Ngân hàng dồn dập tăng vốn, đẩy nhanh quá trình phát hành cổ phiếu để có thêm nguồn lực
(DNTO) - “Không tăng vốn không được” đang là khẩu hiệu của các nhà băng khi nói về trọng tâm kế hoạch hoạt động năm 2024, nhất là khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu đang xuống mức thấp nhất. Hơn nữa, hoạt động tăng vốn này chính là cơ hội cho các nhà đầu tư đưa ra quyết định "xuống tiền" với dòng cổ phiếu ngân hàng.
Nợ xấu và câu hỏi tăng trưởng năm 2024
Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng trong quý 1/2024 được Ngân hàng Nhà nước mới công bố cho biết, mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng dự báo tiếp tục tăng trong quý 1/2024, dù tốc độ tăng đang chậm dần lại. Đánh giá cả năm 2023, mặt bằng rủi ro của khách hàng đã tăng đáng kể so với năm 2022, hơn nhiều so với dự báo ban đầu.
Nợ xấu đang đe doạ lợi nhuận ngân hàng khi đang trên ngưỡng 3%, trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu lại có xu hướng giảm xuống dưới mức 100%, thay vì luôn ở trên mức này như trước đây, khiến nhiều lãnh đạo ngân hàng thương mại tỏ ra không lạc quan triển vọng kinh doanh năm 2024. Bởi khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu và khả năng thu hồi nợ thấp.
Tại hội nghị chuyên ngành về thúc đẩy tín dụng diễn ra cuối tháng 2/2024, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, thừa nhận hoạt động thu hồi nợ hiện nay rất khó khăn, trong khi các quy định tại Nghị quyết 42 của Quốc hội về thu giữ tài sản bảo đảm không được thể chế hóa bằng các quy định pháp luật tại Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc xử lý tài sản bảo đảm cho các khoản nợ, đặc biệt liên quan đến nhà đất và dư nợ của các doanh nghiệp.
Chưa kể, một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu vượt ngưỡng cho phép, dự kiến tác động không nhỏ tới tăng trưởng tín dụng cả năm – vốn là mảng kinh doanh chủ chốt, mang lại doanh thu chủ yếu cho các ngân hàng. Yếu tố này, cùng nguồn thu bị bó hẹp, đặc biệt là nguồn thu từ kênh bancassurance, khiến không ít ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 khá thận trọng.
Đơn cử, mặc dù đạt lợi nhuận hơn tỷ USD năm 2023, song bước sang năm 2024, BIDV đưa ra một số chỉ tiêu chính như dư nợ tín dụng điều hành theo giới hạn tín dụng Ngân hàng Nhà nước giao, dự kiến tăng 14%; huy động vốn điều hành phù hợp với sử dụng vốn, đảm bảo an toàn thanh khoản, hiệu quả; Kiểm soát tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 ở mức bằng hay thấp hơn 1,4%..., riêng chỉ tiêu lợi nhuận vẫn đang còn bỏ ngỏ. Kết thúc tháng 1/2024, dư nợ tín dụng của BIDV giảm 1,25% so với cuối năm trước.
Vietcombank cũng khiêm tốn đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 chỉ tăng trưởng 10% so với năm 2023. Trong đó, tín dụng tăng trưởng ít nhất 12%. Ngoài Vietcombank, hai ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước khác là VietinBank, BIDV vẫn để ngỏ mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm.
Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, một số ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận tương đối cao, nhưng thấp hơn so với giai đoạn trước đó. Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị của MB cho rằng, nhu cầu vốn năm nay chưa thể kỳ vọng đột biến, nhưng sẽ dần tăng trở lại khi nhu cầu về tín dụng mua nhà, ô tô đang đi ngang. Do đó, giữ vững được mức tăng trưởng đi ngang trong năm 2024 cũng là rất tốt để ngân hàng đạt được mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 10%.
Giới chuyên gia dự báo, năm 2024, các ngân hàng vẫn sẽ phải gánh mức trích lập dự phòng cao như năm 2023. Theo đó, nợ xấu tăng cao, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm, Thông tư 02/2023… là những yếu tố đe dọa bức tranh tài chính ngân hàng năm nay, cũng như đặt ra nhiều áp lực cho lãnh đạo ngân hàng.
TS. Châu Đình Linh, Đại học Ngân hàng TP.HCM nhận định, lợi nhuận ngân hàng trong năm 2024 khó có thể kỳ vọng đột biến và sẽ phân hóa mạnh, với những ngân hàng thuộc Top đầu, lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng. Những ngân hàng nhỏ hơn, đòi hỏi tập trung khắc phục rủi ro nợ xấu cũng sẽ có sự đi lên về lợi nhuận.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tài chính cho rằng, lợi nhuận ngân hàng hiện đóng góp chủ yếu từ lãi thuần, nếu tín dụng năm nay cải thiện và tăng trưởng ở mức 15% thì lợi nhuận ngân hàng mới khả thi và ngược lại.
'Không tăng vốn không được"
Để chủ động hơn trong kiểm soát rủi ro, trích lập dự phòng nợ xấu và làm dày “bộ đệm” vốn, tại cuộc gặp với các nhà đầu tư tháng 2/2024, lãnh đạo các ngân hàng nhấn mạnh "không tăng vốn không được", đua nhau lên kế hoạch trình cổ đông việc tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức, phát hành cổ phiếu mới, thu hút vốn ngoại, giúp nâng cao năng lực tài chính.
Theo đó, chủ đề tăng vốn đang là một trong những điểm "nóng" trong cuộc họp cổ đông thường niên vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2024. Cụ thể, lãnh đạo Nam A Bank cho biết, sẽ tiến hành ĐHCĐ vào ngày 29/3, dự định phát hành thêm 264,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức. Theo đó, vốn điều lệ sẽ tăng thêm 2.654 tỷ đồng sau phát hành. Ngoài ra, Nam A Bank còn có kế hoạch phát hành 50 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP) với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, tăng vốn điều lệ thêm 500 tỷ đồng. Như vậy, trong năm 2024, Nam A Bank sẽ tăng vốn điều lệ thêm hơn 3.145 tỷ đồng, lên mức 13.725 tỷ đồng.
LPBank cũng có kế hoạch họp cổ đông vào ngày 27/4 tới, dự kiến tăng vốn điều lệ từ 20.576 tỷ lên hơn 25.576 tỷ đồng. Với vốn điều lệ đạt hơn 25.500 tỷ đồng, LPBank đang là ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ 10 hệ thống.
"Cuộc đua" tăng vốn trong năm 2024 của ngành ngân hàng càng sôi động hơn với sự tham gia của nhóm Big4. Mới đây, Vietcombank cho biết, sẽ trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2022. Trước đó, HĐQT đã phê duyệt phương án này với kế hoạch dùng 21.700 tỷ đồng lợi nhuận năm 2022 để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Phương án này cần được trình Ngân hàng Nhà nước để xin ý kiến và nếu được chấp thuận thực hiện, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ nâng lên hơn 77.500 tỷ đồng.
Tương tự, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank đề xuất các cơ quan có thẩm quyền cho phép VietinBank được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024-2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.
Bên cạnh việc trả cổ tức bằng cổ phiếu, nhiều ngân hàng còn lên kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài...
Trong kế hoạch hoạt động năm nay của các ngân hàng, việc tăng vốn điều lệ tiếp tục được đặt ra, với kỳ vọng “níu chân” cổ đông lớn, nhất là khi cổ phiếu ngân hàng Việt vẫn được các nhà đầu tư ngoại đánh giá rất tiềm năng. Đặc biệt, Thông tư 02 về tái cơ cấu nợ được gia hạn, sự phục hồi của nền kinh tế sẽ góp phần giảm nhẹ gánh nặng nợ xấu, do đó, đã xuất hiện những điểm sáng để cổ phiếu "vua" xứng đáng được tái định giá ở mức cao hơn.
Công ty Chứng khoán SSI dự báo tăng trưởng lợi nhuận 2024 của các ngân hàng niêm yết top đầu ở mức khoảng 15,4%. Tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan cùng với NIM được cải thiện nhờ môi trường lãi suất thấp được duy trì.
"Vùng giá hiện nay vẫn khá hấp dẫn cho nhà đầu tư dài hạn xuống tiền với cổ phiều ngân hàng, đặc biệt là những nhà băng có chất lượng tài sản vững chắc, bộ đệm dự phòng mạnh mẽ với triển vọng tăng trưởng bền vững", Chứng khoán SSI đánh giá.