'Kéo' người dân vào hoạt động xây dựng thương hiệu quốc gia
(DNTO) - Cách hành xử của mỗi người dân sẽ ảnh hưởng đến nhìn nhận của đối tác quốc tế tới thương hiệu quốc gia, từ đó ảnh hưởng đến cách nhìn về sản phẩm doanh nghiệp.
Phát biểu trong Lễ khởi động Tuần lễ Thương hiệu quốc gia chiều 20/4, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, Phó Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam, dẫn lại báo cáo từ Brance Finance cho thấy, năm 2021, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 21,6% so với năm 2020, lên 388 tỉ USD, vẫn duy trì được ở hạng 33 thế giới trong khi dịch bệnh Covid 19 diễn biến vô cùng phức tạp.
“Đây là một bước bệ phóng rất lớn để tăng hạng cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới. Việt Nam được coi là điểm sáng nhờ sự tăng hạng vượt bậc về giá trị thương hiệu quốc gia đi cùng những kết quả về kinh tế, xã hội đã đạt được, khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, đồng thời thể hiện sự chủ động và tầm vóc của Việt Nam trong hội nhập quốc tế”, ông Hải cho biết.
Theo GS Lindsey M.Bier Marshall, Khoa Kinh doanh, Đại học Nam California, Hoa Kỳ, việc xây dựng thương hiệu quốc gia có thể thông qua nhiều hoạt động, tuy nhiên, quan trọng nhất là phải thu hút chính công dân trở thành đại sứ thương hiệu cho quốc gia của họ và giá trị của thương hiệu quốc gia cũng phụ thuộc vào nỗ lực của chính người dân trong quốc gia đó.
“Các nghiên cứu cho thấy, 76% người tiêu dùng nói rằng nguồn gốc xuất xứ ảnh hưởng đến xu thế mua sẳn phẩm đó. Hoạt động ngoại giao của các quan chức chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, cách hành xử của mỗi người dân sẽ ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của người tiêu dùng quốc tế về sản phẩm”, bà Marshall cho biết.
Cũng theo vị chuyên gia, uy tín thương hiệu sản phẩm có liên hệ mật thiết với hình ảnh của quốc gia đó. Ví dụ khi nói đến nước Nhật, người tiêu dùng thường nghĩ đến các sản phẩm tỉ mỉ, chất lượng. Vì vậy, khi xây dựng thương hiệu sản phẩm, cần tìm điểm chung giữa sản phẩm với quốc gia xuất xứ.
Với cộng đồng 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là cộng đồng các doanh nhân người Việt đang hoạt động ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, đây là nguồn lực quan trọng góp phần quảng bá thương hiệu quốc gia và thương hiệu sản phẩm Việt Nam ra thế giới.
“Các cơ sở phân phối, quảng bá hàng Việt Nam ở nước ngoài của kiều bào tuy quy mô còn hạn chế nhưng đã phủ sóng trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần quảng bá sản phẩm Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Trong đó, một số trung tâm thương mại, chợ Việt Nam có quy mô lớn và còn nhiều dư địa để hợp tác với trong nước.
Bên cạnh đó, cộng đồng cũng hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp trong nước tìm hiểu về hệ thống luật pháp các nước, thị hiếu của người bản địa nhằm chọn lọc và đưa những sản phẩm Việt Nam vào hệ thống phân phối nước bạn, thậm chí đưa cả các sản phẩm Việt Nam lên nền tảng giao dịch trực tuyến quốc tế, giúp những sản phẩm đậm chất Việt được biết đến rộng rãi hơn”, ông Hiệu nhấn mạnh.
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn của Chính phủ, nhằm mục tiêu xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Sau 7 kỳ xét chọn, số lượng doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam tăng dần, từ 30 doanh nghiệp (2008) lên 124 doanh nghiệp với 283 sản phẩm (2020).
Chương trình Tuần lễ Thương hiệu quốc gia 2022 từ ngày 18-24/4/2022, với một loạt hoạt động, nhằm tăng cường nhận thức của xã hội, cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của công tác xây dựng, quản trị và phát triển thương hiệu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.