Nghĩ về thương hiệu quốc gia Việt Nam với tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới
(DNTO) - Trong giai đoạn đại dịch 2019-2022, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam vẫn tăng trưởng 74%, là mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Việc giữ gìn thương hiệu quốc gia từ mỗi người dân, doanh nghiệp vì thế càng trở nên quan trọng.
"Thuốc tăng lực" cho kinh tế
Năm 2019, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam mới chỉ được định giá là 274 tỷ USD thì sang đến năm 2022, con số này đã lên tới 431 tỷ USD, tăng 74%. Đánh giá này được thực hiện bởi Brand Finance - Tổ chức tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới, mỗi năm đều tiến hành định giá 70.000 thương hiệu toàn cầu.
Cũng theo Brand Finance, từ thứ hạng 42 năm 2019, Việt Nam cũng vươn lên vị trí thứ 32 trong bảng thứ hạng các thương hiệu quốc gia, trong bối cảnh nhiều nước không duy trì được thứ hạng thương hiệu quốc gia do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xung đột chính trị và những thách thức về kinh tế.
Đặc biệt, Top 50 thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam cũng tăng trưởng giá trị rất cao 36%, cao hơn nhiều nước trong khu vực như ở Singapore, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc, Nhật Bản hay Thái Lan.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, nhận định kết quả tích cực trên có được là sự tổng hòa của 3 yếu tố: Chủ trương, sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Đặc biệt, với Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, một chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn duy nhất của Chính phủ được thực hiện từ những năm 2003. Sau gần 20 năm triển khai, các doanh nghiệp, địa phương và thậm chí từng người dân, từ chỗ còn mơ hồ, nay đã quan tâm đến việc xây dựng “thương hiệu”.
Việt Nam hiện đã trở thành địa điểm mà nhiều “ông lớn” công nghệ, công nghiệp thế giới như Apple, Google, Samsung, Foxconn và Luxshare Precision chọn làm nơi dừng chân và thúc đẩy hoạt động sản xuất. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp Việt Nam (Viettel, Vinamilk, Hòa Phát…) hay nhiều sản phẩm (cà phê Trung Nguyên, gạo ST24, ST25…), bước ra thị trường thế giới cũng được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt.
Cùng với đó, mới đây, Việt Nam cũng vừa được trang du lịch Reisereporter của Đức lựa chọn là một trong 10 điểm đến hàng đầu để tránh đông của du khách châu Âu. Tạp chí Travel của Canada cũng xếp Việt Nam vào danh sách 10 điểm đến hấp dẫn trên thế giới với chi phí thấp.
Có thể nói, Việt Nam đang ngày càng khẳng định mình trên bản đồ thương hiệu thế giới và đây là động lực để Việt Nam tiếp tục các hoạt động quảng bá hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp ra bên ngoài.
Vừa xây, vừa giữ
Trong nhiều năm qua, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng hình ảnh quốc gia, nỗ lực đưa các thương hiệu Việt vượt ra ngoài lãnh thổ và đã được cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực. Đây là cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư, du lịch, nhưng cũng là thách thức về việc giữ gìn hình ảnh quốc gia.
PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, giảng viên về quản trị thương hiệu và marketing (Đại học Thương mại) nhận định, thương hiệu quốc gia được đánh giá là tài sản vô giá trong thời kỳ cạnh tranh và hội nhập ở quy mô toàn cầu. Bởi lẽ, thương hiệu quốc gia sẽ tác động tích cực hoặc tiêu cực đến hành vi của các chính khách, nhà đầu tư, nhân tài, khách du lịch, khách hàng quốc tế về quốc gia đó.
Xây dựng và giữ gìn thương hiệu quốc gia không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm của những nhà chính sách, của doanh nghiệp, mà còn là trách nhiệm của từng người dân. Không chỉ liên quan đến các ngành, lĩnh vực kinh tế; mà còn là liên quan cả lĩnh vực đời sống, văn hóa, xã hội. Không chỉ là trách nhiệm của cộng đồng người Việt trong nước, mà còn là trách nhiệm của người Việt đang sống và làm việc hay du lịch tại nước ngoài.
Do thời gian qua, bên cạnh sự mến khách, thân thiện, thì câu chuyện nhức nhối liên quan đến du lịch Việt Nam là nạn chèo kéo, chặt chém khách du lịch vẫn còn tồn tại. Như tại TP. Huế mới đây, vấn nạn xích lô du lịch có dấu hiệu lừa khách, chặt chém, thậm chí chửi bởi khách du lịch, đã được báo chí phản ánh, vô tình làm xấu xí môi trường du lịch tại thành phố này nói riêng và ảnh hưởng tới hình ảnh Việt Nam nói chung.
Ở góc độ khác, mỗi người Việt đi du lịch, sinh sống và học tập tại nước ngoài cũng mang trong mình một phần hình ảnh của đất nước đến với thế giới. Tuy vậy, theo số liệu từ Bộ Công an, đã có 25.000 người Việt vi phạm pháp luật ở nước ngoài bị trục xuất kể từ năm 2018 đến nay. Người Việt ở nước ngoài thường xuyên bị báo chí quốc tế phản ánh về tình trạng cư trú, lao động bất hợp pháp, và có chiều hướng gia tăng.
Cùng với đó là những câu chuyện các biển cảnh báo ở nhiều nước ghi những dòng chữ tiếng Việt cũng phản ánh hành động chưa văn minh của người Việt khi ra nước ngoài. Những hành động tưởng chừng như rất nhỏ, từ việc vứt rác của một cá nhân, cũng có thể ảnh hưởng tới hình ảnh và nỗ lực của một cộng đồng, một quốc gia đang xây dựng.
Có thể nói, việc tăng giá trị thương hiệu quốc gia một phần phản ánh nội lực của trong nước, một phần nâng cao vị thế của quốc gia, của doanh nghiệp trên trường quốc tế. Vì vậy, việc giữ gìn thương hiệu quốc gia càng trở nên quan trọng.