VPS có một mình một đường?
(DNTO) - “27 ngàn đồng không là gì nhưng nếu không phản đối, trong tương lai loại phí này lên 30, 40 ngàn đồng, rồi các công ty khác sẽ lại học theo”, một nhà đầu tư của Công ty Chứng khoán VPS cho biết khi nói về khoản phí mới mà công ty này mới đưa ra.
"Quả thực khác biệt"
VPS bất ngờ ra thông báo thu phí dịch vụ hệ thống đã khiến nhiều nhà đầu tư bức xúc trong những ngày qua.
Thông thường, phí giao dịch tại các công ty chứng khoán áp dụng thời gian qua sẽ dao động từ 0-0,4% tùy giá trị mỗi lần giao dịch và với mỗi công ty chứng khoán.
Đơn cử như SSI, thu phí 0,25% với giao dịch trực tuyến và 0,25-0,4% khi giao dịch qua các kênh khác; VCSC thu phí từ 0,15-0,35% tùy theo quy mô giao dịch mỗi phiên...
Tuy nhiên, với thông báo trên, nhà đầu tư của VPS hiểu rằng, ngoài phí mỗi lần giao dịch, họ sẽ còn phải gánh thêm khoản phí dịch vụ hệ thống hàng tháng với số tiền 27.500 đồng, để có được "những trải nghiệm đầu tư tối ưu”, thông báo từ công ty này cho biết. Nếu không có gì thay đổi, ngày 1/7 tới, chính sách này bắt đầu được áp dụng.
Trên các diễn đàn về chứng khoán, nhiều ý kiến tranh luận nảy lửa được đưa ra cho công ty đứng đầu thị phần môi giới chứng khoán trong quý 1 vừa qua.
"Sản phẩm thì tệ, chất lượng môi giới không cao, họ phải biết điểm mạnh của họ là gì chứ, người ta đến với VPS đa phần vì phí rẻ, nhưng VPS lại vứt đi cái duy nhất họ có được thì lấy gì giữ chân khách hàng?", một nhà đầu tư cho biết.
Một nhà đầu tư khác bức xúc bình luận: "Vấn đề không phải là bao nhiêu tiền. Mà nằm ở cách thức làm việc. Ai muốn làm việc cùng một người mà lúc đầu nói một kiểu, dụ mình ký hợp đồng xong, mình sử dụng dịch vụ thì lại làm kiểu khác?".
Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ sau khi biết thông tin này đã chủ động liên hệ với công ty để đóng tài khoản. Tuy nhiên, theo một nhà đầu tư F0, VPS yêu cầu anh phải ra tận quầy giao dịch của công ty mới được hủy, điều này gây khó dễ cho anh trong thời điểm dịch bệnh này. “Mở online được mà đóng lại phải ra quầy, thật buồn cười”, anh này cho biết.
"Một công ty đi đầu trong chiến lược cạnh tranh bằng phí, sau một quý đánh dấu thành công bằng việc lên top một thị phần, lại dẫn đầu trong việc đánh một loại phí trên trời xuống đầu khách hàng - một loại phí chưa thấy ở đâu có. Quả thực khác biệt", một nhà đầu tư cho biết.
Quý 1 vừa qua, VPS đã chính thức vượt mặt SSI trở thành công ty môi giới số 1 trên cả ba sàn HNX, HOSE và UPCoM, chiếm đến 13,24% thị phần, tăng 2,4% so với cuối năm ngoái.
Bên cạnh đó, VPS liên tục áp dụng chính sách miễn phí giao dịch tháng đầu tiên cho các nhà đầu tư mở mới tài khoản cùng nhiều chính sách thu hút khách hàng. VPS sở hữu lượng nhân viên môi giới hùng hậu phủ khắp các diễn đàn, hội nhóm chứng khoán để mời chào nhà đầu tư.
Dụng ý của VPS là gì?
Khoản lệ phí hơn 27 ngàn với một vài người sẽ chẳng là gì nhưng với nhà đầu tư nhỏ lẻ, những F0 mới gia nhập thị trường, lại là con số không hề nhỏ. Tính sơ sơ 1 năm, họ đã mất hơn 300 ngàn cho khoản lệ phí này, trong khi còn chưa biết tình hình lời lãi thế nào.
Theo một chuyên gia chứng khoán, nếu tính sơ sơ, khách hàng hiện tại của VPS không dưới 200.000 tài khoản. Với mức thu phí 27.500 đồng mỗi tài khoản, ước tính mỗi năm VPS đút túi thêm hơn 65 tỷ đồng lợi nhuận. Khoản tiền này có thể tương đương với lợi nhuận một danh nghiệp nhỏ, mà không phải nhọc nhằn gì. Liệu đây có phải là cách VPS chuyển áp lực chi phí CAPEX (chi phí đầu tư vào tài sản cố định) sang khách hàng hay không?
Trong khi đó, có chuyên gia cho rằng, bản chất đây cũng chính là phí giao dịch mà công ty nào cũng có, mỗi công ty một khung khác nhau. Khách hàng sử dụng dịch vụ thì đương nhiên phải trả phí. Nếu nhiều công ty khác đã gộp khoản phí này vào phí giao dịch của nhà đầu tư thì VPS tách ra mà thôi.
Thị trường chứng khoán thời gian qua tăng trưởng nóng, trở thành kênh đầu tư có sức hút lớn ở thời điểm hiện tại. Riêng trong ngày hôm nay, 16/6, tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt hơn 1 tỷ đơn vị, tương ứng giá trị 30.225,42 tỷ đồng; giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE hôm nay đạt 22.166,81 tỷ đồng. Dòng tiền lớn không ngừng đổ về thị trường, càng cho thấy yêu cầu cấp bách về việc các công ty chứng khoán ngày càng phải hoạt động chuyên nghiệp và bài bản hơn.
"Nhà đầu tư sẵn sàng trả nếu đây là khoản phí hợp lý, chứ không phải sự tiếc vài đồng phí, tuy nhiên, liệu chất lượng giao dịch có được như những gì mà công ty này đưa ra, khi hiện tại mặc dù dùng app của VPS, nhưng tôi phải mở bảng giá điện tử của công ty khác để cập nhật giá mua bán", một nhà đầu tư cho biết.