Luận bàn về văn hóa
(DNTO) - Từ xưa đến nay, nhận thức và đi tới định nghĩa về văn hóa là vấn đề lớn, rất phức tạp và khó đi tới thống nhất. Lý do là do cách nhìn nhận và tiếp cận khác nhau ở mỗi không gian và thời gian khác nhau.
Hiện đã có hàng trăm khái niệm về văn hóa nhưng có điểm chung nhất là các khái niệm đó đều xem văn hóa là toàn bộ những giá trị về vật chất và tinh thần mà con người phát minh, sáng tạo ra. Quan điểm của UNESCO cho rằng: sự phát triển của xã hội xét đến cùng là sự phát triển của văn hóa; sự thăng hoa của văn hóa là đỉnh cao nhất của sự phát triển; văn hóa quyết định tính cách riêng của một xã hội, làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác.
Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nhận thức rõ về vai trò và vị trí đặc biệt của văn hóa. Chắt lọc các quan điểm của Đảng ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước về văn hóa, có thể hình dung những luận điểm chính. Các quan điểm đó đều thống nhất cho rằng văn hóa là tổng hòa các giá trị vật chất, giá trị tinh thần do cộng đồng người Việt Nam sáng tạo ra trong quá trình dựng nước và giữ nước. Văn hóa là một trong bốn lĩnh vực quan trọng nhất của đời sống xã hội và có liên quan mật thiết với nhau, gồm: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa. Văn hóa là thành quả sáng tạo của con người và là môi trường nuôi dưỡng, dẫn dắt để không ngừng hoàn thiện trí tuệ, bản lĩnh, cốt cách của con người. Đảng ta xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là động lực để phát triển, vừa là mục tiêu cần xây dựng. Mục tiêu xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Quan điểm chỉ đạo đó xác đáng với thực tiễn và phù hợp với quy luật phát triển khách quan của văn hóa nên trong những thập kỷ qua, đặc biệt là qua 36 năm đổi mới, nền văn hóa của đất nước ta có những khởi sắc, đạt nhiều thành tựu đáng kể; đến lượt mình, văn hóa đã thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội đất nước.
Nhận thức sâu hơn những quan điểm của Đảng ta về văn hóa, có thể bàn luận thêm về một số khía cạnh.
Thứ nhất, cần nhận thức sâu sắc văn hóa là tổng hòa các giá trị vật chất, giá trị tinh thần của xã hội. Văn hóa bao hàm văn minh, văn minh có văn minh vật chất và văn minh tinh thần. Những con đường mới mở đến đâu, văn minh tinh thần lan tỏa tới đó. Những cây cầu có vẻ đẹp tuyệt mỹ ở các thành phố lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, hoặc trên vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ tôn tạo cảnh quan mà làm mọi người mỗi khi tới đó đều phấn chấn, tự hào. Những thành phố mới mọc lên, những sân bay, bến cảng hay những vùng nông thôn mới với đường lớn, ngõ xóm khang trang, làng quê “thay da đổi thịt”…, tất cả đều là cốt cách văn hóa, chứa đựng văn hóa và khi đó văn hóa là tổng hòa các giá trị vật chất và tinh thần.
Thứ hai, văn hóa là động lực phát triển đồng thời cũng là nguồn lực, nguồn tài nguyên to lớn, mãi mãi trường tồn. Khi văn hóa được coi là nguồn lực, là tài nguyên đặc biệt thì phải cư xử với văn hóa một cách văn minh, không những không được phép “khai thác” tài nguyên này một cách bừa bãi, mà còn phải nuôi dưỡng, bồi đắp nó ngày càng lớn mạnh và không ngừng phát triển. Với vai trò như vậy, văn hóa trở thành nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Thứ ba, trong quan niệm, cần chú trọng cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp của văn hóa. Nghĩa rộng như đã nêu ở trên, còn nghĩa hẹp là tố chất văn hóa trong những lĩnh vực cụ thể như: văn hóa giao tiếp, văn hóa cộng đồng, văn hóa làng quê, văn hóa gia đình, văn hóa cơ quan, văn hóa doanh nhân… Như vậy, văn hóa vừa là tổng hòa những giá trị cao đẹp nhất về vật chất, tinh thần của một đất nước, một dân tộc, lại vừa là những vỉa tầng cụ thể, ẩn chứa nhiều cung bậc và nét đặc thù tại những không gian, hoàn cảnh cụ thể.
Thứ tư, cần chú trọng đặc biệt đến vai trò của nhân dân trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Nhân dân vừa là chủ thể làm nên lịch sử và làm nên văn hóa, đồng thời là người hưởng thụ văn hóa; vừa là người chủ thể để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và giữ lửa văn hóa. Sứ mệnh cao cả của văn hóa chính là xây dựng con người, xây dựng nền dân chủ, công bằng, văn minh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá của con người.
Như vậy, nhận thức về văn hóa là cả một quá trình. Trong quá trình đó, bản thân đời sống văn hóa có những đổi thay và phát triển, vì thế nhận thức về văn hóa cần theo kịp tình hình để sự hiểu biết ngày càng sâu sắc, thấu đáo hơn.