‘Mỏ vàng’ dữ liệu đã ‘lộ thiên’
(DNTO) - Thị trường dữ liệu Việt Nam dự kiến đạt hơn 1,8 tỷ USD vào năm 2023. Khi có thêm nhiều cơ sở dữ liệu quốc gia được xây dựng và khai thác sẽ mở ra cơ hội cho cả Chính phủ và doanh nghiệp, người dân tiếp cận với nguồn tài nguyên mới.
“Thông tư 06 về quy chế khai thác dữ liệu thông tin của cơ sở dữ liệu quốc gia vừa ban hành đã thực sự nhìn thấy dữ liệu là mỏ vàng, mỏ vàng đã lộ thiên, điều quan trọng là khai thác 'mỏ vàng' như thế nào”, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) hồ hởi chia sẻ khi nói về chính sách về dữ liệu thông tin ngày càng hoàn thiện.
Cũng trong Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – châu Á 2023 sáng 24/5, vị này cũng khẳng định cộng đồng doanh nghiệp số Việt Nam hoàn toàn có khả năng để tạo ra các giải pháp công nghệ mang tầm quốc tế. “Chúng tôi sẵn sàng chung tay cùng Chính phủ tạo ra các giải pháp mang tính chất lõi trong quá trình chuyển đổi số quốc gia”, ông Khoa nói.
Dữ liệu được xem là nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế số. Thị trường dữ liệu Việt Nam được định giá 858 triệu USD vào năm 2020 và dự kiến đạt 1,82 tỷ USD vào năm 2023. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm dự kiến đạt 5,32% trong giai đoạn 2023-2027 (theo Vietnam – Briefing).
Chia sẻ về những lợi ích của việc xây dựng và sử dụng dữ liệu trong hành chính công, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), lấy ví dụ trong lĩnh vực giáo dục tiết kiệm hơn 232 tỷ đồng nhờ vào các dịch vụ công trực tuyến.
“Các gia đình đã tin tưởng giao 12 năm đèn sách của con em cho dịch vụ công trực tuyến. Những học sinh từ Lào Cai không phải xuống từng trường để nộp hồ sơ thi đại học. Chỉ riêng việc đăng kí hồ sơ thi đại học online đã giúp ngành giáo dục tiết kiệm 50 tỷ đồng”, ông Tấn nêu ví dụ.
Tuy nhiên, vị này cũng nhìn nhận việc tạo điều kiện cho người dân tham gia vào môi trường số và công chức hoạt động trên môi trường số còn hạn chế.
“Chúng ta nói nhiều về dữ liệu nhưng kho dữ liệu một tỉnh đã có chưa để thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính. Nhiều tỉnh nói rằng đã có trung tâm điều hành thông minh (IOC) nhưng chủ yếu là dữ liệu chết. Dữ liệu để phát triển kinh tế có thể tính sau nhưng trước mắt phải xây dựng dữ liệu để cắt giảm ngay thủ tục hành chính cho người dân, đó mới là thiết thực”, ông Tấn nhấn mạnh.
Điều quan trọng nhất trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), là phải thay đổi thể chế để dữ liệu được sử dụng và khai thác hiệu quả. Bởi có dữ liệu nhưng không có cách khai thác thì cũng chỉ là “rác”, càng ngày càng nhiều hơn.
“Ví dụ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã có phải thay đổi thủ tục hành chính, những gì đã có trên cơ sở dữ liệu không bắt người dân làm thủ tục giấy nữa. Khi xây dựng dữ liệu xong rồi câu chuyện làm sao để kết nối, chia sẻ giữa các bộ ngành. Vấn đề này lại liên quan đến việc hạ tầng công nghệ thông tin ở các đơn vị. Hiện chỉ có 1/5 hệ thống công nghệ thông tin của các bộ ngành địa phương đảm bảo để kết nối sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia”, ông Tiến cho biết.
Hiện đã xây dựng được 5 cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng liên quan đến các lĩnh vực như dân cư, đăng kí doanh nghiệp, đất đai, bảo hiểm và tài chính.
Đại diện Cục Chuyển đổi số Quốc gia cho biết đơn vị này đang xây dựng Nghị định để tăng danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia, phân định rõ trách nhiệm sử dụng của các bộ ngành từ trung ương đến địa phương để triển khai phù hợp.
Cũng tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định dữ liệu còn hơn cả “mỏ vàng” vì đây là nguồn tài nguyên vô tận thúc đẩy sáng tạo và trí tuệ con người. Đây là nguồn tài nguồn xanh giúp phục hồi tài nguyên thiên nhiên. Nhưng để khai thác dữ liệu thì không thể một doanh nghiệp, cơ quan hay một Chính phủ làm được mà cần có nguồn lực hội tụ với cả khu vực và thế giới.
“Chính phủ dẫn đường nhưng tư duy khoa học công nghệ phải từ doanh nghiệp. Bởi thay đổi một khung khổ chính sách mất rất nhiều thời gian trong khi mỗi ngày đều có hàng trăm giải pháp mới ra đời. Chỉ có doanh nghiệp, nhà khoa học mới đóng góp tốt nhất cho xây dựng khuôn khổ chính sách về dữ liệu, kinh tế số vì họ là người trong cuộc, nhìn ra được những xu hướng mới cũng như thấy được khó khăn khi triển khai để đồng hành cùng Chính phủ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Dữ liệu số trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030:
Mục tiêu đến năm 2025:
- 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Mục tiêu đến năm 2030:
- Hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước, giảm 30% thủ tục hành chính; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp.