BIDV được tăng vốn thêm 6.400 tỷ đồng, các ngân hàng còn lại trong nhóm big 4 ra sao?
(DNTO) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chấp thuận cho BIDV tăng vốn điều lệ "khủng" lên tới 67.004 tỷ đồng (tăng thêm 6.419 tỷ đồng). Các ngân hàng còn lại trong nhóm big 4 cũng đang khẩn trương các thủ tục để tăng vốn.
NHNN vừa chấp thuận cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã chứng khoán: BID) được tăng vốn điều lệ thêm tối đa 6.419 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 đã được Đại hội đồng cổ đông BIDV thông qua.
Sau khi hoàn tất các thủ tục theo quy định pháp luật về phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ theo nội dung trên, BIDV có trách nhiệm trình NHNN hồ sơ đề nghị sửa đổi mức vốn điều lệ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận một số nội dung thay đổi của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
BIDV đã phát hành thêm tối đa 642 triệu cổ phiếu, tương đương với giá trị phát hành theo mệnh giá là 6.419 tỷ đồng. Tỷ lệ phát hành là 12,69% số cổ phiếu đang lưu hành.
Hiện vốn điều lệ của BIDV ở mức 50.585 tỷ đồng. Sau khi phát hành gần 642 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng lên 57.006 tỷ đồng, trở thành thành viên Big4 có vốn điều lệ cao nhất và đứng thứ hai toàn hệ thống ngân hàng, chỉ sau VPBank.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên, bên cạnh kế hoạch phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, BIDV cũng có kế hoạch tiếp tục thực hiện phát hành riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng hơn 455 triệu cổ phiếu theo Phương án đã được ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua để tăng vốn điều lệ thêm 4.552 tỷ đồng.
BIDV cho biết vốn điều lệ tăng thêm rằng sẽ được dùng toàn bộ để bổ sung vốn kinh doanh cho các hoạt động như hoạt động tín dụng, đầu tư, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ môi giới, ngân hàng số và nâng cao năng lực cạnh tranh của mạng lưới kinh doanh.
Mới đây, NHNN cũng chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - mã chứng khoán: CTG) tăng vốn điều lệ thêm gần 5.643 tỷ đồng, theo phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ và chia cổ tức tiền mặt năm 2020. Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của nhà băng này sẽ tăng từ 48.057 tỷ đồng lên hơn 53.700 tỷ đồng, tức tăng thêm gần 5.643 tỷ đồng. Thời gian phát hành dự kiến là trong quý III - quý IV/2023.
Với Agribank, Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV đã chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho giai đoạn 2021 - 2030 tương ứng với số lợi nhuận còn lại thực nộp ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2023 của ngân hàng này tối đa là 17.100 tỷ đồng. Trong đó năm 2023 là 6.753 tỷ đồng và năm 2024 là 10.347 tỷ đồng. Nếu được bổ sung 17.100 tỷ đồng, vốn điều lệ của Agribank sẽ tăng lên hơn 51.500 tỷ đồng.
Với Vietcombank, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước từ nguồn chi trả cổ tức thông qua việc Vietcombank phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích các quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt, chia cổ tức bằng cổ phiếu năm 2019 và năm 2020. Trong nội dung ĐHĐCĐ đầu năm 2023, Vietcombank dự kiến sẽ phát hành tối đa gần 2,77 tỷ cổ phiếu, tăng vốn điều lệ thêm tối đa 27.685 tỷ đồng vượt qua quán quân hiện tại là VPBank.
NHNN đang chỉ đạo Vietcombank hoàn thiện lại phương án tăng vốn từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 để trình Thủ tướng phê duyệt.
Ngoài nhóm Big4, NHNN cũng cho biết đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 21 ngân hàng cổ phần và 6 công ty tài chính. Việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng này chủ yếu là từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng (lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ).