'Gạo ngon nhất thế giới' nguy cơ mất thương hiệu: Đòi lại rất gian nan
(DNTO) - Nếu như đơn vị ở Mỹ đăng ký thành công nhãn hiệu gạo ST25 thì chủ sở hữu là ông Hồ Quang Cua có thể bị mất quyền sở hữu và việc đòi lại rất gian nan.
Chưa mất, nhưng gặp nguy cơ lớn
Theo đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), từ năm ngoái, các doanh nghiệp có trụ sở ở California, Mỹ đã đăng ký và đang trong giai đoạn chờ để được bảo hộ thương hiệu gạo ST25 tại nước này.
Hiện có tổng cộng 5 hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 ở trạng thái "đang kiểm tra".
Trao đổi với báo chí bên lề một hội thảo về thương hiệu, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại chia sẻ: Phải khẳng định rằng đến thời điểm hiện tại thương hiệu gạo ST24 và ST25 chưa mất mà chỉ đang có nguy cơ mất.
Hiện nay ở Mỹ, qua thông tin nhận được, Cục Xúc tiến thương mại đã phát hiện ra trong website ở Mỹ đang có 5 hồ sơ đăng ký về bảo hộ nhãn hiệu thương mại cho gạo ST25.
“Qua trao đổi, anh Hồ Quang Cua - người cùng các cộng sự lai tạo giống lúa ST25 - cũng đã nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ. Tuy nhiên, giả sử anh Hồ Quang Cua đã nộp thì vẫn còn 4 hồ sơ nữa cũng nộp đăng ký. Nếu chậm chân hoặc không có động thái sẽ dẫn tới có nguy cơ bị một công ty nào đó của Mỹ đăng ký và được cơ quan Chính phủ Mỹ cấp bảo hộ nhãn hiệu thì khi đó gạo của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Vũ Bá Phú cho biết.
Theo đó, gạo của Việt Nam sẽ không được mang thương hiệu ST25 như được công nhận là loại gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi gạo thế giới. Ngoài ra, nếu muốn có thương hiệu ST25 như vốn có thì khi xuất khẩu vào Mỹ sẽ phải mua lại phí của doanh nghiệp hoặc là người đã đăng ký bảo hộ cho gạo ST25.
Đánh giá về việc bảo vệ thương hiệu Việt nói chung khi Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, ông Vũ Bá Phú khuyến cáo doanh nghiệp phải thuê luật sư để theo dõi việc xâm phạm sở hữu trí tuệ và bản quyền nhãn hiệu thương mại trên các thị trường xuất khẩu. Từ đó, có động thái cần thiết và kịp thời nhằm bảo vệ được thương hiệu của mình.
Hành trình khó khăn, tốn kém
Chia sẻ với phóng viên VietNamNet về câu chuyện đang thu hút sự quan tâm này, Luật sư Trần Đức Sơn, Giám đốc Công ty Luật TNHH Sipco, cho rằng việc này không phải là chuyện hiếm gặp, rất nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam gặp trường hợp như thế này.
“Việt Nam vốn nổi tiếng với các sản phẩm nông sản xuất khẩu. Việc mất các nhãn hiệu, các chỉ dẫn địa lý là chuyện vẫn thường thấy. Cho nên các doanh nghiệp nên nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu càng sớm càng tốt. Nếu không thì có khả năng bị mất nhãn hiệu”, luật sư Trần Đức Sơn cảnh báo.
Trở lại câu chuyện ST25, luật sư Trần Đức Sơn phân tích: Ở Việt Nam, ai nộp đơn đăng ký trước thì được ưu tiên trước. Còn ở Mỹ thì khác một chút.
“Ở Mỹ, họ cấp đăng ký theo nguyên tắc ai sử dụng trước thì sẽ được ưu tiên cấp đăng ký. Trong trường hợp đó, muốn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở Mỹ, cá nhân/tổ chức phải chứng minh họ là người đã sử dụng, là người nghĩ ra nhãn hiệu đó, thậm chí là người sáng chế ra sản phẩm mang nhãn hiệu đó, kể cả ở Việt Nam và ở nước mình đăng ký”, luật sư Trần Đức Sơn chia sẻ.
Theo ông Sơn, cơ chế công nhận những việc này là hết sức phức tạp “nếu như trong trường hợp có người đã nộp đơn trước đó ở Mỹ rồi”.
“Khi đó, việc chứng minh, cung cấp các dữ liệu về việc sử dụng ở Việt Nam để cho cơ quan bên kia xem xét là rất phức tạp và trong nhiều trường hợp tốn rất nhiều chi phí. Bởi vì các công việc thường phải thông qua một đơn vị đại diện ở bên đó, họ phải làm các khiếu nại, làm các trình bày giải trình về việc ai là người sử dụng đầu tiên”, luật sư Trần Đức Sơn chia sẻ
Trong trường hợp cụ thể là thương hiệu gạo ST25, cá nhân/tổ chức sở hữu thương hiệu đó cần nộp đơn đăng ký ở Mỹ. Nếu trong trường hợp cơ quan đăng ký ở Mỹ đưa ra việc nhãn hiệu đó đã được một đơn vị khác đăng ký trước, thì cá nhân/tổ chức có thể khiếu nại và giải trình về việc họ mới là đơn vị sử dụng đầu tiên nhãn hiệu đó. Ví dụ, nếu đơn vị ở Mỹ đã biết đến nhãn hiệu của cá nhân/tổ chức này rồi mà vẫn đi nộp đơn đăng ký trước thì đây là hành vi nộp đơn chiếm quyền không trung thực. Doanh nghiệp khiếu nại trên cơ sở như vậy.
Tuy nhiên, luật sư Trần Đức Sơn lưu ý: Đây là hành trình quá khó khăn và tốn kém. Đôi khi kết quả chưa chắc theo ý mình bởi nhiều lý do.
Khi bị xâm phạm nhãn hiệu, cá nhân/tổ chức có thể không cần thiết phải sang tận Mỹ. Họ có thể thuê một đơn vị có kinh nghiệm về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam mà có nhiều đối tác tại Mỹ cũng như ở các nước. Khi xảy ra vấn đề, đơn vị tại Việt Nam sẽ thông tin cho đối tác về vụ việc và đối tác đó sẽ đưa ra mức giá xử lý vụ việc.
Trong một số trường hợp, việc giải quyết các vụ việc này phải vừa khởi kiện, vừa đàm phán với chủ nhãn hiệu đã đăng ký để mua lại. Tuy nhiên, đôi khi việc đàm phán mua lại bị "tắc" bởi chủ nhãn hiệu đòi giá rất cao.
“Khi doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường mà không chú ý đến việc đăng ký thương hiệu thì mất nhãn hiệu ngay”, luật sư Trần Đức Sơn cảnh báo.