Doanh nghiệp không biết mình đang ở đâu khó làm nên thương hiệu
(DNTO) - Chỉ khi các doanh nghiệp biết rõ thương hiệu của mình đang ở đâu mới tìm cách hoặc tìm ra con đường phát triển, đưa thương hiệu đến một đích mới.
Sau 18 năm triển khai Chương trình Thương hiệu Quốc gia (THGQ), nhiều thương hiệu của Việt Nam đã được cải thiện tích cực về vị thế trên bản đồ thương hiệu thế giới. Báo cáo của Brand Finance năm 2020 cho thấy, Việt Nam là một trong các quốc gia có mức tăng trưởng giá trị thương hiệu quốc gia nhanh nhất thế giới, tăng 29% so với năm 2019 lên 319 tỷ USD.
Nhờ đó, giá trị THQG của Việt Nam đã tăng 9 bậc, lên vị trí thứ 33 trong Top 100 THQG giá trị nhất thế giới. Trong khối ASEAN, Việt Nam là quốc gia duy nhất được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu, từ thứ hạng 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng.
Ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc MiBrand - Chuyên gia tư vấn giải pháp về chiến lược marketing và thương hiệu của Brand Finance tại Việt Nam cho rằng, Chương trình THQG sẽ trở thành một động lực, làm đòn bẩy để nâng tầm hơn nữa giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp và đó mới chính là mục đích cao quý.
Ông Mạnh chia sẻ, doanh nghiệp tham gia vào Chương trình THQG không chỉ để đạt lấy một danh hiệu mà còn mong muốn có một định hướng lâu dài và tìm ra con đường phát triển lâu dài cho chính doanh nghiệp của mình. Tuy nhiên thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp thường xuyên thiếu vắng một phương pháp để đo lường sức khỏe thương hiệu và không hề biết thương hiệu của doanh nghiệp mình đang ở đâu.
“Hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ rằng đang không biết thương hiệu của doanh nghiệp đang ở đâu, không hề biết hay có thông tin nào đánh giá về thương hiệu của doanh nghiệp họ. Tất cả các doanh nghiệp nếu muốn thương hiệu của mình phát triển theo một định hướng nào đó, nhưng chỉ khi các doanh nghiệp biết rõ thương hiệu của mình đang ở đâu mới tìm cách hoặc tìm ra con đường phát triển, đưa thương hiệu đến một đích mới, không phải là cái đích cũ, không phải là đích hiện tại với mục tiêu có chủ đích đàng hoàng”, ông Mạnh phân tích.
Dù xác định Chương trình THQG dựa vào ba trụ cột chính, đó là giá trị về chất lượng, đổi mới và năng lực tiên phong để đánh giá thương hiệu doanh nghiệp, song ông Mạnh cũng quan ngại việc tất cả các doanh nghiệp đều đạt được bộ 3 tiêu chí như trên rất có thể sẽ rơi vào một khuôn mẫu, tạo ra mức độ giới hạn sức phát triển, làm giảm sự cạnh tranh khiến doanh nghiệp khó tạo ra con đường và dấu ấn riêng.
Đánh giá về Chương trình THQG và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam được coi là điểm sáng nhờ sự tăng hạng vượt bậc về giá trị THQG đi cùng những kết quả đã đạt được về kinh tế, xã hội. Điều này khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên quá trình hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần tận dụng tốt hơn nữa đòn bẩy THQG để nâng tầm thương hiệu, sản phẩm Việt.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch MVV Group cho rằng, các DN không nên chỉ tập trung vào việc được công nhận là doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG, cần nhìn vào giá trị của doanh nghiệp để có thể tận dụng được từ danh hiệu THQG.
"Thương hiệu quốc gia Việt Nam sẽ cung cấp cho doanh nghiệp bộ công cụ bao gồm các phương thức thực hiện, chỉ số đo lường để doanh nghiệp Việt Nam biết cách vận hành và thay đổi, giúp doanh nghiệp soi chiếu xem mình đang ở đâu, cần phải làm gì, đánh giá hiệu quả các hoạt động đang triển khai và sức mạnh nội tại của doanh nghiệp”, ông Sơn nói đồng thời chia sẻ cách thức quảng bá vị thế THQG qua 6 cột trụ truyền thông cho thương hiệu doanh nghiệp bao gồm: Vị thế dẫn dắt, tầm nhìn doanh nghiệp, hình ảnh doanh nghiệp, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, truyền thông nội bộ và quan hệ báo chí.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Trưởng ban Ban thư ký Chương trình THQG cho biết, THQG là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù dài hạn và duy nhất của Chính phủ giao Bộ Công Thương làm cơ quan thường trực chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ ngành triển khai nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia. THQG thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam phát triển thương hiệu sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao nhằm gia tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực quốc gia.
“Việt Nam đã phát huy tương đối tốt mọi khía cạnh của quyền lực mềm, đặc biệt là sự hội nhập của THQG Việt Nam và các thương hiệu sản phẩm hàng đầu. Uy tín quốc gia của Việt Nam trong năm qua đã tăng lên phần lớn nhờ chủ trương và phản ứng nhanh nhạy của Chính phủ, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước cũng như sự năng động, nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam", ông Phú đánh giá.
Tuy nhiên, Trưởng ban Ban thư ký Chương trình THQG cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần tiếp cận với các chuyên gia hàng đầu về marketing, xây dựng và phát triển thương hiệu để tận dụng đòn bẩy THQG. Cụ thể bằng việc xây dựng và đổi mới chương trình marketing và truyền thông thương hiệu doanh nghiệp một cách hiệu quả; từ đó góp phần hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp trong công tác phát triển thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu, cũng như tăng cường khả năng nhận biết hàng hóa, dịch vụ trên thị trường đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế.