Nhiều doanh nghiệp than gặp trở ngại về thủ tục đất đai và giải phóng mặt bằng
(DNTO) - Sáng 26/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp “Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và lĩnh vực liên quan: Giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế”.
Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp phản ánh còn gặp nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai dự án đầu tư xây dựng và các lĩnh vực liên quan như đất đai, môi trường. Việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ của các địa phương gây ảnh hưởng đến sự phát triển đô thị và quyền lợi của doanh nghiệp.
Theo khảo sát của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng đang gặp khó khăn là rất cao. Trong đó, có 50% doanh nghiệp gặp trở ngại về thủ tục đất đai và giải phóng mặt bằng. Một số doanh nghiệp khác đang gặp trở ngại về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quy trình thẩm định, thẩm duyệt của các cơ quan chức năng. Doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần và tốn kém nhiều chi phí trong quá trình làm thủ tục xin giấy phép xây dựng và các thủ tục khác.
“Từ năm 2009, UBND thành phố Hải Phòng, Sở Xây dựng và các sở liên quan đã phê duyệt quy hoạch 1/500 cho doanh nghiệp, trong đó, có các hạng mục xây dựng rất rõ ràng. Tuy nhiên năm 2016 có điều chỉnh quy hoạch toàn bộ diện tích đất của doanh nghiệp sang mục đích khác. Từ đó đến nay, do chưa có sự đồng bộ về quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất dẫn đến doanh nghiệp không thể triển khai dự án”, ông Nguyễn Hữu Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Tân Hồng Phúc cho biết.
Qua cuộc đối thoại, các doanh nghiệp hy vọng Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành liên quan kịp thời giải quyết các vướng mắc, phiền hà trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, gây ra sự cản trở cho các dự án, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư của doanh nghiệp. Cùng với đó, cần nhận định thực tế những khó khăn, rào cản mà doanh nghiệp đang phải đối mặt để có các giải pháp cụ thể.
“Trong việc đối phó với tình trạng tăng giá vật liệu xây dựng hiện nay, thực tế chúng tôi kiểm tra tại các địa phương, ví dụ như thành phố Đà Nẵng, thông báo giá của Sở Xây dựng Đà Nẵng so với giá thực trên thị trường vẫn chậm và lạc hậu, không sát với thị trường, vì vậy giá để cập nhật thanh toán vẫn không thực tế. Chúng tôi đề nghị các cơ quan của Bộ kiểm tra thực tế các Sở Xây dựng đáp ứng, thực hiện việc này như thế nào để duy trì mặt bằng về giá”, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam nêu ý kiến.
Trên tinh thần cầu thị, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong nhiều nhiệm vụ của các bộ, ngành Trung ương và địa phương được giao trong các Nghị quyết, Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan cải thiện chỉ số Cấp phép xây dựng – là một trong các chỉ số được Ngân hàng thế giới đo lường, đánh giá và xếp hạng môi trường kinh doanh của một nền kinh tế. Từ đầu năm đến nay, ngành xây dựng đã cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 9 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, cắt giảm, đơn giản hóa 9 thủ tục hành chính.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng vẫn phải tiếp tục được cải cách và dư địa cải cách vẫn còn rất lớn: “Đối với công tác quy hoạch, Bộ Xây dựng sẽ rà soát và đổi mới phương pháp lập quy hoạch, đảm bảo chất lượng, tầm nhìn, thống nhất và phù hợp của quy hoạch. Đảm bảo phát triển đô thị theo hướng bền vững. Thời gian qua, Bộ Xây dựng cũng rất tích cực chỉ đạo công tác cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng nhận thấy việc tiếp tục đơn giản thủ tục hành chính cần quan tâm nhiều hơn nữa để tạo môi trường thông thoáng nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý Nhà nước”./.