn nhiều khó khăn. "Hiện tại, nhà thầu phụ đối với Sở Giao dịch Hàn Quốc (KRX) đang gặp một vài vấn đề, nên phải tìm nhà thầu phụ mới, đến khi hệ thống đến giai đoạn kết nối, vận hành thử thì lại xảy ra Covid-19. Hợp đồng dự án không cho phép thay đổi chi phí dự án, do đó, nếu chuyên gia Hàn Quốc qua làm việc thì phải cách ly, sẽ phát sinh rất nhiều chi phí. Lúc này chúng tôi cũng không biết xử lý thế nào", ông Dũng nói về những vướng mắc hiện tại.
Vì sao có hiện tượng nghẽn lệnh ở các mốc thanh khoản khác nhau?
Trước tình trạng xảy ra hiện tượng nghẽn lệnh ở nhiều mốc thanh khoản khác nhau, có khi thanh khoản 10 tỷ đã nghẽn, nhưng có khi 30 tỷ lại không nghẽn, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu có hay không sự bất thường ở đây?
Ông Lê Hải Trà - Tổng Giám đốc HoSE cho biết, điểm khác biệt là mỗi lệnh không giống xe trên đường mà khác nhau ở tham số lệnh giao dịch. Lệnh 100 cổ phiếu, 1.000 cổ phiếu, mỗi lệnh sửa hủy lệnh đều tính là một lệnh. Việc mua 100 cổ phiếu với giá 10.000 đồng khác với 100 cổ phiếu có giá 100.000 đồng. "Đó là lý do tại sao nghẽn lệnh lại xảy ra ở các mức giá trị thanh khoản khác nhau", ông Hải Trà lý giải.
Ngoài ra, theo ông Lê Hải Trà, một yếu tố tác động đến nghẽn mạng, đơ lệnh phân bổ là khi lượng lệnh ở công ty chứng khoán đạt giới hạn thì sẽ có tình trạng nghẽn. Do đó đã xảy ra trường hợp công ty này nghẽn, công ty khác không sao.
Lý giải về tình trạng ngắt kết nối giao dịch, ông Hải Trà cho hay: "Lỗi 2G xảy ra ở nhiều công ty chứng khoán. Khi lỗi 2G vượt quá giới hạn thì sở sẽ phải ngắt kết nối giao dịch trực tuyến đối với công ty đó. Khi xảy ra lỗi này có thể gây sụp cả hệ thống. Do đó, sở phải thường xuyên nhắc nhở các công ty", ông Hải Trà nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hải Trà, hiện các biện pháp đưa ra là nâng lô lên 100 cổ phiếu đã giúp nâng thanh khoản, nhưng thanh khoản tiếp tục tăng thì không hiệu quả. Do đó, HoSE cũng đã tính đến phương án nâng lên 1.000 cổ phiếu nhưng không áp dụng.