Li Jin, chuyên gia đầu tư cho người sáng tạo trực tuyến
(DNTO) - Li Jin, 31 tuổi, nhà sáng lập Atelier Ventures đã rót tiền tài trợ cho các công ty khởi nghiệp liên quan đến giới influencer, những người sáng tạo trực tuyến trên mạng xã hội. Cô hào hứng xem đó là một lĩnh vực đầu tư mạo hiểm thời thượng ngày nay.
Khi có ai hỏi về nghề cô đang làm, mỹ nhân Li Jin 31 tuổi gốc Hoa phải dùng đến 2-3 cách giải thích. Nói theo kiểu chân phương thì “cô ấy là chuyên gia đầu tư cho người sáng tạo trực tuyến”, còn dùng thuật ngữ theo trend thì cô là "nhà đào tạo các influencer”.
Khi những người khác kháo với nhau, họ sẽ bảo “Li Jin đã tự gây quỹ riêng để hỗ trợ các startup liên quan đến người có ảnh hưởng công chúng”. Là nhà sáng lập Atelier Ventures, Li Jin đã bắt đầu ủng hộ những người sáng tạo từ cách đây nhiều năm.
Cody Ko là một ngôi sao YouTube với 5,7 triệu người đăng ký. Bỗng một ngày nọ, anh chợt nhận ra mình đang rơi vào tình cảnh khó khăn trong hành trình phát triển sự nghiệp. Thế là liền có ngay hai công ty khởi nghiệp khác nhau đều muốn cung cấp cổ phiếu gầy vốn cho anh. Tưởng may mắn, nhưng hóa ra Ko lại đâm lo vì đánh hơi được sự quyết liệt trong cạnh tranh giành tài trợ của họ cho một influencer như anh.
Vì vậy, Cody Ko đã phải nhờ đến Li Jin để được tham vấn trước tình cảnh khó xử này. Lời khuyên của cô là anh cứ trung thực trình bày với những người sáng lập của cả hai startup này về xung đột lợi ích tiềm ẩn. Nhà YouTuber nghe theo, và cuối cùng chỉ đeo đuổi một trong các thỏa thuận.
Ở lĩnh vực đầu tư mạo hiểm ngày nay, có thể trao cho cô nàng Li Jin biệt danh It Girl, vì cô là cầu nối giữa đầu tư khởi nghiệp và hệ sinh thái những người sáng tạo trực tuyến, là hai mảng đang phát triển rất nóng lúc này. Chỉ mới năm ngoái, công ty mạo hiểm Atelier Ventures của Li đã huy động được 13 triệu đô la. Đây là một số tiền khá khiêm tốn đối với một quỹ mới, nhưng đã đủ để đưa Jin trở thành một trong những nhà đầu tư đầu tiên ở Thung lũng Silicon bền bỉ coi trọng giới influencer, và đã tự tay quảng bá hỗ trợ những người sáng tạo trực tuyến trên Internet.
Tốt nghiệp Harvard, được truyền cảm hứng từ những ý tưởng xã hội của Friedrich Engels và Karl Marx, Jin cũng là người tích cực ủng hộ công nhân. Một trong những ý tưởng tuyên dương sức lao động mà Li Jin đã hô hào là cổ vũ khả năng thu nhập từ sáng tạo toàn cầu, đảm bảo sao cho những influencer khởi nghiệp nhận được một khoản tiền cơ bản để sống.
Giờ đây, khi các công ty đầu tư mạo hiểm cộm cán đang đổ xô đến các influencer startup, và khi Facebook, YouTube trình làng quỹ dành cho người sáng tạo trị giá 1 tỷ đô la, thành tích của Li Jin biến cô thành chuyên gia kinh doanh cho nhiều ngôi sao kỹ thuật số đang cố gắng điều hướng đúng đắn nghề nghiệp của mình.
Nhóm “khách hàng đệ tử” của Li đã nhanh chóng phát triển. Hank Green, 41 tuổi, người sáng tạo hàng đầu trên YouTube và TikTok cho biết, anh thường trao đổi ý kiến với cô qua điện thoại. Markian Benhamou, 23 tuổi, một YouTuber với hơn 1,4 triệu người đăng ký, đánh giá Li Jin hiểu rõ những gì một người sáng tạo phải trải qua. Còn Marina Mogilko, 31 tuổi, người Los Altos, California, một influencer khác của YouTube, đề cao cô là nhân vật nữ tiên phong trong toàn bộ trào lưu kinh tế sáng tạo ở Thung lũng Silicon.
Riêng trong con mắt của các đồng nghiệp cùng ngành nghề, điển hình là Jack Conte, CEO sáng lập Patreon, một trang web huy động vốn cộng đồng dành cho những người sáng tạo nội dung, Li Jin đã đi trước một bước và thực sự nhìn thấy rõ tương lai của nền kinh tế sáng tạo hiện đại này.
Tuy tiền vốn không nhiều nhưng tác động của Li Jin lại ấn tượng khiến uy tín càng được nâng cao, nhất là khi cô cũng hoạt động với tư cách là một người sáng tạo. Jin thường xuyên đăng bài trên bản tin riêng Substack tự lập, khơi mào khóa học trực tuyến truyền thụ cho influencer những bước đầu tư vào các công ty khởi nghiệp. Chính cô cũng tạo ra Side Hustle Stack, một nguồn tài nguyên miễn phí để giúp những người có ảnh hưởng tìm và đánh giá các nền tảng để tận dụng.
Thực ra, nếu xét lịch sử trưởng thành, tự thân Li Jin cũng đã là quán quân trong ngành người có ảnh hưởng. Sinh ở Bắc Kinh, nhập cư vào Mỹ năm 6 tuổi, là con một vị tiến sĩ kinh tế học, hồi nhỏ Li đi học trường công với sở thích vẽ tranh và viết lách. Tốt nghiệp Harvard, thuận ý theo gia đình muốn con gái an toàn tài chính, Li tạm gác lại con đường sáng tạo, chuyển sang chuyên ngành thống kê và thực tập ngân hàng, tiếp thị doanh nghiệp.
Từ khi dời đến sống và làm việc tại Thung lũng Silicon ở tuổi thiếu nữ sung mãn 23, Li Jin liên tục trải qua những công ty khác nhau để mài giũa kiến thức và kinh nghiệm, đó là Shopkick, công ty mạo hiểm Andreessen Horowitz, nghiên cứu các thị trường như Airbnb và Rappi, Instacart của Mỹ Latinh. Chứng kiến những người sáng tạo phải vật lộn để kiếm sống trên mạng, từ các trải nghiệm này, Li Jin bắt đầu suy nghĩ về cách các hệ thống thị trường khác nhau có thể phát triển để giúp mọi người xây dựng doanh nghiệp trên Internet.
Đại dịch Covid-19 đã đẩy cả cộng đồng xã hội vào thế giới mạng, và Li Jin nhận ra đây chính là cơ hội, là công cụ thúc đẩy những người muốn trở thành doanh nhân qua công việc trực tuyến. Cô phát hiện đây là dịp thuận tiện để đứng ra thành lập một quỹ hoàn toàn mới, đi đầu trong việc triển khai bản chất của lao động và công việc trên Internet. Kể từ đó, cái tên Li Jin gắn liền với những thương hiệu của riêng cô, bắt đầu là Atelier, PearPop hay Stir, Fanhouse... với các mục tiêu như cho phép các influencer kiếm lợi từ những tương tác xã hội, hoặc giúp người sáng tạo quản lý tài chính mình thu nhập.
Do ảnh hưởng những triết thuyết xã hội Engels – Karl Marx, Li Jin cũng từng lên tiếng công khai chỉ trích cách YouTube, Facebook, TikTok và Snapchat tận dụng “bóc lột” quyền sở hữu nội dung mà những người có ảnh hưởng đóng góp cho nền tảng. Chính tiếng nói của cô đã phần nào khiến những mạng xã hội này thay đổi chính sách để ngày càng đãi ngộ các influencer hơn.
Nhưng có vẻ vận động như vậy vẫn chưa đủ, Li Jin tiếp tục chặng đường đã vạch ra theo tiêu chí ban đầu khi đầu tư vào các nền tảng nội dung bài viết và video game mà sức sáng tạo được thanh toán bằng cả tiền điện tử, như Mirror hay Yield Guild Games. Cô còn hợp tác với những người sáng tạo để đúc và bán các tác phẩm nghệ thuật dưới dạng tiền ảo NFT, vẫn với mục tiêu “mang lại công bằng cho chất xám thời thế giới ảo”.