Một số vấn đề về quản lý và sử dụng đất đai hiện nay
(DNTO) - Đất đai là cương vực, lãnh thổ thiêng liêng, là không gian sinh tồn của dân tộc, quốc gia và muôn đời các thế hệ con Lạc, cháu Rồng. Đất đai cũng là tài sản quý giá nhất của đất nước và mãi mãi là nguồn lực quan trọng hàng đầu để phát triển bền vững.
Việt Nam với tổng diện tích 310.060 km2 và dân số 96,5 triệu người là đất nước “đất chật, người đông”, điều kiện đất đai hạn chế, diện tích bình quân đầu người thấp. Sự phân bố các cơ sở kinh tế xã hội không đồng đều, tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng, ven biển.
Trong nông nghiệp, tình trạng đất đai manh mún, phân tán, quy mô kinh tế hộ nhỏ bé. Với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trong cả nước là 10,15 triệu ha, đất lâm nghiệp là 15,37 triệu ha và đất nuôi trồng thủy sản 712 ngàn ha, diện tích canh tác trung bình của mỗi hộ nông nghiệp chỉ khoảng 0,4 ha, chia ra thành 3-4 mảnh nhỏ.
Những đặc điểm nêu trên của Việt Nam về đất đai đã tạo ra áp lực lớn trong sử dụng đất. Diện tích nông nghiệp hạn hẹp làm cho nền nông nghiệp của Việt Nam tuy sản xuất hàng hóa có những bước phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn dựa trên nền tảng tiểu nông, sản xuất nhỏ lẻ và là trở ngại lớn trước đòi hỏi xây dựng nông nghiệp sản xuất lớn.
Do yếu tố lịch sử, nguồn gốc đất đai ở Việt Nam phức tạp, trong đó có những đất đai có lịch sử như đất tôn giáo, đất cơ sở thờ tự, đất thu hồi trong cách mạng… nếu không giải quyết khéo léo, hợp lý thì dễ gây ra những bất ổn về chính trị, xã hội.
Trong những năm gần đây, Việt Nam là quốc gia bị tổn thương lớn bởi tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Theo báo cáo Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu năm 2020 (Global Climate Risk Index 2020) của Tổ chức Tham vấn môi trường đã chỉ ra, Việt Nam đứng thứ 6 trong số 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi thiên tai.
Theo dự báo, nếu nước biển dâng 100 cm (do biến đổi khí hậu, không tính đến các yếu tố khác), nguy cơ ngập của các khu vực như sau: khoảng 16,8% diện tích đồng bằng sông Hồng, 4,79% diện tích tỉnh Quảng Ninh, khoảng 1,47% diện tích đất các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, khoảng 17,85 diện tích TP.HCM, khoảng 4,79% diện tích Bà Rịa – Vũng Tàu có nguy cơ bị ngập. Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có nguy cơ ngập cao nhất (38,9% diện tích).
Biến đổi khí hậu làm thu hẹp diện tích đất canh tác, gây ngập lụt cho các khu công nghiệp. Biến đổi khí hậu cũng làm cho các nguồn tài nguyên ngày càng suy giảm. Suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước, khan hiếm nước trở nên phổ biến hơn. Quá trình xói mòn, rửa trôi đất hay tình trạng sạt lở đất diễn ra nhanh hơn khi có mưa bão, lũ tràn về.
Ô nhiễm môi trường ở Việt Nam có tác động lớn đến chất lượng đất ở nước ta. Việt Nam hiện có khoảng 11 triệu ha đất đang bị thoái hóa và có nguy cơ bị thoái hóa. Tốc độ thoái hóa đất tự nhiên ở khu vực có địa hình đồi núi, sườn dốc hoặc các khu vực ven biển diễn biến nhanh hơn so với đất phù sa ở khu vực đồng bằng.
Ô nhiễm môi trường ở nước ta ngày càng gia tăng chủ yếu do hoạt động phát triển công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, dịch vụ…, do chất thải, nước thải chưa được xử lý và phân bón hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật chưa được quản lý, kiểm soát, xả thải vào môi trường đất. Một số khu vực có hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề đã xuất hiện tình trạng kim loại nặng trong đất vượt ngưỡng quy định cho phép.
Đối với các vùng đất chuyên canh nông nghiệp, hàm lượng hợp chất hữu cơ trong đất có xu hướng tăng theo thời gian. Một số khu vực đã phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có trong đất và cần được kiểm soát chặt chẽ như Nghệ An, Quảng Trị.
Để phát triển nhanh, bền vững đất nước, hướng đến mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao đòi hỏi chúng ta phải huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, coi đây là nguồn lực nội sinh quan trọng để phát triển đất nước. Thực hiện được điều này đất đai phải được chuyển dịch theo các xu hướng: đất có giá trị thấp thành đất có giá trị cao, đất có mật độ sử dụng thấp sang đất có mật độ sử dụng cao; đất sử dụng chưa hiệu quả thành đất sử dụng hiệu quả.
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng tất yếu đặt ra nhu cầu chuyển đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa thành đất đô thị, đất khu công nghiệp, khu kinh tế, cơ sở hạ tầng, đất phục vụ sản xuất công nghiệp...
Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn cũng đòi hỏi khắc phục tình trạng đất manh mún, phân tán, thực hiện tích tụ, tập trung đất đai nhằm tạo tiền đề, điều kiện để cải tạo đồng ruộng, thực hiện cơ giới hóa các khâu sản xuất lớn; xây dựng hệ thống thủy nông, tưới tiêu hợp lý, tiết kiệm, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, giống mới, quy trình sản xuất tiên tiến, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lao động, năng suất trên một đơn vị diện tích, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế cả chiều rộng, chiều sâu, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, EVIPA..., đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện các cam kết quốc tế, hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách; xây dựng năng lực và hoàn thiện các biện pháp tự vệ phù hợp với các cam kết quốc tế...
Để thu hút các nguồn vốn bên ngoài, nguồn vốn FDI, tất yếu chúng ta phải bố trí mặt bằng, hạ tầng, đất để xây dựng nhà máy... cho các doanh nghiệp nước ngoài, chúng ta phải thu hồi đất, chuyển đổi mục tích sử dụng đất cho các doanh nghiệp này, đồng thời giải quyết đầy đủ, kịp thời các vấn đề liên quan đến chính sách sử dụng đất.
Việc sử dụng đất đai với nhiều mô hình mới như đất đai để xây dựng các mô hình kinh doanh mới, đất sử dụng mục đích hỗn hợp; đất, không gian để xây dựng các công trình ngầm, các hạ tầng..., từ đó, đòi hỏi các chính sách, pháp luật phải đề cập, phản ánh được các mô hình mới nảy sinh từ thực tiễn để thống nhất, quản lý cho các mô hình này phát triển bền vững.
Một số vấn đề khác đang được xã hội rất quan tâm là tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên có liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai vẫn đang nóng bỏng, chưa bị đẩy lùi, một số doanh nghiệp, cá nhân thu lợi lớn từ đất đai gây ra những bức xúc, mâu thuẫn trong xã hội.
Trong bối cảnh xã hội thông tin, internet, mạng xã hội phát triển mạnh, sự giao lưu, tiếp xúc của người dân với thế giới ngày càng được tăng cường, mở rộng tác động đến nhận thức, tư tưởng của người dân. Thông tin, dữ liệu liên quan đến đất đai ngày càng phong phú, đa dạng, nhiều chiều cạnh. Việc nghe, việc nhìn cũng như suy nghĩ của mỗi người trong điều kiện mở cửa, hội nhập hiện nay đã khác hẳn những năm qua, dễ tạo ra sự so sánh, gây ra tâm lý, tâm trạng xã hội, điều này đặt ra những thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý, sử dụng đất đai.
Trong lĩnh vực đấu tranh tư tưởng, lý luận, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng và Nhà nước ta, đất đai, đặc biệt là vấn đề sở hữu đất đai là chủ đề được các thế lực phản động, thù địch tập trung chống phá, đang tung ra nhiều luận điệu xảo trá, thâm độc, nhằm đẩy mạnh âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.
Chúng lợi dụng triệt để những yếu kém, khuyết điểm, nhất là trong quản lý đất đai, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, lợi dụng những bức xúc của người dân về vấn đề đất đai để công kích, phê phán, bôi nhọ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, để đẩy nhanh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.
Ngay cả những giá trị, thành quả của đất nước ta trong vấn đề đất đai ... cũng bị phủ định và làm méo mó, sai lệch. Chúng sử dụng chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng để tuyên truyền, kích động những vấn đề về đất đai ở Việt Nam.
Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để tăng cường công tác quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai. Văn kiện Đại hội XII của Đảng, xác định vấn đề đất đai, chính sách, pháp luật về đất đai là một nội dung trọng tâm cần phải giải quyết thấu đáo, Văn kiện xác định: “Huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính là một nội dung trong đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. “Cơ cấu lại thị trường bất động sản, đất đai, tài nguyên để đất, tài nguyên được sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả cao”.
Văn kiện Đại hội XIII cũng xác định các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về vấn đề đất đai như sau:
“Xây dựng chiến lược, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, trọng tâm là đất đai.
Hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đất đai, nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hiện đại hoá lĩnh vực địa chính, dịch vụ công về đất đai.
Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, bền vững, hiệu quả, tiết kiệm trong sử dụng đất. Phát triển lành mạnh thị trường quyền sử dụng đất, chú trọng thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng đầu cơ đất.
Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hoá và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ngăn chặn tình trạng để đất hoang hoá, sử dụng đất lãng phí, tăng cường quản lý, khắc phục suy thoái đất.
Quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả đất công, đất có nguồn gốc nông, lâm trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các vi phạm, tranh chấp, lân chiếm đất đai. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, trục lợi, làm thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất.
Hoàn chỉnh công tác điều cơ bản, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên đất, nước, rừng, biển, khoáng sản và đa dạng sinh học”.
Những nội dung này thể hiện quan điểm vừa nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, vừa phát huy vai trò của cơ chế thị trường trong lĩnh vực này. Về tiêu chí định hướng, Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh nội dung đầy đủ, hiện đại, hội nhập, hiệu quả. Trong việc hoàn thiện thể chế quản lý về đất đai ở nước ta.