Nguy cơ bong bóng chứng khoán, nhà đầu tư cá nhân cần lưu ý điều gì?
(DNTO) - Thị trường chứng khoán trong nước thời gian qua đang nóng lên từng ngày, khiến không ít người đặt ra câu hỏi, liệu có hay không tình trạng bong bóng trên thị trường này? Những nhà đầu tư cá nhân cần làm gì để tránh rủi ro? Sự cố trên sàn HoSE liệu có sớm được khắc phục?
PV Doanh Nhân Trẻ online đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng để giúp bạn đọc tìm hiểu kỹ hơn về những vấn đề này.
PV: Thưa ông, thời gian qua dòng tiền không ngừng chảy về thị trường chứng khoán. Thời điểm này liệu có phải quá sớm để chúng ta nói về tình trạng bong bóng trên thị trường chứng khoán?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi là không sớm. Vì thị trường chứng khoán trong nước hiện phát triển mạnh nhưng không dựa trên nền tảng của sự tăng trưởng kinh tế.
Năm ngoái, GDP trung bình trong nước tăng chỉ có 2,91%, mức thấp nhất trong 10 năm qua do vấn đề dịch bệnh. Và quý 1 năm nay, GDP ở “đáy” cũng chỉ bật lên được ở mức 3,48%. Trong khi đó hiện tại chỉ số VN-Index tăng lên gấp đôi so với năm ngoái.
Có thể nói, chứng khoán tăng không trên cơ sở tăng trưởng của nền kinh tế. Vì vậy, nếu thị trường tiếp tục tăng có thể có nguy cơ hình thành bong bóng trên thị trường. Và đây là điều mà các nhà đầu tư cần lưu ý.
Vậy nhà đầu tư cá nhân cần phải lưu ý điều gì, thưa ông?
- Khi bong bóng vỡ, giá cổ phiếu sẽ rơi rất mạnh và gây ra thiệt hại cho các nhà đầu tư.
Với những nhà đầu tư lâu dài, họ giữ chứng khoán trong thời gian dài nên sẽ ít bị ảnh hưởng. Nhưng với những nhà đầu tư nhảy vào thị trường lúc cao điểm, mua giá cao thì khi thị trường rơi thì bán đi sẽ bị lỗ.
Đặc biệt, thị trường chứng khoán trong nước chủ yếu tăng điểm ở thị trường thứ hai, thị trường thứ cấp. Nếu thị trường sơ cấp là nơi các nhà phát hành sẽ phát hành chứng khoán ra công chúng, tiền sẽ trở về túi của họ và phục vụ cho sản xuất kinh doanh; còn thị trường thứ cấp là nơi các nhà đầu tư đã có chứng khoán sẵn rồi, họ mua đi bán lại và đẩy giá lên. Phần đông các nhà đầu tư của mình là nhà đầu tư cá nhân chứ không phải là nhà đầu tư tổ chức. Mà những nhà đầu tư cá nhân thường dễ đi theo hiện tượng bầy đàn, thành ra việc giá chứng khoán bị đẩy lên thường nằm ở thị trường thứ cấp, thị trường mà các nhà đầu tư cá nhân mua đi bán lại.
Do đó, chứng khoán lên nhanh thế này có thể có hiện tượng đầu cơ và tiếp tục có thể sẽ xảy ra bong bóng.
Do chủ yếu ở thị trường thứ cấp nên việc chứng khoán tăng trưởng nhưng không hỗ trợ cho nền kinh tế nhiều, vì đây là tiền các nhà đầu tư chuyền tay nhau, thành ra không đi vào túi nhà phát hành nên không phục vụ sản xuất và kinh doanh.
Sàn HoSE đã làm cho nhiều nhà đầu tư thất vọng vì cách điều khiển của họ. Nhiều người nói HoSE thiếu sự quan tâm hoặc bỏ mặc nhà đầu tư? Liệu có khuất tất gì trong việc này không thưa ông?
- Theo thông lệ thì khi gặp một sự cố gọi là bất khả kháng trong quá trình giao dịch thì các nhà đầu tư có quyền hủy lệnh, khi sự cố đã được cải thiện họ có quyền lập lại lệnh, còn không thì họ có quyền hủy.
Bởi nếu không thể hủy thì có thể vào thời điểm nhà đầu tư ra lệnh mua, giá chứng khoán còn ở dưới mức thấp, đến khi sự cố được cải thiện thì giá đã bật lên, không phải là mức giá mà họ đã đặt lệnh từ trước. Vì vậy, việc không cho nhà đầu tư hủy lệnh vì những sự cố bất khả kháng là không hợp lý.
Cũng có thể họ (HoSE - PV) có ý tốt muốn giữ cho thị trường cân bằng và không muốn thị trường xáo trộn, thành ra họ không cho phép hủy lệnh. Câu hỏi cần phải đặt ra cho các nhà quản lý và chuyên gia chứng khoán.
Các nhà đầu tư đang mong chờ kết luận thanh tra sàn HoSE của Bộ Tài Chính. Theo ông, liệu cuộc thanh tra này có giúp mọi điều tốt đẹp lên không?
- Tôi hy vọng là vậy. Chuyện sàn chứng khoán của mình bị nghẽn lệnh vì quá tải hoặc vấn đề kỹ thuật xảy ra rất thường xuyên. Do đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần đảm bảo sẽ không để tình trạng này tiếp tục xảy ra. Nếu không có một sự cải thiện đáng kể, những chuyện tương tự sẽ lặp lại.
Cảm ơn ông đã tham gia phỏng vấn!