Mới có 10% trong 2.166 doanh nghiệp sẵn sàng kiểm kê phát thải
(DNTO) - Chuyên gia cho biết thậm chí đến thời điểm này có doanh nghiệp còn chưa biết mình đang nằm trong danh mục phải báo cáo kiểm kê phát thải vào tháng 3/2025.
Không còn thời gian để chậm trễ
Tại “Diễn đàn xuất khẩu,” do Bộ Công Thương tổ chức sáng 4/12, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết những chính sách quan trọng như Thỏa thuận xanh châu Âu (European Green Deal), Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn (Circular Economy Action Plan) hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030 đang có ảnh hưởng lớn đến phương thức tăng trưởng, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trên thế giới.
Các chính sách này không chỉ tập trung vào mục tiêu giảm phát thải mà còn đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe hơn về trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường, yêu cầu các nước xuất khẩu phải thay đổi phương thức sản xuất và cách tiếp cận để đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao. Vì vậy, việc chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu của Việt Nam thích ứng hiệu quả với những tiêu chuẩn bền vững là sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam.
Phân tích sâu hơn, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết với các yêu cầu về kiểm toán, Báo cáo Phát triển bền vững của doanh nghiệp (CSRD)..., của Liên minh châu Âu (EU) đã đi vào hiệu lực từ tháng 1/2024 và thể chế hóa bằng luật của các nước thành viên vào tháng 6/2024 đến nay đã có hiệu lực, nếu các doanh nghiệp Việt Nam không thực hiện và tuân thủ thì trong thời gian tới sẽ bị loại khỏi thị trường.
Với Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), chuyên gia này cho rằng mặc dù tác động trực tiếp tới các mặt hàng xuất khẩu như sắt, thép nhưng với doanh nghiệp sản xuất xe ôtô sử dụng sắt thép cũng là doanh nghiệp đầu tiên chịu ảnh hưởng.
Ông Thọ thông tin, tháng 3/2025, theo quy định sẽ có 2.166 doanh nghiệp phải thực hiện kiểm kê, báo cáo và xác nhận phát thải làm tiền đề thử nghiệm thị trường carbon, tiến tới chính thức thị trường carbon vào năm 2029.
Tuy vậy, vào thời điểm này chỉ có 10% trong tổng số 2.166 doanh nghiệp sẵn sàng thực hiện việc kiểm kê, báo cáo xác nhận và liên quan trực tiếp tới doanh nghiệp sản xuất thép, xi măng, nhiệt điện. Thậm chí nhiều doanh nghiệp khác vẫn chưa biết mình đang nằm trong danh mục phải báo cáo kiểm kê phát thải vào tháng 3/2025.
"Tại Nghị định 06 đã quy định trách nhiệm của doanh nghiệp và không phải là trách nhiệm mà Chính phủ cần phải thông báo, hướng dẫn hay đôn đốc để các doanh nghiệp thực hiện. Bên cạnh việc kiểm kê, báo cáo, xác nhận phát thải, doanh nghiệp còn phải xây dựng kế hoạch giảm phát thải trong thời gian tới theo đúng lộ trình của Việt Nam", ông Thọ nhấn mạnh.
Cần những hành động thực tế
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh tiêu chuẩn bền vững hiện nay được lồng ghép vào quy định về thương mại. Nói đến phát triển bền vững không chỉ nói đến khái niệm “xanh” mà mở rộng ra là ESG (môi trường – xã hội – quản trị). Đây là những yếu tố quan trọng doanh nghiệp cần có khi làm việc với đối tác. Vì vậy, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển bền vững gắn với những hành động cụ thể.
Chia sẻ kinh nghiệm thực tế, ông Trần Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc điều hành Tonmat Group, tập đoàn sản xuất tôn và hóa chất với doanh thu 1.300 tỷ đồng mỗi năm, cho biết các doanh nghiệp đang phải chịu áp lực từ 6 bên: cam kết chính phủ, đối tác, khách hàng, chủ đầu tư, tổ chức tài chính và sự cạnh tranh. Vì vậy, chuyển đổi xanh là việc bắt buộc phải làm.
Tập đoàn này đặt ra mục tiêu đến năm 2030 giảm 50% lượng nước thải, giảm 35% lượng CO2 trong sản xuất, giảm 70% rác thải không thể tái chế và 100% sản phẩm được đánh giá giảm tác động đến môi trường trong suốt vòng đời sản phẩm.
Để làm được điều này, doanh nghiệp phải có hành động cụ thể và quyết liệt. Ví dụ tập đoàn này đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 35% lượng CO2 trong sản xuất, thì ngay từ bây giờ các nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Bình đã chuyển đổi sang sử dụng năng lượng mặt trời phục vụ sản xuất và vận hành, đồng thời cải tiến công nghệ, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, giảm phát thải...
Tương tự với Vicostone, việc chuyển đổi xanh cũng phải bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất như chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo (điện măt trời áp mái), chuyển từ đèn sợi đốt sang đèn led, chuyển lò đốt ga sang sử dụng nhiên liệu sinh học, sử dụng các loại xe nâng điện, xe di chuyển nội bộ bằng điện. Đồng thời thực hiện việc thu gom tái chế các sản phẩm đã ra thị trường.
Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lưu ý doanh nghiệp căn cứ vào các tiêu chuẩn quốc tế để rà soát mức độ phát thải của đơn vị mình đang ở đâu, công nghệ ở mức nào, nếu kém cạnh tranh về phát thải thì cần nâng cấp về công nghệ, cũng là chuyển đổi xanh của doanh nghiệp.
"Việc này nhằm giúp doanh nghiệp lập hồ sơ xác nhận với nhà nhập khẩu, thể hiện việc chuyển đổi công nghệ xanh, qua đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh chuyển đổi này," ông Nguyễn Bá Hùng nói.