Đề xuất thanh tra cổ phiếu rác, lợi nhuận giả của một vài doanh nghiệp trên sàn HoSE
(DNTO) - Đây là một trong những nội dung mà Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa gửi đến Bộ trưởng Bộ Tài chính với mong muốn giảm tình trạng thao túng trục lợi cổ phiếu, đồng thời tăng cường niềm tin cho nhà đầu tư cũng như các công ty niêm yết.
Thanh tra các loại cổ phiếu rác
Theo VAFI, từ trước đến nay các cuộc thanh tra doanh nghiệp chủ yếu ở nội dung chấp hành về nghĩa vụ thuế, tham nhũng mà chưa có cuộc thanh tra toàn diện nào liên quan đến các vấn đề như lợi nhuận, vốn điều lệ, việc thổi giá chứng khoán..., được tiến hành bởi các cơ quan cấp cao như Thanh tra chính phủ, Kiểm toán nhà nước, thanh tra tài chính, thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).
Như vậy, đây có thể xem như một khoảng trống lớn trong việc thi hành pháp luật chứng khoán mà bản thân UBCKNN lâu nay bị bỏ quên, chưa chủ động đề xuất cuộc thanh tra nào.
Do đó "VAFI đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cần tập hợp một lực lượng tinh nhuệ hàng trăm công chức giỏi từ các đơn vị thuộc Bộ, như Thanh tra tài chính, Cục tài chính doanh nghiệp, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Vụ tài chính ngân hàng, Vụ pháp chế để tiến hành thanh tra các nội dung như trên".
Trước hết cần thanh tra các loại cổ phiếu rác. Đây là loại cổ phiếu có giá trị dưới mức mệnh giá trong thời gian dài nhưng không hiểu sao vẫn huy động được nhà đầu tư với giá phát hành cao hơn giá thị trường từ 40 - 50%.
Cũng theo hiệp hội này, tại sao UBCKNN hay sàn Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HoSE) lại dễ dàng chấp thuận những đợt phát hành mới kiểu này, và đây lại không phải là một đợt mà rất nhiều đợt diễn ra.
Thanh tra việc tạo lập vốn khống
Một vấn đề được các nhà đầu tư tài chính yêu cầu thanh tra là việc tạo lập vốn khống gấp hàng trăm lần vốn ban đầu của một vài doanh nghiệp. Chiêu bài của các doanh nghiệp này là sau khi nâng khống vốn niêm yết thì sẽ "bán giấy thu tiền về". Và để đối phó với tình trạng này, doanh nghiệp sẽ lập báo cáo giả để kiểm toán ghi nhận.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ lại lầm tưởng giá hấp dẫn nên có thể gây thiệt hại lớn cho họ.
Ngoài ra, VAFI còn đặt ra câu hỏi: Liệu có hay không "công ty chứng khoán làm công cụ làm giá cho những ông chủ của mình?".
Để làm rõ được điều này, theo VAFI, cơ quan chức năng cần xác định hàng ngàn tài khoản giao dịch được mượn đứng tên từ người lao động trong doanh nghiệp, người thân thích nhưng giao dịch hàng ngày có phải do công ty chứng khoán thực hiện?
"Không khó để xác định khi người có thu nhập bình thường không thể thường xuyên có những giao dịch hàng chục, hàng trăm tỷ. Vì vậy Trung tâm lưu ký cần cung cấp dữ liệu để xác định những đối tượng đầu tư giả", VAFI cho biết. Bên cạnh đó, việc các công ty chứng khoán này xác định danh sách “nhà đầu tư nước ngoài’’ đang mở tại đó là giả hay thật cũng là điều không hề khó.
Với những nội dung đề xuất trên, theo VAFI, cần thiết phải có đợt thanh tra toàn diện như trên để tình trạng thao túng trục lợi cổ phiếu giảm dần, bảo đảm thực thi pháp luật chứng khoán nghiêm minh. Chỉ như vậy thị trường chứng khoán Việt mới thực sự nâng hạng.